Thế-Vũ |
Tôi đã viết
nhiều về Vũ Kiện, một người anh, nhà thơ mà tôi vô cùng quí mến
từ khi đặt chân vào Đại học Laval. Tôi không quen anh trước. Khi tôi đến
Canada, anh đã về nước. Những năm đầu tiên đi học, bạn bè giao cho
trách nhiệm lo tờ nội san sinh viên Đất Lạnh, phải đi thu thập những
tập báo, giai phẩm Xuân do các đàn anh đồng môn thực hiện. Tôi đã mê
mải tìm đọc thơ Vũ Kiện, sưu tầm
các bài thơ của anh đăng rải rác trong các trang báo, rồi thỉnh
thoảng ngâm chơi .
Tôi là một
người thích thơ văn từ khi còn học trung học. Thuộc lầu hàng trăm bài
thơ của các danh nhân cổ VN, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công trứ, Trần Tế
Xương, Nguyễn Du, Truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm....từ các kho sách của
bố tôi, một giáo sư Việt văn trường Nguyễn Trãi. Thơ Vũ Kiện với tôi,
là một khám phá mới.
Ngoài những
bài thơ có vần điệu cùa anh, bài thơ xuôi “ Tháng chín mùa thu”, tôi
đọc mà nghe như có sóng động trong hồn. Là sinh viên tú tài toán, cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa tính
nhanh hơn là tìm vần cho thơ. Đọc
Vũ Kiện, tôi hiểu được thêm là thơ
hay, không nhất thiết phải có vần. “ Tháng
chín mùa thu, thành phố có những hôm trời trở rét vô cùng, tôi chẳng
còn thời giờ đi qua vùng nghĩa trang Sillery. Công trường Moncalm, ghế
đá, người yêu, tượng bầy, lá đổ...”. Ai đã đến học ở Québec, bây
giờ ghé thăm lại thành phố, mà nghe những lời thơ này lại không thấm
thía với : “ lần đi về của mùa thu,
mùa thu vàng trên những ngọn cây...” trong vùng sillery hay campus đại
học. Tôi mê bài này đến độ thuộc lòng bài thơ “không điệu, không vần...” , in trên ba trang giấy. Mấy chục
năm sau, vì việc làm, hàng tuần, đi về Québec-Montréal, lúc thiu thiu
ngủ, vẫn nghe trong đầu : “ chuyến xe
bus tốc hành từ Montréal, tôi biết em ngồi đấy, một mình và rạng rỡ
vô cùng...”. Cách đây mấy năm,
tôi đã diễn ngâm “Tháng chín mùa thu”,
không giấy trong tay, trong kỳ Họp mặt ở ngoại ô Montréal. Nhìn xuống, thấy những ánh mắt ngạc
nhiên (và có lẽ ..tội nghiệp) vì chắc nhiều người nghĩ tôi đã phải khổ
công học trước khi trả bài.
Viết về Vũ Kiện
trong bài này tôi cũng muốn nói về người
bạn đồng hành của anh trong thơ . Trăng. Trăng đã theo anh từ lúc đi học.
"...gục đầu vào quyển hóa học
hữu cơ trên bàn" mà vẫn mơ về " người con gái độc hành đêm nay về ngủ cùng trăng miền Baie Comeau ̣̣(Tháng chín mùa thu )
cũng như trăng đã
luôn ở trong mộng chàng sĩ tử "Lavan thành".
Trăng mờ gác tận bên song
Nửa đêm chợt tỉnh là mông mênh buồn
Xì xào gió lạnh trở nguồn
Nửa đêm chợt tỉnh là buồn mênh mông ...
…..
dù nàng...
Đàn vỡ tan tành
giật mình trăng khuyết long lanh đang về
yêu đương chưa chín nồi kê
tỉnh ra chỉ có một bề đầy vơi
(VK- Liêu trai)
Trong câu thơ này, ta
thấy cái tài dùng chữ của nhà thơ. Mông mênh buồn rồi buồn mênh
mông, cho cảm giác nỗi buồn thật thấm thía giữa ánh trăng mờ ảo.
Vũ Kiện làm thơ với những
dằn vặt về quê hương, đất nước. Sau bao năm lưu lạc, vầng trăng cố xứ vẫn vằng
vặc trong thơ anh:
...
Người đã về chưa thấp thoáng mơ
Là trăng là khói dậu sương mờ
Lồng trong những nhạt nhòa năm cũ
Thơ người, thu, hay thu là thơ
(VK - Mùa thu Québec -
Đọc thơ Nguyễn Khuyến)
.....
Trăng hôm ấy là trăng vừa mới vọng
Giáng sinh hồng giăng mắc anh châu rơi
(VK- Gần mười năm nay chưa về Đà Lạt)
Rồi trăng soi đáy
lòng người, trăng mang tâm sự kẻ vong quốc:
....
Có cô tát nước ở bên đàng
Tát hộ dùm tôi cái dở dang
Từ độ tôi làm thằng bỏ xứ
Lòng cũng tan từng miếng vụn trăng
(VK - Tình nào
như ca dao)
....
Hay kẻ bầu say ôm tiếc ngọc
Mà trăng soi cái đáy vô thường
(sau bao ngửa mặt tìm trăng sáng
đã cúi đầu thương nhớ cố hương)
(VK - Trăng)
Một bài thơ rất nổi
tiếng với ánh trăng hy vọng cho con thuyền vượt biên, "Bài đồng dao Au clair de la lune"
đã được Trọng Nghĩa phổ nhạc và được trình bày rất nhiều lần trong các đêm họp
mặt, cứu trợ:
dưới ánh sáng trăng /này bạn pierrot /thuyền tôi
thì nhỏ / biển thì hư vô
cho tôi đốm lửa / cho tôi tình người / nến tôi tàn
lụi / hồn tôi rã rời
trước mặt là biển /sau lưng là rừng / chung quanh
quỉ dữ / trên đầu bão bùng
tôi chèo lang thang /ra khơi thuyền nhỏ /nước đành
cũng bỏ /nhà đành cũng tan
dưới ánh sáng trăng / tàu anh có rộng / buồm
anh hy vọng /tôi nhờ một khoang
Năm 1975, người di
tản buồn Vũ Kiện, "thằng người
khổ đau, niềm khắc khoải hiện thân thành những vết nhăn dài trên khuôn mặt ưu
tư, nỗi buồn tháng năm” trở lại Québec. Anh đã không sử dụng được những kiến
thức "hóa học hữu cơ...những con số, hình vẽ.."(VK- TVMT), nhưng
cũng tìm được việc làm thích hợp trong thư viện một trường trung học cho đến
khi mất.
Kỷ niệm cuối cùng
mà tôi còn giữ với anh là bài thơ anh viết theo lời yêu cầu của tôi để làm tựa
để cho buổi trình diễn áo dài đêm Họp mặt ngày 18-08-97. Tôi còn nhớ dáng anh
lui cui một tay cọ, một tay tẩu thuốc, như một cụ đồ viết mực tàu trên giấy gạo
mà anh đã dặn tôi mua ở đường St-Jean:
Áo dài khép kín tình sâu
Hôm nào hứng lá bay sầu như mưa
Bây giờ tóc đã nhạt thưa
Guốc đa kao ngỡ còn khua trong hồn
Ngày anh vĩnh viễn
ra đi, tôi tiễn anh bằng chính lời thơ của anh: "ôi có những lần ra đi nào mà không buồn. Ôi
khói những chuyến tàu chia tay nào mà không làm cay xè nước mắt....Mùa hè
nay đã cuối thu...Còn gì buồn hơn
mưa lúc chạng vạng hoàng hôn trên mộ đá nghĩa trang khu rừng sillery...như mưa
trên phi trường ancienne-lorette buồn tênh ", một bài thơ Vũ Kiện sáng tác lúc anh 22 tuổi.
Và tôi đã khóc,
thương tiếc một vầng trăng thơ
Rồi trần gian ấy
cũng thôi
Vườn thơ anh mãi
một đời ngủ yên
Máu đào ngưng chảy
về tim
Thì quê hương cũ
cũng im nỗi buồn
Hôm nay thắp một
nén hương
Tiễn anh ở cuối
đoạn đường viễn mơ
Bóng thi
nhân - lệ Anh Thư
Hồn thơ về chốn
thiên thu vẹn toàn
Nghìn năm trăng sẽ
không tan.
Thế-Vũ
(viết cho chủ để
thương nhớ người ra đi)
Vài dòng về nhà thơ Vũ Kiện
Vũ kiện (1944-1990)
là con của nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí*. Đi du học ở Canada, Đại học Laval,
Quebec, trong những năm 1963-1966. Tốt nghiệp ngành Hóa học, anh về nước phục vụ
và kết hôn với chị Anh Thư, cũng là cựu sinh viên Laval. Năm 1975, theo dòng
người di tản, anh trở lại Canada cùng vợ và hai con gái, sinh sống tại
Cap-Rouge, một vùng ngoại ô Thành phố Quebec.
Thơ của anh được
phổ biến rất nhiều trong các tạp chí ở Hải ngoại, nhiều nhạc sĩ, trong đó có Trọng
Nghĩa và Phan Ni Tấn, đã phổ nhạc, trình diễn, làm băng cassette,"ca
dao" hoá thơ Vũ Kiện, rất tài tình. Ai thích đọc thơ VK, có thể tham khảo
những bài báo đăng năm trước trong blog Đất Lạnh.
Theo chị Anh-Thư,
khi biết mình không còn sống được lâu, Vũ Kiện đã đêm ngày thực hiện cho được
cuốn hồi ký, viết về những kỳ niệm giữa anh và thân phụ.
Bản thảo của tập
bút kỳ này đã được hoàn tất và đã được chính anh gởi cho nhà xuất bản Làng văn ở
Toronto, đúng một ngày trước khi anh từ trần. Chúng tôi không biết tập bút kỳ
này có được ấn hành hay không. Rất mong được tin tức của nhà xuất bản hay các bạn
hữu.
________________________________
*Vũ Đình Chí (1900 – 1986), thường được
biết với bút danh Tam Lang, là một trong những nhà văn, nhà báo nổi tiếng của
Việt Nam. Ông cùng với Vũ Trọng Phụng và Vũ Bằng là ba chàng họ Vũ nổi danh
làng báo thời tiền chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét