Một số rất
đông ngườI Việt Nam chúng ta đều có nghe qua và phần lớn có thể thuộc lòng câu
thứ nhứt của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Những người có biết đến bài thơ nầy đều biết rằng nó được dùng làm căn bản để đặt tên cho các vị vua của nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử của nước ta. Phần lớn chúng ta đều biết rằng vua Bảo Đại, vị Hoàng Đế cuối cùng của Nhà Nguyễn, khi còn là Đông Cung Hoàng Thái Tử, có tên là Vĩnh Thụy. Vậy Ngài chính là thế hệ thứ năm của các vua nhà Nguyễn vì chữ Vĩnh là chữ thứ năm của bài thơ tứ tuyệt kể trên. Tuy nhiên, bài thơ tứ tuyệt nầy không phải là bài thơ duy nhứt dùng làm căn bản để đặt tên con cháu trong Hoàng tộc nhà Nguyễn và cách đặt tên cũng không phải đơn giản như thế.
Bài viết
nầy đề cập đến một số khía cạnh khác chung quanh việc đặt tên con cháu trong
dòng họ Nguyễn Phúc mà phần đông NgườI Việt không biết đến, đồng thờI trình bày
một vài nhận xét và cảm nghĩ riêng của cá nhân ngườI viết bài nầy.
Sự Ra ĐờI Của Các Bài Thơ
Ngày
mùng một tháng giêng năm Quí Mùi (niên hiệu Minh Mạng thứ tư, nhằm ngày dương lịch
là 11-02-1823), vua Minh Mạng đích thân soạn bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt kể trên
và đặt tên cho bài thơ là Đế Hệ Thi
dùng để đặt tên cho con cháu của chính Ngài.
Cũng trong ngày hôm đó, cùng với bài thơ nầy, Ngài còn làm một bài ngũ
ngôn tứ tuyệt khác (gồm tất cả 20 chữ đều thuộc bộ chữ Nhật) dùng làm Ngự danh cho các đời vua kế tiếp, và 10 bài ngũ ngôn
tứ tuyệt khác gọi là Phiên Hệ Thi
dùng để đặt tên cho con cháu của các vị Hoàng tử anh em của Ngài. Các bài thơ nầy được nhà vua ra lệnh cho khắc
vào sách vàng (Kim sách) và sách bạc (Ngân sách). Nhà vua cũng viết bài Tựa cho Kim sách, nói
rõ lý do việc ra đờI của các bài thơ, đồng thời cũng chỉ thị rõ ràng cách áp dụng
các bài thơ trong việc đặt tên cho con cháu trong Hoàng tộc. Khi Kim sách, Ngân sách làm xong, nhà vua cho
thiết đại triều tại điện Thái Hòa để tuyên đọc Kim sách. Lễ xong nhà vua ban Ngân sách có chép các
Phiên Hệ Thi cho các Hoàng tử (hay hậu duệ của các vị đã mất) anh em của
Ngài. Kim sách sau đó được đặt vào trong
hòm vàng (Kim quỹ) giữ tại điện Càn Thành.1
Việc ra
đời của các bài thơ nầy không phải là một sự tình cờ. Nó phản ánh khá rõ rệt cá tính của vua Minh Mạng. Kế nghiệp vua Gia Long, Ngài chính là vị vua
đã có công lớn trong việc hoàn chĩnh hệ thống cai trị của triều nhà Nguyễn về mọi
mặt chính trị, quân sự, văn hóa, và xã hội.2 Khi đã cũng cố xong các nền móng vững chắc
cho triều đại, Ngài thấy cần phài tổ chức lại các chuyện nộI bộ trong dòng họ
cho có quy củ, phù hợp vớI bản tính coi trọng tôn ti trật tự của Ngài, đồng thời
cũng tạo ra một cách để nắm vững con cháu trong dòng họ, phù hợp với bản tính
nghiêm khắc và uy quyền của Ngài.
Cách Chọn Tên Cho Các Vua Kế Nghiệp
Bài thơ gồm 20
chữ thuộc bộ chữ Nhật chép trong Kim sách dùng để đặt tên cho các vị vua kế
nghiệp là như sau:
Tuyền Thì Thăng Hạo Minh
Biện Chiêu Hoảng Tuấn Điển
Trí Tuyên Gián Huyên Lịch
Chất Tích Yến Hy Duyên 3
Vua Minh
Mạng đã chỉ thị rất rõ ràng trong bài Tựa in ngay trong Kim sách như sau: ‘Nay
trẫm noi theo ý tốt đẹp của đời trước, làm cho chí của đời trước được thành tựu,
nên mới tự soạn 20 chữ bộ nhật, để lại cho ngườI kế nghiệp, đến lúc nối ngôi có
thể lấy một chữ làm tên, theo nghĩa mặt trờI biểu tượng cho vua, lấy tên đặt
lúc nhỏ làm tự danh.’ 4
Các vị
vua kế nghiệp đã tuân theo lời dạy nầy của vua Minh Mạng, mổI khi đăng quang đều
cho làm lễ mở Kim sách, chọn lấy, theo thứ tự, một chữ trong 20 chữ thuộc bộ chữ
Nhật đó để làm Ngự danh. Vua Thiệu Trị,
lúc còn là hoàng tử có Tự danh là Miên Tông, khi lên ngôi kế vị vua Minh Mạng,
đã chọn chữ đầu tiên là Tuyền để làm Ngự danh.
Vua Tự Đức, kế vị vua Thiệu Trị, đã chọn chữ thứ nhì là chữ Thì. Sau khi vua Tự Đức băng hà, hoàng tử Ưng Chân
(con nuôi của vua Tự Đức) lên kế vị, nhưng chỉ được có 3 ngày thì bị phế, chưa
kịp đăng quang nên không có Ngự danh và niên hiệu (tuy vậy, trong dân gian vẫn
thường gọi là vua Dục Đức, là một điều hoàn toàn không đúng). Sau đó, hoàng tử thứ 29 (con trai út) của vua
Thiệu Trị là Hồng Dật (tức là em út của vua Tự Đức) được lập lên làm vua. Ngài đã chọn chữ thứ ba là chữ Thăng để làm
Ngự Danh và đặt niên hiệu là Hiệp Hòa.
Các vua kế tiếp cũng đều chọn các chữ theo đúng thứ tự trong Kim
sách. Vua Khải Định, kế vị vua Duy Tân
(đã chọn chữ thứ tám là chữ Hoảng), khi đăng quang đã chọn chữ thứ chin là chữ
Tuấn.5 Khi vua Khải Định băng
hà, Đông Cung Hoàng Thái Tử Vĩnh Thụy, khi đăng quang kế vị vua cha, đã chọn chữ
thứ mười là chữ Điển (cũng đọc là Thiển) để làm Ngự danh của Ngài.
Cách Đặt Tên Cho Con Cháu Của Dòng Vua
Trong bài Tựa của
Kim sách, vua Minh Mạng cũng chỉ thị rõ ràng cách đặt tên cho các con cháu của
chính Ngài như sau: ‘Khi mới sinh xin tên, tên hoàng tử thì chữ trên theo thứ tự lấy một chữ
nào đó trong Đế Hệ Thi, dưới lấy một chữ theo bộ chữ nào đó tùy theo thứ tự đời
thứ mấy.’ 6 (Xin lưu ý:
nói là chữ trên, chữ dưới vì thời đó nước ta vẫn còn dùng chữ Hán, và cách viết
là theo từng cột hàng dọc và đọc từ phải qua trái).
Như vậy,
tên của các hoàng tử là một tên kép, hay song danh, gồm có hai chữ. Chữ thứ nhứt lấy từ Đế Hệ Thi, chữ thứ nhì lấy
từ bộ chữ đã định trước cho thế hệ của hoàng tử đó. Sau đây là các bộ chữ mà vua Minh Mạng đã định
cho từng thế hệ con cháu của Ngài (ghi trong dấu ngoặc):
Miên (miên) Hồng (nhân) Ưng (thị)
Bửu (sơn) Vĩnh (ngọc)
Bảo (phụ) Quí (nhân) Định (ngôn)
Long (thủ) Trường (hòa)
Hiền (bối) Năng (lực) Kham (thủ)
Kế (ngôn) Thuật (tâm)
Thế (ngọc) Thoại (thạch) Quốc (đại)
Gia (hòa) Xương (tiểu) 7
Do đó, tất
cả các hoàng tử con của vua Minh Mạng (tất cả có 78 vị, xem chi tiết ở Phụ đính
1) đều có song danh với chữ thứ nhứt là chữ Miên, và chữ thứ nhì là một chữ thuộc
bộ Miên. Xin kể ra một vài thí dụ: hoàng
trưởng tử là Miên Tông sau nầy lên nối ngôi là vua Thiệu Trị; hoàng tử thứ mười
là Miên Thẩm, chính là nhà thơ Tùng Thiện Vương; hoàng tử thứ mười một là Miên
Trinh, chính là nhà thơ Tuy Lý Vương.
Các chữ Tông, Thẩm và Trinh đều thuộc bộ Miên.
Đến đời
kế tiếp, tất cả các hoàng tử con vua Thiệu Trị (tất cả có 29 vị, xem chi tiết ở
Phụ đính 2) đều mang song danh mà chữ thứ nhứt là chữ Hồng và chữ thứ nhì là một
chữ thuộc bộ Nhân. Sau đây là một vài
thí dụ: hoàng trưởng tử là Hồng Bảo bị vua cha phế bỏ nên không được nối ngôi;
hoàng tử thứ nhì là Hồng Nhậm, sau nầy lên ngôi là vua Tự Đức; hoàng tử thứ 29
là Hồng Dật, sau nầy lên ngôi là vua Hiệp Hòa.
Các chữ Bảo, Nhậm, và Dật đều thuộc bộ Nhân.
Các đờI
kế tiếp cũng giữ đúng theo lệ nầy mà đặt tên cho các hoàng tử. Thí dụ: 1) Vua Kiến Phúc lúc còn nhỏ là con
trai thứ ba của Kiên Thái Vương Hồng Cai, em của vua Tự Đức, nên ngài chỉ là một
công tử, mang song danh là Ưng Đăng; chữ Đăng thuộc bộ Đậu là bộ chữ mà vua Tự
Đức đã ban cho cánh họ của Hồng Cai; nhưng về sau Ngài được vua Tự Đức chọn làm
con nuôi, vì nhà vua không có con ruột, nên được mang danh phận là hoàng tử; và
được mang song danh mới là Ưng Hổ; chữ Hổ là một chữ thuộc bộ Thị. 2) Con trưởng của vua Đồng Khánh là hoàng tử
Bửu Đảo, sau nầy lên ngôi là vua Khải Định.
Chữ Đảo là một chữ thuộc bộ Sơn.
3) Con trai duy nhứt của vua Khải Định là Đông Cung Hoàng Thái Tử Vĩnh
Thụy, sau nầy lên nối ngôi là vua Bảo Đại.
Chữ Thụy là một chữ thuộc bộ Ngọc.
Cách Đặt Tên Cho Các Con Cháu Của Các Anh Em Của Vua
Cũng trong bài Tựa
của Kim sách, vua Minh Mạng viết như sau: ‘... tên các công tử thì chữ trên theo thứ tự
lấy một chữ nào đó trong phiên hệ thi nào đó, dưới một chữ lấy ngũ hành tương
sinh mà dùng bộ Thổ làm đầu.’ 8 Theo ngũ hành tương sinh thì: Thổ sinh Kim,
Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hoả sinh Thổ. Vậy thứ tự các bộ chữ thuộc ngũ hành dùng để
đặt tên sẽ là: Thổ, Kim, Thủy, Mộc và Hoả.
Mười bài
Phiên Hệ Thi được vua Minh Mạng soạn ra để đặt tên cho con cháu của mười người
anh em của Ngài là như sau:9
- Phòng Anh Duệ, dành cho con cháu của
Anh Duệ Hoàng Thái Tử, tức là Đông Cung Cảnh, anh của nhà vua, đã mất trườc khi
vua Gia Long lên ngôi, bài thơ như sau:
Mỹ Duệ Anh Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vi Vọng Biểu Khôn Quang
- Phòng Kiến An, dành cho con cháu của
Kiến An Vương, em kế cùng mẹ với nhà vua, bài thơ như sau:
Lương Kiến Ninh Hòa Thuật
Du Hành Suất Nghĩa Phương
Dưỡng Di Tương Thức Hảo
Cao Túc Thể Vi Tường
- Phòng Định Viễn, dành cho con cháu của
Định Viễn Quận Vương, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Tình Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiễm Cách Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Cát Đa
- Phòng
Diên Khánh, dành cho con cháu của Diên Khánh Vương, em của nhà vua, bài thơ
như sau:
Diên Hội Phong Hanh Hợp
Trọng Phùng Tuấn Lãng Nghi
Hậu Lưu Thành Tú Diệu
Diễn Khánh Thích Phương Huy
- Phòng Điện Bàn, dành cho con cháu của
Điện Bàn Công, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Tín Điện Tư Duy Chính
Thành Tồn Lợi Thỏa Trinh
Túc Cung Thừa Hữu Nghị
Vinh Hiển Tập Khanh Danh
- Phòng Thiệu Hóa, dành cho con cháu của
Thiệu Hóa Quận Vương, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Thiện Thiệu Kỳ Tuần Lý
Văn Trí Tại Mẫn Du
Ngưng Lân Tài Chí Lạc
Địch Đạo Duẫn Phu Hựu
- Phòng Quảng Uy, dành cho con cháu của
Quảng Uy Công, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Phụng Phù Trưng Khải Quảng
Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ
Điển Học Kỳ Gia Chí
Đôn Di Khắc Tự Trì
- Phòng Thường Tín, dành cho con cháu
của Thường Tín Quận Vương, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Thường Cát Tuân Gia Huấn
Lâm Túy Trang Thạch Cung
Thận Tu Di Tiến Đức
Thụ Ích Mậu Tân Công
- Phòng An Khánh, dành cho con cháu của
An Khánh Vương, em của nhà vua, bài thơ như sau:
Khâm Tòng Xưng Ý Phạm
Nhã Chính Thủy Hoằng Qui
Khải Để Đẳng Cẩn Dự
Quyến Ninh Cọng Tập Hy
- Phòng Từ Sơn, dành cho con cháu của
Từ Sơn Công, em út của nhà vua, bài thơ như sau:
Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm
Phu Văn Ái Diệu Dương
Bách Chi Quân Phụ Dực
Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Sau đây
xin kể ra một vài trường hợp áp dụng các bài Phiên Hệ Thi trong việc đặt tên
con cháu của các Phòng. Trong trường hợp
Phòng Anh Duệ, con trai trưởng của Anh Duệ Hoàng Thái Tử có tên là Mỹ Đường; chữ
Mỹ là chữ đầu tiên trong bài Phiên Hệ Thi dành cho Phòng Anh Duệ; chữ Đường là
một chữ thuộc bộ Thổ là bộ chữ dành cho thế hệ thứ nhứt của các Phòng. NgườI hậu duệ đời thứ tư của Phòng Anh Duệ là
Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; chữ Cường là chữ thứ tư của bài Phiên Hệ Thi dành cho
Phòng Anh Duệ; chữ Để là một chữ thuộc bộ Mộc là bộ chữ dành cho thế hệ thứ tư
của các Phòng. NgườI con trai trưởng của
Kỳ Ngoại Hầu Cường Để mang song danh là Tráng Liệt; chữ Tráng là chữ thứ năm của
bài Phiên Hệ Thi dành cho Phòng Anh Duệ; chữ Liệt là một chữ thuộc bộ Hỏa là bộ
chữ dành cho thế hệ thứ năm của các Phòng.
Sau khi ở
ngôi được 4 năm, vào năm Thiệu Trị thứ năm (1845), vua Thiệu Trị lại phân biệt
ra Đế Hệ và Phiên Hệ. Đế Hệ gồm các
hoàng tử con của chính nhà vua và cách đặt tên tiếp tục theo các chữ trong bài
Đế Hệ Thi. Phiên Hệ gồm con cháu của các
hoàng tử em của nhà vua. Tuy nhiên khác
với cách thức của vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị không ban cho các em mình một
bài thơ mà chỉ ban cho một bộ chữ dùng để chọn thứ thứ nhì cho song danh; còn
chữ thứ nhứt thì vẫn dùng các chữ trong bài Đế Hệ Thi. Việc dùng chữ của bộ nầy sẽ tiếp tục hết đời
nầy sang đờI khác, khi nào hết chữ trong bộ thì sẽ tâu lên nhà vua (của lúc đó)
để xin một bộ chữ khác. Thí dụ: cánh của
hoàng tử Miên Thẩm, Ngài cho bộ chữ Nhục, do đó các hậu duệ của Tùng Thiện
Vương Miên Thẩm lần lượt là Hồng Khẳng (con), Ưng Trình (cháu nội), và Bửu Cân
(cháu cố) đều có tên (Khẳng, Trình và Cân) thuộc bộ chữ Nhục.
Vua Tự Đức,
sau khi ở ngôi 4 năm, mặc dù chưa có con, cũng theo gương vua cha, lại phân biệt
Đế Hệ và Phiên Hệ. Ngài cũng ban cho
dòng họ của các anh em mình một bộ chữ để đặt tên cho con cháu giống như cách
vua cha Ngài là vua Thiệu Trị đã làm.
Thí dụ: cánh của hoàng tử Hồng Cai, ngài cho bộ chữ Đậu, do đó các người
con trai trưởng, con trai thứ ba, và con trai thứ năm của Kiên Thái Vương Hồng
Cai lần lượt mang song danh là Ưng Thị, Ưng Đăng và Ưng Lịch; các chữ Thị, Đăng
và Lịch thuộc bộ Đậu.10 (Xin
lưu ý: cả 3 vị nầy về sau đều lên ngôi, là các vua Đồng Khánh (Ưng Thị), Kiến
Phúc (Ưng Đăng), và Hàm Nghi (Ưng Lịch)).
Một điều
quan trọng nữa cần được ghi nhận là tất cả những ngườI thuộc các Phòng đều phải
chấm dứt không còn được dùng họ Nguyễn Phúc nữa, ‘con trai sẽ dùng Tông Thất, con
gái sẽ dùng Tông Nữ để đặt trước tên.’ 11 Về sau, vì chữ Tông trở thành trọng húy (vì Tự
danh của vua Thiệu Trị là Miên Tông) nên chữ Tông được đổi thành chữ Tôn cho
Tôn Thất và Tôn Nữ.
Quy Định Dành Cho Phái Nữ
Tất cả các quy định
kể trên đều áp dụng cho con trai. Về
phía nữ thì thông thường cũng là tên kép (song danh) nhưng được tùy tiện, không
phải theo quy luật nào cả.
Các người
con gái của nhà vua thì gọI là hoàng nữ, sau khi được sắc phong thì mới gọi là
Công chúa. Khi trở thành chị em của nhà
vua thì được gọi là Trưởng Công chúa, đến khi trở thành cô của nhà vua thì được
gọi là Thái Trưởng Công chúa.
Đối với
các ngườI phái nữ thuộc Tôn Thất (tức là các Phiên Hệ) thì cần phải biết tên của
anh em trai của họ thì mới định được họ thuộc Phòng nào và đời nào. Một cách nữa là nhìn vào chữ lót thêm vào giữa
tên của họ để biết họ thuộc đời nào; thí dụ: Công nữ (con gái), Công tôn nữ
(cháu nội gái), Công tằng tôn nữ (cháu cố gái), và Công huyền tôn nữ (cháu sơ
gái). Về sau, riêng chữ Công huyền tôn nữ
hơi dài nên chữ Công được bỏ đi, chỉ gọi là Huyền tôn nữ.12 Càng về sau, các đời kế tiếp thường chỉ còn
giữ gọi ngắn gọn là Tôn nữ mà thôi.
Thay Lời Kết
Nhận xét đầu
tiên là các vị vua nhà Nguyễn có thể có nhiều tên và hiệu khác nhau. Về tên, lúc chưa lên ngôi thì mang Tự danh (một
ngườI có thể có nhiều Tự danh khác nhau do thân phận thay đổi); lúc lên ngôi
thì sẽ chọn một chữ trong Kim sách để làm Ngự danh. Về hiệu, sau khi làm lể đăng quang sẽ chọn
niên hiệu; sau khi băng hà sẽ được vua kế vị (thường là con của vua mới băng
hà) truy tặng Miếu hiệu và Thụy hiệu.
Trong số các vua Nhà Nguyễn có một vị không có Ngự danh và niên hiệu (Dục
Đức) vì chưa kịp đăng quang đã bị phế.
Ngoài ra cũng có một số vị không có Miếu hiệu và Thụy hiệu vì bị phế (hiệp
Hòa), hay bỏ ngôi báu bôn tẩu (Hàm Nghi), hoặc bị Pháp phế bỏ và lưu đày (Thành
Thái, Duy Tân), hay chết ở nước ngoài (Duy Tân), hoặc thoái vị (Bảo Đại). Riêng trường hợp vua Dục Đức, mặc dù chưa có
Ngự danh và niên hiệu nhưng lại có Miếu hiệu là Cung Tông và Thụy hiệu là Huệ
Hoàng Đế vì sau khi chết (bị bỏ đói cho chết trong ngục) được 8 năm thì người
con trai trưởng của Ngài được lập lên làm vua là vua Thành Thái. Chính vua Thành Thái đã truy tôn cha mình là
Cung Tông Huệ Hoàng Đế. (Xem chi tiết ở
Phụ đính 5).
Nhận xét
thứ nhì là ước vọng của vua Minh Mạng khi công bố Kim sách chỉ thực hiện được
có phân nữa. Nhà vua đã phán như sau: ‘Trẫm
chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn
sẽ được hưởng năm 500 năm, hưởng đời hơn 20 đời. Cũng không dám mong nhiều
đâu.’ 13 Lịch
sử đã cho thấy Nhà Nguyễn chỉ làm vua được khoảng trên 140 năm (1802-1945), và
chỉ truyền được có 13 đời, trong có có đến 6 đời vua đã bị truất phế, bôn tẩu,
lưu đày, hay phải thoái vị. Bài Đế Hệ
Thi gồm 20 chữ mới dùng được đến chữ thứ sáu (chữ Bảo của Đông Cung Hoàng Thái
Tử Bảo Long của Vua Bảo Đại); 20 chữ bộ Nhật trong Kim sách mớI dùng được đến
chữ thứ mười (chữ Điển do vua Bảo Đại chọn lúc lên ngôi).
Một điều
cuối cùng cũng đáng lưu ý là khi tất cả những quy định chặt chẻ nầy được đặt ra
thì nước ta vẫn còn dùng chữ Hán. Sau
khi nước ta bị Pháp đô hộ và chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ thì số người biết chữ
Hán ngày càng ít đi, kể cả những người trong Nguyễn Phúc tộc. Việc chấp hành nghiêm chĩnh những quy định chặt
chẻ nầy, đặc biệt là khi đặt chữ tên thứ nhì (trong song danh) cho đúng bộ chữ
của Phòng và đời, đã trở nên rất khó khăn.
Tôn Nhân Phủ (do chính vua Minh Mạng lập ra vào năm 1920 để trông coi
các việc trong Hoàng tộc) cũng không còn nữa, thì thử hỏi cá nhân hay cơ quan
nào sẽ làm công việc ghi chép và kiểm soát chặt chẻ đó nữa?
Ghi Chú:
1. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, ‘Danh và
hiệu của các vua Nhà Nguyễn’, Nghiên Cứu Huế, tập 1 (1999), tr. 78.
2. Nguyễn Huyền Anh. Việt Nam danh nhân từ điển. Sài Gòn : Khai Trí, 1972. Tr. 237-238.
3. HộI Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc. Nguyễn Phúc tộc thế phả : thủy tổ phả,
vương phả, đế phả. Huế : Nhà xuất bản
Thuận Hóa, 1995. Tr. 419.
4. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, sđd, tr.
79.
5. Đặng Ngọc Oánh. ‘L’intronisation de l’Empereur Khai-Dinh’, Bulletin
des Amis du Vieux Hue, năm thứ ba, số 1 (tháng 1-3, năm 1916), tr. 7. Bài viết nầy tường thuật lại một cách rất chi
tiết Lễ Đăng Quang của vua Khải Định.
Khi dịch lại thánh chỉ của nhà vua về việc lên ngôi nầy, tác gỉa đã ghi
lại việc chọn Ngự danh của vua Khải Định như sau: ‘Ayant choisi le moment
favorable, j’ai ordonné aux grands mandarins d’ouvrir respectueusement le Livre
d’Or. Conformément à ce qui y est contenu, c’est le neuvième caractère (...)
qui déterminera mon nom officiel.’
Xin tạm dịch như sau: ‘Chọn được ngày giờ lành, Trẫm đã truyền chỉ cho
các đại thần kính cẩn mở Kim sách, và, theo đúng trong Kim sách, chữ thứ chín
(...) sẽ là Ngự danh của Trẫm. Một bài
viết khác của tác giả A. Laborde, vớI tựa đề ‘Les livres d’or et les livres
d’argent de la Cour d’Annam’, cũng đăng trong tập san Bulletin des Amis du
Vieux Hue, năm thứ tư, số 1 (tháng 1-3, năm 1917), cung cấp cho độc giả một
số thông tin về Kim sách; bài nầy cũng cung cấp cho độc giả 2 hình vẻ: 1) hình
vẻ tờ bía của Kim sách, và 2) hình vẻ Kim sách được mở ra. Xem các hình nầy ở các Phụ đính 3 và 4. Kim sách đề cập đến trong bài viết nầy là Kim
sách của vua Gia Long cho làm ra để truy tôn Thụy hiệu Hiếu Khương Hoàng Đế cho
thân phụ của Ngài.
6. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, sđd, tr.
79.
7. Boudet, Paul, ‘Les archives des Empereurs
d’Annam et l’histoire annamite’, Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm thứ
29, số 3 (tháng 7-9, năm 1942), tr. 251.
8. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, sđd, tr.
79.
9. Boudet, sđd, tr. 251-253.
10. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, sđd, tr. 82.
11. HộI Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, sđd, tr.
422.
12. HộI Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, sđd, tr.
421.
13. Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Nhiên Hạnh, sđd, tr.
78.
Phụ Đính
1
Danh
Sách Các Hoàng Tử Con Vua Minh Mạng
Phụ Đính
2
Danh
Sách Các Hoàng Tử Con Vua Thiệu Trị
Phụ Đính
3
Hình Vẻ
Tờ Bìa Của Kim Sách
Phụ Đính
4
Hình Vẻ
Kim Sách Mở Ra
Phụ Đính 5
Ghi Chú:
- Các vị vua thứ bảy, thứ tám và thứ chin, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng
Khánh, đều là con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, em của vua Tự Đức. Vì thế trong dân gian đã truyền tụng câu:
Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn, vua mầt, vua thua chạy dài
Vua còn: vua Đồng Khánh
Vua mất: vua Kiến Phúc
Vua thua chạy dài: vua Hàm Nghi
Lâm Vĩnh Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét