Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Chợ tranh

Nguyễn Tài,  Mtl. 23-03-2017
      Hồi nhỏ, ở quê tôi thường thấy mấy người buôn gánh bán bưng:  Ông Tư Phùi, mang gánh mua bán ve chai, lông vịt.  Bà  chín Đẹt, bưng rổ bán rau muống, khoai mì.  Bà Năm Thơ, bưng xề bán trầu cau,Cô Út Bé gánh xôi đậu đen gói bánh phồng..., mỗi người có một cách rao, thật lạ, hay...Khó quên.

      Rồi có một hôm, được theo Má ra chợ tỉnh náo nhiệt, rần rần, vui ghê. Tuổi thơ thấy vui là vui vậy thôi . Không suy nghĩ gì tương lai.

      Thời gian trôi. Trẻ thì lớn lên. Già thì càng già, càng yếu. Vô thường là vậy mà!

      Năm một chín bảy lăm.  Tôi tự cảm thấy mình lớn rồi, phải tự bươn trải, phải tập lăn trôi theo dòng cuộc sống.  Tôi không giống những người năm xưa, bưng xề, gánh càn- xé,...tôi quẫy balô.  Trong balô, có kiếng, có gỗ, có keo a-dao, có giấy nhám, có một cây cưa cắt hình, cắt chữ,...thế là tôi lang thang qua các chợ.  Cắt hình rồng phụng, cắt chữ trăm năm hạnh phúc, người ta mua và vui là mình được tiền...thế là sống qua ngày. Vậy đó, mà tôi đi lang thang qua các nẻo đường chợ trời, chợ chạy chợ lề đường, chợ hẻm: Sađéc, Sài Gòn, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Rạch Giá…đó là chợ cuối cùng, rời xa quê hương đất tổ. Tôi bỏ nước mà đi.

      Đất trời tự do. Đất nước giàu mạnh. Nhưng, nghiệp tôi dường như không gì đổi thay. Cái nghiệp buôn bán, chợ trời,chợ chạy nó tìm ẩn sâu  trong tâm thức tôi.  Nên, đi đến đâu nó cũng hiển hình dẫn đưa vào đường xưa, lối cũ

      Ở chợ ta, ta như cá với nước. Dễ dàng hết sức. Ăn nói, diễu cợt thế nào cũng thấy trơn tru, thoải mái. Như húp cháo lỏng.

      Từ khi lang bạt kỳ hồ đến trung tâm du lịch Cổ Thành Québec, bên cạnh cung điện Château Frontenac, uy nghi, cổ kính, tôi mướn một sạp làm cưa lộng. Nơi đây, du khách tứ phương đông nghẹt, đủ các loại gian hàng tranh ảnh, đồ gốm, đồ da, vẽ chân dung... nói tóm lại chỗ này cái gì cũng có, đáp ứng cho du khách đủ các loại hàng kỷ niệm để nhớ một lần đã đến Québec City.  Dữ dội quá. Tôi thấy run chân ớn lạnh.  Chắc nuốt hổng dzô.  Tiếng tây, tiếng Mỹ của tôi quá hẹp hòi, bày một gian hàng lạ hoắc ở đây hổng có, thiệt bực, khó khăn giải thích như nuốt xôi mắc nghẹn. Cũng bởi cái hàng rào kẽm gai chữ nghĩa, thật khó mà trèo qua. Tôi phải trầy da xướt thịt cả một hai năm liền.  Mới hoàn hồn trở lại. Nhờ Phật Trời phù hộ, mọi chuyện cũng êm ru.

      Nhớ lại, những ngày lõm bõm trên đất người, hết sức là buồn cười:  miệng nói, tay quơ. Nhiều khi quơ đến quờ quạng, mà hổng xong. Một mình chơ vơ giữa chợ trời xứ ngoại.  Biết tìm ai mà dịch, để thông. Nhiều khi buồn ảo não.

      Những đêm nằm trên gác (grenier, tầng sát nóc nhà) số 28 đường Sainte Anne và 38 đường Couillard khu phố cổ nội thành Québec, là những kỷ niệm tràn về như cơn mưa nặng hạt làm bờ sậy mong manh ngã rạp ngoi ngóp trong dòng nước, bơ vơ.  Tầng nóc (grenier) ở xứ này, thường, người ta dùng để chứa đồ không dùng thường ngày, có thể gọi là cái kho linh tinh, người ta không ở trên tầng này, bởi vì mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh.  Nhưng được cái là giá rẻ cho sinh viên, mà tôi cũng thích, có những cửa sổ nhỏ, chiều chiều ngồi nhìn ra ngoài thấy trời, thấy sông Saint Laurent im lìm, lạnh lẽo, lững lờ trôi, xa vắng, mông lung hư ảo vươn lên nỗi niềm cổ tích tịch liêu.

      Thời gian trôi. Vạn sự vô thường. Cũng thế, túi chữ của tôi cũng thêm chút đỉnh. Dầm mưa dãi nắng, lâu ngày dài tháng, riết cũng quen. Chịu đòn nhiều trận thân chai, không còn sợ, dạn dĩ khôn thêm một tí.

      Năm năm trong nắng mưa, trong ngôn ngữ lạ quắc, như nằm gai nếm mật giữa chốn bụi đời. Một cuộc thử thách, xét nghiệm lòng kiên trì của tôi, có đủ vượt qua được con sông bé nhỏ không. Nghĩ lại cũng thấy tôi lì thiệt. 

      Sống ở chợ trời, chạy mưa chạy nắng riết cũng mệt. Chán, tôi bỏ nghề cưa lộng.

      Những năm kế, tôi sống với chợ tranh. Lần này tranh thiệt của họa sĩ mới ra lò. Không chạy mưa chạy nắng, mà chạy show cho những họa viện (Galleries).

      Một khung trời mới, một sinh hoạt thanh lịch, trang trọng, có qui trình, có tổ chức hẳn hoi.

       Gallery (cũng là chợ tranh) nhưng, bao giờ cũng đẹp trịnh trọng sáng sủa, thanh lịch. Vào nơi đây, thường là giá cả hơi mắc mỏ cho nên những người có kiến thức, có tiền mới hay lui tới xem, mua.

      Tranh cũng như trăng. Bản chất,mênh mông trầm lặng. Nó có tiếng nói thì thầm như thinh không, nó đối thoại với người biết đam mê màu sắc đường nét hình thể mà vô hình thể. Nó thanh tịnh mà sấm sét. Nó là tâm hồn sâu lặng, là cõi suy tư trầm tích trĩu nặng không lời. Tranh, vô ngôn thần thoại.

Vậy đó bỗng dư mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ ?
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

      Ở đây tôi xin mượn bốn câu thơ cuối trong bài thơ ‘’Học sinh’’ của Huy Cận. Để nói lên chút tâm tình tôi. Chiếc áo trắng ngây thơ trong trắng của cô học sinh trung học bé nhỏ ngày nào nay đã bay vèo theo ngọn gió tình yêu, để cho kẻ si tình giờ đây đứng ngẩn trông vời…

      Còn tôi, ngoảnh mặt lại hơn 30 năm trông vời chiếc áo thun trổ hoa phai sắc của một hành trình đầy cam go thần tích trong những chợ tranh phương trời ngoại. Có ai từng lam lũ cày bừa trên vải bố như: Paul Gauguin, Van Gogh, Modigliani… mới thấu hiểu nổi một chiến trường phải chiến đấu, trèo lên bức tường cao gian khổ chơi vơi nhiều vất vả mà vẫn khó vượt qua.

      Chiếc gánh năm xưa của ông Tư Phùi khi nặng đòn ông bán lại cho vựa là có đủ tiền đem về trong niềm vui và hạnh phúc. Ông làm một công việc ích lợi thiết thực cho bản thân cũng như gia đình.

      Biết rằng là gian nan. Bởi, trong tự thể thế giới của tranh cưu mang một tình sâu nghĩa nặng của một con người chất chứa nhiều hồn văn hóa bản thể đông phương. Dẫu tranh, đẹp thì có đẹp, lạ thì cũng có lạ, thi vị thì cũng có thi vị đó…nhưng nó tỏa lên cái hương vị xa xăm lạc lõng giữ chợ đời tứ phương, nó như một con thuyền nhỏ leo lách qua những con sông mà trôi êm đềm theo dòng nước. Và vẫn luôn bên lề của đại dương mênh mông.

      Tranh, là một biểu cảm thể hiện từ nội tại của tâm hồn mang nặng một sắc thái văn hóa của một dân tộc. Chính vì sự sáng tạo một tác phẩm từ nội tâm nên nó mang chung thân phận của một kẻ sĩ, không chối bỏ được. Người thưởng ngoạn tác phẩm phải có một đồng cảm, khi tậu về nhà tìm nơi trang trọng trưng bày thưởng thức. Nếu tìm thấy được nguồn hạnh phúc nó phải có một sự hài hòa chung với cái văn hóa đặc thù của họ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến thân tâm họ.

      Tranh không lời. Nhưng nó có một ngôn ngữ biểu cảm thầm lặng riêng, một sự đối thoại bằng sóng thức, bằng giao cảm tâm linh.

Vì thế, chợ tranh không đơn giản như chợ cam, chợ quít,… nó không thơm ngon như sầu riêng, ổi, mít; nó không ngon miệng như phở, bánh xèo, hủ tiếu…ai cũng có thể mua ăn liền đã khẩu no bụng. Hạnh phúc ngay tức thì.

      Tóm lại, văn chương,nghệ thuật là một món ăn tinh thần, người ta phải bỏ ra nhiều thời gian suy tư suy nghiệm để, có tiếp nhận được một nguồn văn hóa khác biệt với mình không. Văn hóa thuộc về tư tưởng là linh hồn của một dân tộc, là tiếng nói, là sức mạnh cổ xúy đi tới đi lên cho dân tộc. Mất đi văn hóa là mất chủ quyền. Không còn niềm hãnh diện. Dân tộc sẽ chìm vào quên lãng.

      Chợ tranh, với tôi như một hành trình thám hiểm nhiều lạ lẫm, bất ngờ, thích thú, vui, buồn… nhiều kỷ niệm rất khó quên trong cuộc đời nghệ sĩ. Trên vai tôi, chiếc đòn gánh gánh trĩu nặng hai đầu văn hóa đông tây mà đi bên bờ dòng sông chính.


Nguyễn Tài,  Mtl. 23-03-2017.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét