Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Nghĩ Đến Ba Tôi

Hôm nay khi các con gọi từ xa về hỏi thăm ngày Father's Day theo tục lệ bên Mỹ, tôi vui mừng vì lâu ngày mới có điện thoại của các con và cũng chợt nhớ đến Ba tôi tha thiết. Cũng chợt xót xa vì trong đời đã dành nhiều thì giờ để nghĩ và nhớ đến Mẹ tôi, cũng như đã viết nhiều về mẹ nhưng chưa bao giờ viết được về ba.

Đơn giản nhất là vì Mẹ tôi được tuổi Trời đến hơn 90 và cùng sang Hoa kỳ với cả gia đình sau 1975. Còn Ba tôi đã mất sớm ở Sai gòn (lúc mới 63 tuổi) từ năm 1970 lúc tôi đi du học ở Canada, lần cuối gặp Ba là tháng 9/1967 lúc tôi rời xa quê hương. Lý do khác và chính yếu là người cha trong các gia đình có lẽ luôn bận rộn công việc mưu sinh và ít dịp gần con cái như bên Mỹ, lại luôn có vẻ nghiêm trang giữ kín tình cảm không bộc lộ ra ngoài hay gần gũi tâm sự với con như người mẹ. Tôi nhớ đến điều mà vài tác giả thường viết là làm bố đến lúc có con trưởng thành mới biết lòng cha mình, và thường để tưởng nhớ trong hối tiếc vì ông nội đã đi xa quá rồi...

                                                           x        x        x

Trong  gia đình từ Hà nội, tôi có thói quen gọi cậu mợ thay vì ba mẹ (má) như nhiều gia đình khác ở miền Nam. Cậu tôi theo lời kể lại của bà nội đỗ đến bằng Thành chung (brevet theo chế độ giáo dục Pháp ngoài Hà nội) là phải bỏ học ngang để đi làm giúp mẹ, vì nhà nghèo lại có bác trưởng mất sớm. Nhưng sau khi thi tốt nghiệp được bằng Tham tá là có việc tốt trong chính phủ dạo đó và đủ sức nuôi nấng đùm bọc cả gia đình, mặc dù mẹ tôi cũng cố gắng buôn bán thêm cho gia đình được thong thả. Cậu tôi phải lo sinh kế từ tuổi 18 nên luôn có nét mặt nghiêm khắc, suốt ngày chăm chỉ đời một công chức cần mẫn tuy đã được ở một ngạch trật cao.

Tôi chỉ mơ hồ nhớ lại thuở 5-6 tuổi được ở một ngôi nhà đường Yết kiêu Hà nội trước lúc di cư năm 1954 vào Nam, lúc Cậu làm Quản lý Bệnh viện Chữa Mắt ngoài đó. Trong tâm tưởng tuổi thơ ấu, chỉ nhớ lại được hai chuyện. Một là vào sáng mồng một Tết, tôi hay chạy ra đầu phố vắng lặng, một nét đáng yêu của thành phố khi đa số dân chúng về quê ăn Tết. Ngôi nhà kỷ niệm và cảnh cũ chợt hiện về, tôi chỉ còn thấy tôi ngày nào được Mợ cho mặc chiếc áo len và đội cái mũ nồi cùng màu trắng, chạy  ra vào cái sân vườn rộng, rộn rã với những phong bao lì xì màu đỏ chói...Hai là vào cuối tuần, Cậu thường cho cả nhà lên đường Cổ ngư ngồi ghế xếp bên đường, ăn những chiếc bánh tôm nóng ròn với bát nước chấm có đu đủ dầm ngon tuyệt!

Tuổi thơ chỉ có vậy ngoài Bắc, còn lại suốt cuộc đời ở nhà là trong miền Nam, bắt đầu khi chiếc phi cơ đáp xuống Tân sơn Nhất tháng 7/1954. Cả nhà được cho tạm trú vài tháng ở nhà ông trẻ Kính ở Đa kao. Ngôi nhà ở miền "đất mới" gồm 2 gia đình đông trên 12 người trở thành thật vui nhộn đầy kỷ niệm, rồi  gia đình tôi tạm ổn dọn riêng sang căn nhà nhỏ đầu tiên ở đường Hai Bà Trưng (đối diện hiệu Thuốc Cam Hàng Bạc), và sau đó là Nguyễn Hoàng Chợ lớn, rồi sau cùng là căn nhà cuối ở Duy Tân.

Với những bước đầu trôi nổi của một gia đình di cư, tất nhiên Cậu tôi với kinh nghiệm hành chính cũng đổi việc vài lần. Tôi còn nhớ Cậu bắt đầu bằng Chương trình Diệt trừ Sốt rét, rồi sau đó sang hẳn Bệnh viện Đô thành với thời gian khá lâu cho tới ngày về hưu năm 55 tuổi. Tôi chỉ còn ghi nhớ được hình ảnh mẫu mực của Cậu trong những năm tháng dài đó, sáng nào cũng dậy sớm ăn vội bát phở có đập thêm quả trứng gà, rồi thoang thoảng mùi nước hoa quen thuộc Eau de Lavande tất tả ra xe đi làm.

Những năm đầu trong hai căn nhà ở Hai Bà Trưng và Duy Tân ghi lại bao kỷ niệm êm đẹp của gia đình, cũng là chứng nhân của một thời Miền Nam thanh bình thịnh trị  trong các năm 1955-1960 của nền Đệ nhất Cộng hòa ngày đó. Tất nhiên hình ảnh rộn rã nhất vẫn là những cái Tết Saigon và êm đềm nhất là những dịp Cậu cho gia đình đi du lịch Vũng tàu hay Đà lạt...

Ở Saigon, đường Chợ Hoa Nguyễn Huệ mở cửa từ tối 28 Tết vẫn là nét đẹp độc đáo cho thành phố, dù với những kiosques luôn nhộn nhịp quanh năm. Các ngôi nhà ấm cúng trên của ba mẹ tôi những ngày di cư vào Nam vẫn hiện ra trong ký ức. Những chiều rộn rã cuối năm theo Cậu tôi ra chợ mua hoa, hay ra hiệu Thái Thạch ở đường Hai Bà Trưng sắm mứt bánh rượu, vẫn chưa nhạt nhòa. Buổi tối đến nhanh chờ bữa cúng tiên thường để đón ông bà về. Mắt tôi lại chợt muốn nhạt nhòa vì hình ảnh bày bàn thờ cúng của bà nội tôi, của mẹ tôi trán lấm tấm mồ hôi trong bếp với những bát măng bát bóng để kịp giờ cúng và mời gia đình ông chú ruột đến ăn tối. Và con gà luộc để nguyên đầu cánh cho giờ cúng giao thừa ngoài trời. Ôi cái tất tả lo việc cúng giỗ của bà nội và mẹ tôi ngày trước, và bà chị dâu vợ anh Cả tôi lúc sau, những người đàn bà đã in đậm dấu trong kỷ niệm đời tôi sau này. Họ hàng ở chơi đến hơn 9 giờ đêm khá vui. Rồi tôi tìm cách "trốn" chạy đi lễ chùa Lăng Ông với Bản là tên bạn thân, vội vàng chạy về nhà trước giờ Giao thừa để tránh giờ xông đất, vốn để dành cho Cụ Nhật Chương là Trưởng họ vào sáng hôm sau mồng Một Tết. Và tìm đâu ra cái không gian xưa cũ khi vào nhà lúc đó, được Cậu tôi cho uống cốc rượu ngọt Dubonnet đầu đời với các anh trai, trong lúc ngồi chờ Mợ lì xì với những phong bao đỏ...

Đến những kỷ niệm trân quí lúc mùa hè đến, Cậu lại cho cả gia đình đi nghỉ hè ở Đà lạt, đến ở nhà Bác Giáo Kim ở dốc đường góc Yaout và Hoàng Diệu trên đường lên đồi "Công an". Đó là những ngày "thiên đường" của tuổi nhỏ. Buổi tối lòng xôn xao xếp vali hay túi xách chờ xe taxi từ 5 giờ sáng ra bến xe lửa lên thành phố cao nguyên đầy mộng mơ đó, nhất là vì có các anh chị họ cùng lứa tuổi đang chờ đợi với bao chương trình vui chơi nhộn nhịp và thi nhau ăn uống...Xe lửa đi tương đối chậm suốt đêm, nhưng gần sáng qua Phan Rang là bắt đầu leo dốc ì ạch chậm hơn nữa. Tuổi nhỏ cũng đã bắt đầu biết mơ mộng, tựa cửa sổ trong khói than mù mịt để tìm khoảng trời tờ mờ sáng bên ngoài, đã nghĩ ngay đến lúc được theo các ông anh họ ra ăn bát phở Bằng và những chiếc bánh khọt góc đường Hoàng Diệu, hay sau này lớn hơn một chút là biết tập nhâm nhi tách cà phê Tùng ban đêm dưới phố chợ.

Hay vào những dịp cuối tuần ngắn hơn, cậu cho ra Vũng Tàu tắm biển với bác Thi bạn cùng sở, buổi sáng bắt đầu bằng lúc ghé qua quán Hương Lan làm vài ổ bánh mì Bưu điện đi đường cho đỡ đói. Ra đến biển là nhảy xuống tắm ngay cho bụng thật đói, để ghé quán Cây Bàng làm bát cơm với thịt bò xào hành tây và bát canh chua "súng" thật ngon! Ôi cũng lại chuyện ăn uống khiến tôi mang tiếng có "tâm hồn ăn uống" lúc lớn lên sau này, nhưng bắt nguồn từ những kỷ niệm do Cậu thương yêu chiều con cái những dịp nghỉ học. Nhưng cũng không thể quên kỷ niệm là Cậu luôn đặt bên cạnh đó, kỷ luật khắt khe trong chuyện học hành thi cử cho cả lũ con đông đảo, là sau này đều phải tốt nghiệp đại học, thay vì chuyện học dang dở của Cậu do sinh kế.

Những nhắc nhở khuyến khích của Cậu cũng là lý do xâu xa thúc đẩy tôi trong lý tưởng chung của cả một thế hệ trẻ miền Nam lúc ấy, đan kết tình cảm gia đình và tình yêu đất nước, giúp hình thành lý tưởng tuổi trẻ mà sau này chúng tôi mãi mãi nhận ra.
Tuy chỉ giới hạn trong sự chăm chỉ học hành và một số hoạt động học đường đơn giản vào cuối thời trung học ở trường Chu Văn An, nhưng dư âm và ảnh hưởng tâm lý còn như kéo dài suốt đời của một nhóm chúng tôi, những người tuổi thiếu niên mới lớn ở miền Nam. Chúng tôi lớn lên trong khung cảnh của một xã hội nghèo còn đang lo tổ chức, nhưng may mắn được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, tuy mang tiếng "từ chương" nhưng vẫn có một giá trị tối thiểu nào đó được chứng tỏ sau này lúc đàn chim non VN tốt nghiệp trung học, bay ra khắp các chân trời thế giới và đã ghi lại nhiều thành tích học tập sáng ngời ở các đại học Âu Mỹ. Chúng tôi đã may mắn lớn lên trong nền giáo dục còn ghi nét cổ truyền Việt, tôn trọng các giá trị gia đình cao đẹp từ ngàn xưa, còn những tin yêu vào tình đời và tình người. Đáng nói nhất là đám thiếu niên 16-18  hồi ấy đã manh nha một lòng yêu nước và yêu tự do mãnh liệt, muốn sửa soạn chung tay xây dựng một đất nước phú cường sau này, bằng sự chăm chỉ học hành trau dồi kiến thức để ra đời làm việc. Nhưng sau này trưởng thành, chúng tôi mới nhận ra mình chưa có được một đất nước yên bình và có tổ chức qui củ sẵn như Singapore hay Nam Hàn, để có thể đem kiến thức ra góp tay xây dựng. Thực tế phức tạp của miền Nam Việt Nam những năm đó và sau này đã đòi hỏi ở tuổi trẻ chúng tôi nhiều hơn thế!
Tuy nhiên những ý nghĩ vụn này tiếp tục cho chúng tôi sống lại những tự hào của một thời niên thiếu. Chúng tôi, dù sau hơn 50 năm và ở cách xa quê hương nửa vòng địa cầu, vẫn mang theo trong lòng "Hội chứng Việt Nam" với tâm huyết hừng hực của lứa tuổi 20 về một "cơ hội đã mất" của đất nước.

                                                              x       x       x

Tôi miên man trong những ý nghĩ dài về cuộc đời như vậy, vì chợt nhớ ra đã làm buồn Ba tôi năm 1967 lúc bỏ năm Dự  bị Y khoa để theo học bổng sang Canada du học, chọn ngành kinh tế. Ba tôi nói suốt đời ông làm nghề công chức cạo giấy đã chán nản, thấy tôi bắt đầu được vào trường Thuốc để hy vọng theo đuổi được ngành độc lập như vậy đã mừng, lại "bỏ đi" theo học ngành kinh tế bấp bênh và còn lạ lúc đó, nhiều triển vọng lại theo Ba tôi vào nghề "cạo giấy"! Sau hơn 50 năm, bây giờ đến tuổi về hưu, tôi vẫn không biết mình nghĩ đúng hay Ba tôi đã nghĩ đúng. Có lẽ mỗi người đều có định mệnh an bài về nghề nghiệp và cuộc sống.

Chỉ biết nhớ Cậu mỗi lần con cái gọi đến chúc mừng ngày "Father's Day", và đôi khi có đứa nào không nghe mình về một lời khuyên sự nghiệp, lại muốn thắp nén hương trong thương cảm và tưởng nhớ Cậu, người cha đã yêu thương và cả đời hy sinh cho tôi và các con khác, mà không bao giờ nhận lại được điều gì đền đáp!

Phạm Thăng Long
19/06/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét