Để tưởng
nhớ đến các bạn
Võ Ngọc
Bá, Đỗ Xuân Đài, Vũ Kiện,
Nguyễn Hùng Dũng, Huỳnh Hớn Kiệt
Hôm nay là
một ngày cuối năm 1963. Học kỳ đầu tiên của một sinh viên mới như tôi
thật là vất vả. Đến lớp thầy nói tiếng québécois không hiểu gì
hết. Về nhà đọc sách cả Anh lẫn Pháp phải tra tự điển lu bù. Tuy
nhiên cũng may là mọi môn thi đều trót lọt, bây giờ có hơn 2 tuần lễ
vui chơi nhẹ nhõm. Thật ra thì cũng không có gì vui cho lắm vì cả
résidence chỉ còn các sinh viên ngoại quốc, đại đa số sinh viên địa
phương đã về nhà mừng Noel và ăn Tết.
Đang nhẹ
bước trên hành lang sâu thăm thẳm và vắng tanh, bỗng dưng tôi nghe tiếng
nhạc và tiếng người lao xao vọng ra từ một salle d’étude. Mở cửa
bước vào thì hóa ra là các “đại ca” đang tập đàn và hát chuẩn bị
cho ngày Tết Việt nam sắp đến. Đối với một người mới đến Laval chỉ
mấy tháng thì ban nhạc đúng là gồm toàn “đại ca” như các anh Nguyễn
Ngọc Định, Võ Ngọc Bá, Lộ Công Mười Lăm, Võ Bá Lộc. Chỉ có các anh
Trần Văn Mười và Đỗ Xuân Đài là đến trước tôi chỉ 1 năm. Nhạc cụ
gồm 2 đàn guitare, một đàn mandoline, một trống Bongo và một cái “xập
xỏa”. Bên cạnh chỗ tôi ngồi là 1 đàn mandoline nữa, xem ra là đàn bán
tại địa phương, tiếng đàn không được hay. Anh Lộc thì dùng một cây
đàn mandoline loại mang từ Việt nam mang sang, tuy trông cũ kỹ nhưng
tiếng đàn hay hơn nhiều.
Lúc tôi
bước vào thì anh Lộc đang độc tấu mandoline bài “Dừng Bước Giang Hồ”
của Hoàng Trọng và các người khác đệm đàn. Lúc còn ở nhà, các anh chị em chúng
tôi cũng có 1 cây đàn mandoline, thay nhau đàn hát lúc nhàn rỗi và
bài tôi thích nhất đúng là bài Dừng Bước Giang Hồ này. Thật sự mà nói, anh Lộc đàn thật điêu
luyện lại thêm cây đàn mang từ VN sang, giọng trong thanh nghe rất hay.
Tuy nhiên không hiểu sao tôi vẫn thấy có điểm gì không ổn. Nhân lúc
mọi người đang nghỉ giải lao, tôi cầm cây đàn bên cạnh, dạo thử lại
bài Dừng Bước Giang Hồ và nhận ra là anh Lộc đã bỏ mất 1 đoạn. Lúc
đó mọi người đang nói chuyện ồn ào không ai để ý, chỉ có anh Lộc
là nhận ra và yêu cầu tôi đàn lại. Sau khi nhận ra phần thiếu sót,
anh Lộc đề nghị tôi tham gia và ban nhạc sẽ gồm 2 đàn mandoline. Thật
ra lúc đó ở Laval chỉ có khoảng 40 sinh viên VN nên tìm người tham gia
văn nghệ thật khó và có thêm được người nào thì càng “xôm tụ”
hơn. Và như vậy, tôi được chính
thức tham gia ban nhạc và dĩ nhiên là được vào ban hợp ca luôn vì lúc
đó chỉ có một mình anh Đài là ca sĩ chính trình diễn trong ngày
mừng xuân Giáp Thìn năm 1964.
Sau Tết năm
đó chừng vài tháng, một hôm, hai anh Định và Bá đến tìm tôi tại
phòng. Đây là chuyện lạ, hai “đại ca” đến tận phòng để tìm “em út”
thì là chuyện lớn rồi. Anh Định, lúc đó là Hội trưởng Hội sinh viên
VN ở Laval, đề nghị tôi làm trưởng Ban Văn nghệ. Với tài đàn “tứng
từng tưng” và hát “nghêu ngao” như tôi mà được vào Ban Văn nghệ là quá
sức rồi, làm trưởng Ban thì không dám. Anh Định cho biết lý do là tôi
thuộc nhiều bản nhạc cũng như lời ca cho nên rất cần thiết cho Ban Văn
nghệ chỉ trình diễn dựa trên trí nhớ mà thôi. Hai anh hứa sẽ hợp
tác như hiện nay, trưởng ban chỉ cần lo sắp xếp chương trình mà thôi.
Tôi chưa tìm được lý do để từ chối nên yêu cầu được vài ngày suy
nghĩ.
Đây là một
vấn đề quan trọng với một “teenager”, vốn cũng không rành về âm nhạc
và văn nghệ, cho nên tôi họp các bạn cùng lứa để bàn bạc. Nhóm bạn
chúng tôi, là “em út” ở Laval vào thời điểm đó, lại rất hăng hái và
ủng hộ rất nồng nhiệt. Các bạn được liệt kê sau đây dựa theo “cường
độ” của sự ủng hộ là Vũ Kiện, Bùi văn Tâm, Trần khánh Thoại, Trần
bửu Long, Nguyễn thanh Xuân, Nguyễn Dương. Ngay cả người ít nói nhất
là Nguyễn cao Liêu cũng phát biểu “làm thì làm, sợ gì”.
Và thế là
một người “ca không hay mà đờn nghe cũng dở” như tôi đã làm trưởng Ban
Văn nghệ hội sinh viên Việt Nam ở Laval trong 3 năm liền. Rất may là
các “đại ca” đã giữ đúng lời hứa và tận tình giúp đỡ. Riêng các
bạn đồng lứa thì không chỉ ủng hộ suông mà hăng hái tham gia. Ban hợp
ca bây giờ có thêm Tâm và Thoại. Vũ Kiện thì ngâm thơ. Ba năm với thật
nhiều kỷ niệm trân quý và theo thời gian thì càng ngày càng trân quý
hơn. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nhắc lại một vài kỷ niệm.
Vũ Kiện
thì ca có lẽ còn tệ hơn tôi và không biết đàn nhưng là một nhà thơ
và là một người có tâm hồn văn nghệ. Anh đã dựng nên màn múa “Trấn
Thủ Lưu Đồn” khá công phu. Tuy nhiên, nhớ nhiều nhất vẫn là tài ngâm
thơ với bài thơ “Hồ Trường” bất hủ của Nguyễn Bá Trác mà chúng tôi
nghe mãi không chán:
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏiTrời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Nghe thật
bi tráng lại vừa lãng mạn. Cho dù “chí chưa thành, danh chưa đạt”
nhưng chỉ cần có rượu, có tri kỷ thì “hà tất cùng sầu đối cỏ cây”.
Vài năm sau
đó có thêm một sinh viên (không nhớ tên) biết đàn (guitare) vọng cổ và
hát cải lương. Tôi là người Huế, vốn không thích cải lương, thậm chí
danh từ “cải lương” có khi được dùng để chỉ sự quê mùa. Thế nhưng xa
quê hương khá lâu cho nên tất cả những gì thuộc về quê hương đều hay
đều đẹp hết. Nhờ đó tôi mới học thêm được cải lương là một phần
quan trọng trong văn hoá của Việt nam mà từ trước đến giờ tôi đã bỏ
quên.
Nói tóm lại,
chương trình văn nghệ của những năm đó khá phong phú, với tiếng đàn
của anh Lộc, ban hợp ca với giọng ca chính của anh Đài, ngâm thơ với
Vũ Kiện và lại thêm màn vọng cổ nữa. Chỉ có điều làm tôi ái ngại
nhất là Viện trưởng lúc đó là Mgr Vachon, năm nào cũng đi dự cho dù
có lẽ ông không thể nào hiểu được những gì trình diễn trên sân khấu.
Tuy nhiên đó cũng là điều làm tôi kính nể và luôn nhớ đến vị Viện
trưởng này.
Năm 1966,
xuân Bính Ngọ, đúng vào ngày chúng tôi chuẩn bị mừng xuân thì nhiệt
độ xuống đến -40 độ. Lúc đó ở Canada còn dùng độ F nhưng dù là F
hay C thì cũng là đều -40, ngày lạnh nhất trong suốt thời gian tôi ở
Québec. Tất cả các xe “cà tàng” của chúng tôi đều không nổ máy. Ngay
cả hai người có xe “xịn” nhất vào lúc đó là các anh Định và BV Rê cũng nằm ụ. Cuối cùng
chỉ có một chiếc xe con cóc Volkswagen (nếu tôi nhớ không lầm là của
anh LV Định, tức Định U) là không có vấn đề gì. Lý do là loại xe
này không dùng hệ thống làm nguội bằng nước. Vào thời đó những cái
haut-parleur lớn gần bằng cái tủ lạnh, phải thật vất vả mới có thể
đưa vào xe từng cái một dưới trời lạnh đúng là cắt da. Rồi còn
dụng cụ, ampli, đàn, tất cả đều trở thành quá khổ đối với chiếc
xe. Phải cần đến năm sáu chuyến mới chuyên chở hết đồ đạc đến
Pavillon Pollack. Lại thêm mối lo lắng là không biết mọi người có đến
được để tham dự không. Rất may là đến xế chiều thì các xe dépanneur
đã bắt đầu ít khách và đến tối thì mọi người đến tham dự đông đủ,
mừng xuân trong không khí ấm cúng.
Những
người đã từng làm văn nghệ đều biết là những lúc vui vẻ và nhiều
kỷ niệm nhất không phải là lúc trình diễn mà là lúc tập dợt. Đó
là lúc mà tất cả mọi người cùng vui đùa, tâm sự cũng như đều cùng
cố gắng để các màn trình diễn được hoàn hảo hơn. Nhờ những sinh
hoạt đó tôi đã có thể làm quen với các “đại ca” hơn tôi đến 3, 4 lớp
cũng như các bạn sau tôi 2, 3 năm. Sau đó, qua các sinh hoạt thể thao,
tôi còn thêm một số bạn thân trẻ hơn nữa. Tất cả những người bạn đó
đã là những sợi dây kết chặt tôi với ngôi trường Laval thân yêu.
Tôi đã
sống ở Mỹ hơn nửa đời người và đã nhận nơi này làm quê hương nhưng
dù sao cũng chỉ là quê hương thứ ba. Quê hương thứ hai của tôi vẫn là
Laval, là Québec, nơi tôi đã lớn lên và trưởng thành, nơi tôi có nhiều
bạn bè đủ lứa tuổi với nhiều kỷ niệm luôn đầy ắp, không bao giờ
phai nhạt.
Viết trong
những ngày Xuân 2017
Lê khắc Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét