Nhìn sâu để hiểu…
Nguyễn Duy VinhMùa thu ở Canada có thể được xem như là một trong những mùa đẹp nhất ở cái xứ đất rộng người thưa này. Những hôm có nắng ấm chúng tôi thường hay đi dạo dọc bờ sông hoặc thả bộ thà thươn trong dinh ông toàn quyền Canada như tấm hình cạnh đây cho thấy.
Một xứ sở tự do, người dân có tinh thần dân chủ cao,
khách thập phương được vào dinh ngài toàn quyền mà không bị xét xử, chuyện rất
ít thấy ở các nước có nhiều đe dọa khủng bố cao như Hoa Kỳ hoặc Pháp Quốc, hoặc
ở các nước chậm tiến như Phi Luật Tân và các nước Phi Châu. Ở các nước này, bạn chỉ cần đặt chân đến gần
dinh các quan chức cao cấp hay công sở quan trọng là bạn sẽ được hỏi giấy ngay.
Có lần tôi chỉ “dại dột” chụp hình từ xa (vì không biết là cấm) sứ quán Mỹ ở
Yaoundé mà chúng tôi đã bị hai người lính mang súng M16 chặn lại và hai người
lính camerounais có mũ đỏ này (tôi nghĩ là lính nhảy dù hay lực lượng đặc biệt
gì đó) chặn chúng tôi và hăm dọa đòi lấy cái máy ảnh của tôi. May thay nhờ đi
cùng xe với ông đại sứ Canada nên ông đã can thiệp và mọi việc được kết thúc êm
đẹp.
Tuần vừa qua chúng tôi đưa một người bạn từ Pháp sang
thăm đi một vòng thành phố. Chúng tôi đã ghé thăm và đi bộ một vòng trong khuôn
viên quốc hội Canada. Hoàn toàn tự do không ai hỏi giấy hay cấm cản. Hoàn toàn tự
do muốn chụp hình lúc nào thì chụp. Đây là tấm ảnh chụp hôm đó, trời mưa nhè nhẹ
nên ảnh không được rõ lắm.
Cũng tại chỗ này ngày hôm sau đã xảy ra một thảm kịch mà
những hình ảnh hoảng loạn sợ hãi vẫn còn được tiếp tục diễn đi diễn lại trên hầu
hết các đài TiVi của xứ này, trong lúc tôi viết bài này. Với hai cuộc tấn công
có tính cách khủng bố tuần vừa qua, một ở St Jean sur Richelieu và một ở ngay
trung tâm thủ đô và quốc hội Canada, báo chí đã có câu : “Le Canada vient de
perdre son innocence”. Một câu thật là hay và đầy ý nghĩa. Dịch sang tiếng Việt
câu này không dễ lắm. Nước Canada như là một cô gái trẻ ngây thơ trong trắng vừa
bị một tên sở khanh dùng bạo lực lấy đi một cái gì trân quý nhất của đời người
con gái. “Nước Canada vừa đánh mất sự ngây thơ vô tội của mình”. Và từ đây theo
nhiều bài bình luận trên báo, nước Canada nói chung và thủ đô Ottawa nói riêng
sẽ không còn như trước. Nhà nước dưới sự lãnh đạo của ông Harper đang có những
phát ngôn viên tuyên bố là họ phải tăng cường lực lượng cảnh sát và lực lượng bảo
vệ an ninh cũng như duyệt lại phận sự an ninh trong vòng đai quốc hội. Và cái tự
do quý báu mà chúng ta đang có ngày hôm trước, có thể trong tương lai sẽ không
còn nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ không còn được tự do đi bộ dạo vườn ông toàn quyền
cũng như đi bộ trên khuôn viên quốc hội dễ dàng như trước. Tự do là một điều gì
thật mỏng manh, giống như một đóa hoa đẹp, không biết gìn giữ thì hoa sẽ chóng
tàn.
Sau hai cuộc khủng bố vừa rồi mà hai kẻ sát nhân đều có
tiền án và đều có quá khứ bệnh tâm thần, chúng ta đọc được rất nhiều bài bình
luận trên báo chí về tư duy cực đoan của đạo Hồi đã xâm nhập vào con tim và khối
óc của những người trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ này. Chữ mới họ dùng là
“radicalisation” mà tôi xin dịch nôm na là “cực đoan hóa”. Người trẻ mất phương
hướng, sinh ra từ những gia đình đổ vỡ, đã bị dụ dỗ dễ dàng bởi những tín đồ cực
đoan của đạo Hồi. Họ hấp thụ (hay bị tẩy não thì đúng hơn) tư duy cực đoan mới
và tự ý ra tay gây chết chóc thảm thương cho những người chung quanh. Cho những
người lính có phận sự lo an ninh cho họ và bảo vệ quê hương Canada.
Một câu hỏi lớn được đặt ra trên báo chí mấy ngày nay : tại
sao những người trẻ sinh ra và lớn lên ở đây lại có thể trở thành cực đoan và
nghe theo một tư duy giết người man rợ như thế ? Câu trả lời không đơn giản.
Tôi mời các bạn suy ngẫm và cho tôi một vài phản biện khi bạn có cái nhìn khá
chín chắn và đầy đủ nhé.
Trong lúc chờ đợi tôi lại xin tản mạn tiếp về mùa thu.
Mùa thu năm 2014 có vẻ mưa nhiều hơn nên lá năm nay rụng hơi sớm. Hôm nào trời
đẹp là tôi lại hăm hở vác máy ảnh đi chụp cho bằng được kẻo sợ mùa thu qua quá
nhanh. Cố ghi lại vài hình ảnh để thỉnh thoảng lại bấm máy ra xem lại. Cách đây
hai hôm, tôi lại được hân hạnh đón tiếp một số Thầy Cô đến từ Làng Mai (Pháp). Trên đường đi
hướng dẫn một khóa tu ở Làng Cây Phong (St Etienne de Bolton), các Thầy Cô đã chấp thuận lời mời của chúng tôi và đã đến
trường trung học công giáo Holy Trinity ở Kanata (ngay cạnh Ottawa) để nói chuyện
với các em học sinh lớp 11 và lớp 12 (tức là tương đương với Secondaire 4 và 5
của tỉnh bang Québec). Có khoảng 100 em tham dự buổi nói chuyện này. Diễn giả
chính là Thầy Pháp Niệm (tôi quen Thầy từ năm 1994). Thầy tương đối lớn tuổi nhất
(chắc cũng khoảng xấp xỉ 40 tuổi, tôi đoán như thế) so với 6 Thầy Cô khác đi
cùng.
Cách nói chuyện của Thầy thật là khéo. Thầy dùng một bài
hát tiếng Anh (mà đa số chúng tôi đều biết hát) để dạy các em hát. Tôi xin chép
bài hát đó xuống đây :
Breathing in, breathing out,
Breathing in, breathing out,I am blooming as a flower,
I am fresh as the dew.
I am solid as a mountain,
I am firm as the earth,I am free.
Breathing in, breathing out,
Breathing in, breathing out,I am water reflecting,
What is real, what is true.
And I feel there is space,
Deep inside of me,I am free, I am free, I am free
Các bạn muốn tập hát bài này chỉ việc bấm vào liên kết
YouTube dưới đây :
https://www.youtube.com/watch?v=IPSJrUmOXDc
Thầy Pháp Niệm dùng bài này để giảng cho các em nghe về
cách tu tập trong đạo Bụt theo pháp môn Chùa Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh. Sau
buổi nói chuyện là phần hỏi và đáp (Q&A). Các em học sinh xứ này rất bạo dạn
và hỏi nhiều câu rất hay. Có một câu làm tôi nhớ mãi vì nó làm Thầy Pháp Niệm
trầm ngâm vài giây trước khi Thầy trả lời : “how do we know what is real and
what is true ?” (làm sao chúng ta biết được cái gì thật, cái gì đúng ?). Thầy
trả lời : muốn biết điều gì hay hiện tượng nào đó thật hay đúng, chúng ta cần
phải tập nhìn sâu để hiểu vì cái tưởng của chúng ta (notre perception) rất hạn
hẹp. Thật ra chính đức Phật cũng đã nói “phần lớn các tưởng (cái thấy và suy
xét) của chúng ta đều là vọng tưởng”. Có một vị thiền sư đã đi xa hơn với câu
“là où il y a perception, il y a déception” (chỗ nào còn có tưởng là còn có sự
thất vọng). Thất vọng là vì mình nhìn sai mà cứ đinh ninh là đúng. Mình phải tập
nhìn sâu để tìm thấy những nguyên nhân sâu xa cho mình một cái nhìn ngày càng
đúng và ngày càng thật hơn.
Tôi lấy một ví dụ nhé. Mùa thu. Tại sao lá mùa thu lại
vàng. Lúc đầu người ta chỉ đoán là vì thời tiết lạnh hơn và đó có thể là lý do
làm lá úa. Dần dà người ta lại tìm ra được thêm một nguyên nhân nữa là vì thiếu
ánh sáng mặt trời và phải đợi đến đầu thế kỷ 20 người ta mới biết là trục xoay
của quả đất nghiêng 23 độ và khi quả đất quay quanh mặt trời và đi vào tọa độ ellipse
của mùa thu, ánh sáng vào quả đất ít hơn mùa hè. Từ đó chất diệp lục tố trong
lá cây đổi màu vì thiếu ánh sáng. Lá bắt đầu vàng úa. Rồi thì cây tự sinh ra mốc
ở cuống lá và làm lá chết để cuối cùng lá rụng đầy sân.
Mùa thu năm 2010 tôi có viết một bài về tuổi quả đất. Tôi
xin kèm theo bài này để xin được đăng vào đặc san mùa thu năm nay. Bài này cho
thấy vấn đề nhìn sâu để hiểu không đơn giản như chúng ta tưởng. Đôi khi chúng
ta cần phải có những cái thấy khoa học xuất thần. Xin mời các bạn đọc bài này.
Gần đây nhất vì có tính méo mó nghề nghiệp trong người của
một sinh viên đã lỡ học ngành kỹ sư, tôi luôn muốn tìm tòi để hiểu tại sao mỗi
lần có mưa lớn ở Sài Gòn ngày nay, là y như chắc chắn có rất nhiều nơi trong
thành phố bị lụt lội trầm trọng. Tôi xin dán vào đây những tấm ảnh này để các bạn
có một ý niệm.
Lúc đầu có rất nhiều người tin tưởng là vì thiên tai. Biến đổi khí hậu. Nước sông dâng cao. Tiếng trong nước bây giờ người ta nói là “lũ sông và triều cường”. Nhà cầm quyền CHXHCNVN đã có những công trình ngăn chận lũ sông và triều cường nhưng không có hiệu quả. Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu về ngập lụt trong nước đã bắt đầu tìm ra “căn bệnh” và các chuyên gia này đi đến kết luận là ngập lụt tại thành phố Sài Gòn là do … nhân tai.
Từ số dân tăng mỗi lúc một nhanh, từ khoảng 3.5 triệu dân vào cuối năm 1975, dân số Sài Gòn ngày nay được ước lượng vào khoảng từ 8 đến 9 triệu đầu người. Và các chuyên gia tìm được một tương quan (corrélation) giữa tỉ số tăng của dân và tỉ số tăng của nước ngập mỗi năm (dân càng đông thì nước ngập càng cao và nước thoát càng chậm). May thay các chuyên gia này không ngừng ở đó. Họ nhìn sâu hơn và thấy thêm một tương quan nữa giữa sự tăng trưởng của dân số và diện tích bê tông hóa bề mặt của thành phố. Nói nôm na là sự dâng cao mực nước trong thành phố sau mỗi cơn mưa đi đôi với quá trình phát triển đô thị của thành phố. Và nói thật dễ hiểu hơn nữa là nước mưa không có lối thoát vì đất thành phố bị bịt ngày càng nhiều bởi những khối xi măng và bê tông được đổ xuống để phát triển đô thị. Thành phố Sài Gòn đang bị … nhân tai rất trầm trọng. Mỗi lần mưa xuống là người dân thành phố rầu thúi ruột. Những hôm mưa to, người ta ghi nhận được hơn 100 địa điểm khác nhau trong thành phố bị ngập nặng trong rất nhiều ngày. Và nhìn xa hơn thì chúng ta thấy cái nguyên nhân sâu xa gây ra những khó khăn hiện nay là sự thất học (thiếu tầm nhìn khoa học về môi sinh trong chương trình phát triển đô thị, nói nôm na hơn nữa là mấy ông ấy làm bừa vì thất học) và lòng tham (tham tiền của các nhóm lợi ích), chỗ nào mua (hay cướp) được đất của dân là các ông ấy vội vàng phát triển xây cất để bán nhanh và thu lợi nhuận. Và cuối cùng gậy ông đập lưng ông. Không biết thành phố Sài Gòn thân thương của chúng ta sẽ đi về đâu.
Tôi có viết một bài về lòng tham con người và xin chép
liên kết mạng xuống đây để các bạn đọc thêm cho vui :
http://www.danluan.org/tin-tuc/20140413/nguyen-duy-vinh-nhan-ngay-30-thang-04-sap-den-xin-tan-man-ve-long-tham
Và tôi xin ngừng bút và chúc đặc san Đất Lạnh Mùa Thu
2014 thành công với nhiều bài vở xúc tích.
Chào thân ái,
Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé Mùa Thu 2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét