Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Xuân hay Tết, Tết hay Xuân?


Trần Cao Hoài
Tây Úc     
Ngày Tết là những ngày đầu của một năm. Những quốc gia Âu Tây không có chữ Tết, mà chỉ có chữ Năm Mới (New Year) để diễn tả những ngày đầu năm mới. Những ngày đầu năm của chúng ta cũng là những ngày đầu Xuân, ngày có những cơn mưa phùn bay nghiêng nghiêng theo những làn gió nhẹ se se lạnh, không đủ thấm ướt áo len, phủ lên chiếc mũ dạ như một lớp sương mỏng. Cây cối đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, đang vươn vai thức dậy sau gần sáu tháng ngủ vùi, mặc bộ quần áo mới xanh mướt có điểm những bông hoa ngào ngạt sắc hương. Con người cũng mới mẻ hẳn lên, sau những ngày ủ mình trong nhiều lớp áo ấm. Những người nghèo khổ cũng vui vì đã qua được một mùa Đông rét mướt bần hàn, che mình không đủ ấm trong những chiếc áo tơi lá, dưới những cơn mưa dầm gió bấc. Nay Xuân lại về, mong một năm mới khấm khá hơn qua những lời chúc lành.
Đó là những gì có được của những con người, những thành phố, làng xóm của vùng Bắc và Trung phần Việt Nam. Còn miền Nam chúng ta chỉ có hai mùa mưa nắng làm tới, ngày Tết hay đầu Xuân, năm nào hên lắm thì diện được cái áo len mỏng. Chỉ có ai rủng rỉnh xu hào thì mới lên Hoàng Triều Cương Thổ đón xuân, một nơi có những cô gái má hồng một cách tự nhiên, vì khí hậu trên đó mát dịu quanh năm, một nơi lý tưởng cho những ai “Cưới vợ ăn Tết” hưởng những tuần trăng mật ngọt ngào và quấn quýt lấy nhau vì ... lạnh.
Một phần những hình ảnh và cảm xúc ghi trên chỉ là trí tưởng tượng của tôi, qua sách báo và chuyện kể của ông bà nội. Những người đã được diễm phúc hưởng hồng ân của đất trời trong những ngày xưa cũ miền Bắc. Tôi được đọc một câu chuyện ngắn của một người Hà Nội  xa Hà Nội từ tấm bé, vợ chồng anh đã trở lại đây trong một dịp công tác cho hãng của anh, sau khi kể nhiều điều về đất “Ngàn Năm Văn Vật” đã mất đi cái Văn Vật của Ngàn Nam cũ, anh kết luận:  
" ... Tôi được nắm tay người yêu dấu, đón giao thừa bên Hồ Gươm trong tiết xuân se lạnh của đất trời Hà Nội." 
Đọc câu văn êm đềm và tình tứ đó, tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện của riêng tôi, tôi cũng hưởng được cái se lạnh này trong ngày "Ông Táo Chầu Trời", ngày 23  tháng Chạp năm Tân Dậu (Tháng 01-1982). Cái ngày tôi ra khỏi tù, từ trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh  Phú. Về tới Hà Nội đợi tầu hỏa xuôi Nam, xum họp với gia đình sau  gần 7 năm tù khổ sai. Và lẽ dĩ nhiên, chẳng được .... nắm tay ai. 
Thời tiết đó thật đẹp, nhất là đối với người mới được trả tự do. Gặp lại những thân nhân chưa từng quen biết (Các cô cậu họ bên  nhà vợ).
Ðược chỉ dẫn bởi một cụ già khi tôi hỏi đường đến Phố Hàng Ðào:
 - Cậu mới ở trên "núi" xuống phải không ?
 - Thưa! Sao bác biết ạ !?
 - Ðất Hà Nội này bé bằng cái lỗ mũi mà cậu còn hỏi đường là tôi biết  ngay cậu từ đâu đến, cậu đừng hỏi ai nữa nhé, có thể nó lừa cậu đấy, cậu cứ đi thẳng, đến ngã tư thứ hai, rẽ trái, rồi rẽ phải là Phố Hàng  Ðào. Ði bộ chừng 10 phút là tới. Nhớ nhé, đừng hỏi ai nữa nhé !!! 
Phố Cổ Hà Nội- Gánh hàng ăn sáng bánh cuốn Thanh Trì
Tôi đã tìm được nhà và được đón tiếp như một người thân quen từ trước,  thật ấm lòng với bát miến có cái đùi gà trống thiến to đùng, cùng những lời chúc mừng và những lời khuyên chân tình về cuộc sống ở cái xã hội đầy nhiễu nhương, trong một căn phòng tù mù đóng kín cửa, với 2 đứa cháu trai gác ở bên ngoài, vì sợ “tai vách mạch rừng” của công an, các cô chú nói thế.
Dù nhận được những lời chúc mừng nồng hậu của thân nhân mới gặp. Tuy nhiên, vẫn không thắm thiết bằng những lời chúc đầu năm, trong cái  lạnh buốt thấu xương, ở những trại tù trên vùng Cao Bắc Lạng, giáp giới  nước Tầu. Những người tù đã lôi những bộ quần áo lành lặn nhất có  được, mặc vào sáng Mùng Một Tết. Cố gắng tươi cười cho khỏi rông cả  năm, chúc nhau năm mới mạnh khỏe, chịu đựng tốt để còn sống mà có ngày  về với cha mẹ, vợ con. Không chúc nhau năm nay sẽ ....được thả, vì đã hiểu thế  nào là Tù Cải Tạo, một loại tù vô thời hạn. 
Nhắc lại kỷ niệm một thời đau buồn lẫn vui sướng của 28 năm về trước,  "Mừng cháu bước ra khỏi trại tù nhỏ, vào một trại tù lớn", câu chúc  của ông cậu vợ, mới gặp mặt, một Kỹ Sư tốt nghiệp tại Liên Sô, và hồi đó, là giảng sư tại Ðại Học Hà Nội.
Ðể nhận định rằng, dù bề ngoài của Hà Nội có thay đổi thế nào, tốt hay  xấu. Con người của Hà Nội xưa vẫn không thay đổi, đằm thắm, thanh lịch và chịu đựng; tuy có hơi khách sáo nhưng không kém thân tình. Hơn nữa, ông cậu vợ đã chở tôi đi xem Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây, trên chiếc xe Mobilette cà tàng.
Dù Hà Nội có mất vẻ mỹ quan xưa, nhưng con người ở cái tuổi này, có thể hiểu được rằng, trên đời không có gì là toàn mỹ, không có gì là không thay đổi. Có chăng, là lòng người không thay đổi, với tôi, yêu Tổ Quốc không có nghĩa là phải yêu “xã hội chủ nghĩa”.
Ngay đêm hôm đó, tôi đã lên xe lửa Xuyên Việt xuôi Nam. Xe qua những thành phố có tên trên bản đồ Việt Nam, mà thời Trung Học, trong môn Địa Lý tôi đã phải học thuộc lòng. Càng về phía Nam, nhất là qua Bến Hải, một không khí ấm áp (đương nhiên) một tình cảm khó tả, nhìn mọi người cứ ngỡ là đã thân quen tự  thuở nào. Những ổ bánh mì, bánh ngọt, mía ghim,... ném qua cửa sổ xe lửa cho những đứa con miền Nam mới trở về từ trại tù khổ sai Việt Bắc. Những món quà thâm tình quý giá từ những người ăn mặc cũng rách rưới chẳng khác gì mình. Trên những ga miền Bắc, muốn có những món “quà” tương tự, chúng tôi phải đánh đổi bằng quần áo và vật dụng còn lành lặn, mang theo từ ngày theo tiếng “gọi” đi “học tập cải tạo”.
Cái Tết năm đó là một cái Tết đáng nhớ nhất trong đời tôi, gia đình xum họp, với tất cả anh em chúng tôi, những đứa đã xếp bút nghiên theo tiếng gọi của non sông và đã cùng ... “hè” nhau đi “học tập cải tạo”. Tất cả đã về nhà để thấy ông bà nội tôi đã quy tiên, nhà cửa rách nát, tiêu điều. Qua cái Tết, anh em chúng tôi đã cùng nhau tân trang lại nhà cửa, đồng thời tìm đường đi tìm chốn Tự Do, không muốn ở  lại xây dựng cái gọi là “Xã hội chủ nghĩa”.
Sau vài chuyến vượt biển không thành, nhưng cuối cùng gia đình tôi cũng đã đến được nước Nhật, rồi bay sang định cư ở nước Úc này từ 1984 đến nay. Ở đây, qua bao nhiêu cái Tết không trùng vào mùa Xuân, mà lọt ngay vào giữa hoặc cuối Hè (Tùy theo năm Nhuần hay không).  Đúng như người ta thường gọi nước Úc là cái xứ “Down Under”, cái gì cũng lộn ngược. Các quốc gia ở Bắc Bán Cầu nghỉ hè, thì cái đất Úc Thòi Lòi này rét run. Đến mùa Lễ Giáng Sinh, người ta mặc áo ấm, tuyết đầy sân; thì ở đây nóng điên người, các cô mặc áo tắm 2 mảnh hay những bộ đồ “thiếu vải” đi nghễu nghện, nghênh ngang trên đường phố. Ấy thế mà vẫn chơi bản nhạc “White Chrismas” rộn rã ... khắp mọi nơi.




Cũng vì những “nghịch cảnh” như thế, nên ở chốn này, không thể nói Ngày Tết là ngày Đầu Xuân, mà cũng không thể gọi ngày Lập Xuân là ngày Tết. Thật điên cái đầu vì bị sống trong hoàn cảnh... lộn ngược. Xuân hay Tết, Tết hay Xuân !!!!!!!!!!!!!!!!!!
Chỉ mong một ngày gần đây, được thực sự hưởng cái Tết trong những ngày đầu Xuân trên đất nước Việt Nam thật sự Thanh Bình. Lúc đó tôi xin viết lại:
Tết là Xuân mà Xuân cũng là Tết.
Trần Cao Hoài
Tây Úc    

                                                                                                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét