Cũng giống như những thanh niên đồng
trang lứa, Phong đã đi trình diện nhập ngũ theo lệnh động viên. Sau 6 tháng thụ
huấn ở Trường sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức, chàng trở thành Chuẩn Uý Bộ Binh và được
đưa về Quân Đoàn III và làm việc tại Biên Hoà. Sau một thời gian làm việc tại
Biên Hòa, Phong được thuyên chuyển về Trung Tâm H.L.V.K.
Sau khi sắp xếp xong nơi ăn, chốn ở,
chàng lên trình diện Khối Quân Huấn và Khoa Tổng Quát để nhận nhiệm vụ mới. Những
ngày tháng tiếp theo, chàng hơi bận bịu vì phải vừa đi bãi dậy học khoá sinh, vừa
phải sưu tầm tài liệu, tự học hỏi về môn Địa Hình để có thể có được một sự hiểu
biết thấu đáo. Tài liệu thì ít ỏi, khó kiếm, cho nên thời gian này là thời gian
cực khổ nhất cho chàng, kể từ khi vào quân ngũ. Chuyện tầm sư học đạo thường
không được hướng dẫn chu đáo. Trước khi nhập ngũ, chàng đã từng dậy học, cho
nên công việc đứng trước khoá sinh để giảng dậy không làm khó được chàng. Tuy
nhiên, khi đi sâu vào công việc, việc đẻ ra việc. Số là, ngoài số khoá sinh là
tân binh, Trung Tâm còn phải tái huấn luyện những đơn vị cấp tiểu đoàn, cấp Đại
Đội cho các đơn vị Tổng Trừ Bị như Thuỷ Quân Lục Chiến, Nhảy Dù….và cả Địa
Phương Quân nữa. Với những Tiểu Đoàn Tổng Trừ Bị, chàng khá quan ngại vì những
sĩ quan của Tiểu Đoàn đi theo khóa sinh, trình độ học vấn khá cao mà họ lại có
nhiều kinh nghiệm thực tế về Địa Hình. Trong khi và sau khi giảng dậy, những sĩ
quan này hay đặt những câu hỏi hóc búa về địa hình khiến cho Huấn Luyện Viên
khó giải đoán cho rõ ràng, minh bạch và khó thuyết phục được họ, nếu như huấn
luyện viên không có một sự hiểu biết thấu đáo. Phong đã phải bỏ rất nhiều thời
giờ để tìm hiểu về môn Địa Hình, cho nên chàng hầu như không có nhiều thời giờ
rảnh rỗi.
Thế rồi việc gì rồi cũng quen đi. Sau ba
tháng làm việc cật lực, nay thì Phong đã có kinh nghiệm và sự hiểu biết vững chắc
về môn Địa Hình mà chàng phụ trách giảng dậy: Đúng là nghề dậy nghề.
Hôm nay, một ngày Hè nắng ráo mà lại là
ngày nghỉ nên toàn thể khu sĩ quan độc thân im phăng phắc. Gọi là khu sĩ quan độc
thân nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn mười hai căn phòng nhỏ nhắn, tương đối sạch sẽ
và một nhà ăn, được gọi là câu lạc bộ. Giờ này, nếu đi xuống câu lạc bộ và đi
qua trước cửa phòng của các sĩ quan thì câu lạc bộ chẳng có ai mà phòng các sĩ
quan thì cửa đóng im ỉm. Thường thì những ngày cuối tuần là những ngày sĩ quan
“Độc thân tại chỗ” đón tiếp vợ con trong những căn nhà lá đơn sơ, nằm không xa
con đường từ cổng trại ra con đường cái. Những căn nhà lá này là do dân chúng
cư ngụ quanh đó cất lên để cho thuê, và những vị sĩ quan “độc thân”này có nhu cầu
tạm bợ để đón tiếp vợ con từ xa tới, thường thường là từ Saigon ra. Không gian
tĩnh lặng vô cùng. Có chăng thỉnh thoảng có tiếng reo vi vu nhè nhẹ khi làn gió
luồn lọt qua những ngọn phi lao cao chót vót. Từ cổng trại ra đường cái, khoảng
cách cũng hơn một trăm thước. Khu Sĩ Quan độc thân nằm song song và cách con đường
cái này khoảng hơn trăm thước. Giữa khu Sĩ Quan và con đường cái này là kẽm
gai, cỏ tranh và một hàng Phi Lao cao chót vót. Con đường cái này là con đường
từ ngã ba Bà Rịa đi Long Hải. Từ ngã ba Bà Rịa còn có một ngả đường đi Vũng
Tàu. Phong chực nằm lại trong phòng nhưng tiếng phi lao nghe sao cô quạnh lạ
lùng làm chàng đổi ý. Chàng là một người năng động nên sau ba tháng làm quen và
rèn luyện trong công việc, chàng cảm thấy hơi cuồng cẳng. Chưa tới ba mươi tuổi,
sĩ quan độc thân thực sự, trong một không gian trống vắng như thế này, Phong cảm
thấy rất phí phạm nếu như chàng về phòng mình để ngủ trưa hay đọc sách. Chàng
đi tắm và thay quần áo, lấy xe Vespa chạy sang Vũng Tàu. Từ Trung Tâm đi Vũng
Tàu, đường nhựa rất tốt, rất an ninh và cũng chỉ cách nhau có hai mươi lăm cây
số. Từ ngày đổi ra Trung Tâm,chàng chưa sang Vũng Tàu lần nào vì bận và vì nghĩ
cũng chẳng có ai quen ở bên đó cả.
Hình như mọi sự trong cuộc đời của một
con người, đã có sẵn một sự sắp đặt nào đó và vì nó mà cuộc đời mình lại đi
theo một ngả rẽ khác. Khi Phong đang ngồi ăn ở quán Tầm Dương ở bãi Trước, có
hai quân nhân bước vào: Một người là Đại Úy và một người là Trung Úy đến ngồi tại
một bàn trống ngay bên cạnh bàn Phong. Ông Đại Úy thì chàng chưa quen nhưng ông
Trung Úy thì là bạn từ hồi còn đi học. Cả hai quân nhân này đều thuộc một đơn vị
Tổng Trừ Bị. Ông Trung Úy nhận ra chàng nên bước sang hỏi han và sau đó giới thiệu Phong với ông Đại
Úy. Phong có một ông anh là một vị chỉ huy cao cấp của đơn vị Tổng Trừ Bị này
nên sau khi chuyện qua chuyện lại, chàng được biết ông Đại Úy là sĩ quan chỉ
huy hậu cứ của Tiểu Đoàn đóng tại Vũng Tàu. Phong quen họ là như vậy. Chàng và
họ trở nên thân nhau mau chóng. Ông Đại Úy này vì chức vụ trong đơn vị nên phải
là một người quen biết nhiều. Từ đó thỉnh thoảng Phong lại bò sang Vũng Tàu
chơi. Ông Đại Úy sắp xếp cho chàng một chỗ “vãng lai”trong hậu cứ nên từ đó
chàng hay sang Vũng Tàu hơn trước.
Ông Đại Úy này tên H là một người đứng tuổi
và dĩ nhiên đã có gia đình. Biết Phong ở bên T.T H.L.V.K và còn độc thân, ông
hay rủ chàng sang Vũng Tàu chơi. Trong một lần ngao du Vũng Tàu, Phong gập được
một người con gái khoảng hai mươi tuổi, khá đẹp làm thư ký kế toán, tên là M.
Chàng làm quen và làm thân ngay. M gốc người Nam, rất nhu mì, ngọt ngào khi tiếp
chuyện chàng. Bất cứ khi Phong hỏi gì hay khi chàng đóng góp ý kiến gì, M thường
thêm vào chót câu trả lời một tiếng "Dà" nghe vừa lễ phép, vừa ngọt lịm
như nước dừa Xiêm. Từ đó Phong và M. trở thành bạn thân của nhau. M dáng hơi cao
nhưng không gầy cũng không mập, da trắng, hàm răng trắng, răng nhỏ và đều. Mái
tóc để dài, cột thành một búi trên đỉnh đầu. Cách cột tóc này làm M có vẻ cao
hơn nhưng, theo Phong, làm giảm bớt cái nét duyên dáng của nàng. Nhận xét này
chưa bao giờ chàng dám nói ra.
Phong và M quen nhau trong môt ngày đầu
mùa Thu năm ấy, một mùa Thu mà chiến tranh đang trải rộng và đang ở vào cao độ.
Hôm nay ngồi ôn lại những kỷ niệm cũ của chàng với M, Phong mới thấy cái tình cảm
giữa chàng và M khá là lạ. Phê phán một cách gắt gao, chàng tự thấy mình là một
con người kỳ cục. Trong hơn một năm Phong làm việc ở T.T.H.L.V.K, chỉ có chàng
sang thăm M ở bên Vũng Tàu. Họ như một cặp đôi vô cùng thân ái. Gần như từ ngày
quen nhau, cuối tuần nào họ cũng gập nhau. Hai người đều thích khiêu vũ, thích
nghe nhạc, ăn hàng nên trong suốt hơn một năm trời, họ rất gắn bó với nhau qua
bao kỷ niệm. Họ đi nhảy ở mọi nơi, cao cấp có, xập xệ có mà đôi khi ở cả những
nơi không được phép hành nghề. Có những buổi tối họ ngồi bên nhau, tay trong
tay, nghe anh chàng T.L diễu và nghe ca sĩ hát bên bờ ao! Có lẽ tại không có được
một địa điểm đàng hoàng để tổ chức ca hát cho khán giả, họ đưa sân khấu ra khu
đất bên bờ ao, cho nên giữa khán giả và ca sĩ là một khoảng ao nhỏ. Có những lần
họ đi ăn với nhau, không phải chỉ tại những hàng quán sang trọng mà cũng chẳng
phải chỉ tại những quán ăn tại bãi Trước hay tại bãi Sau mà nhiều khi tại những chỗ không thể gọi đươc là quán vì chỉ
có mấy cái ghế lỏng chỏng, nhỏ xíu. Bếp nấu ăn chỉ là một lò nướng giữa mấy hòn
đá và chỗ ngồi gập ghềnh, chênh vênh bên bờ biển với những tảng đá to, nhỏ
không có một chút thẩm mỹ nào cả. Tuy vậy Phong và M rất là vui, dù món ăn cũng
chỉ là mấy con cá to bằng cái ngón chân cái thôi. Thời ấy cũng có vài lần họ hẹn
nhau cùng về chơi Saigon nhưng Phong thì ở nhà cha mẹ chàng còn M thì ở nhà bà
con. Họ chỉ gập nhau để đi chơi la cà đây đó mà thôi. Mối tình này(nếu có thể gọi
là một mối tình) không kỳ cục sao được khi cả hai người: Phong và M chưa hề nói
câu nhớ nhung hay yêu thương nhau, chưa hề hôn nhau và cũng chưa hề gần gũi thể
xác. Không kỳ cục sao được vì cho đến tận bây giờ chàng cũng chỉ biết nàng tên
M, không hề biết nàng họ gì, chưa hề gập bất cứ ai trong gia đình M. Chàng cũng
chỉ biết nhà nàng ở khu Bến Đình nhưng không biết rõ địa chỉ nhà M một cách
chính xác. Căn nhà M ở, Phong có đi qua một cách vội vàng nên thực tình chàng
không nắm vững. Đa số cư dân khu Bến Đình sống bằng nghề đánh cá. Phải nói gia
cảnh M cũng như thân trạng của M chàng cũng chưa biết rõ. Có thể M biết nhiều về
Phong nhưng ngược lại chàng gần như mù tịt về M.
Thời gian cứ thế trôi qua một cách đều đặn.
Hàng tuần chàng chạy xe sang Vũng Tàu tìm M và hai người lại có dịp la cà đó
đây với nhau. Hai người có một số địa điểm để tìm thấy nhau một cách dễ dàng
nên chàng chưa bao giờ ghé thăm nhà M mà M cũng chưa hề mời chàng ghé nhà. Nếu
như không tìm được M, đôi khi chàng phải nhờ Đại Úy H. nhắn dùm. Những ngày mới
quen nhau, Phong hay nôn nóng đi tìm M cho nên bất kể sáng tinh mơ hay khi trời
đã chạng vạng tối, nếu rảnh là chàng
phóng xe sang Vũng Tàu. Trời đã vào Thu, nên khi chạy xe lúc sáng sớm
hay lúc chạng vạng tối, gió lùa qua áo
làm chàng lạnh run. Dân Saigon, nhất là đàn ông mà mặc áo lạnh thì thấy kỳ kỳ,
cho nên những khi gặp lạnh như vậy, chàng thường luồn vào trong áo một …tờ báo
là ok rồi. Cái quan trọng là người ta đang chờ mình kia kìa.
Khoảng một năm kể từ ngày quen nhau,
trong một buổi chiều mùa Thu, khoảng hơn sáu giờ chiều, phòng an ninh ngoài cổng
Trung Tâm báo cho Phong biết chàng có người nhà tới kiếm. Người nhà tới kiếm
thì không có gì là lạ nhưng kiếm vào giờ này thì thiệt là lạ. Chàng thay quần
áo, rồi vội vã ra phòng an ninh ngoài cổng trại. Người đến thăm chàng không ai
khác, chính là M. Đây là lần đầu tiên M đến kiếm chàng tại Trung Tâm. Nàng đi
cùng với một cô bạn gái. Con đường Bà Rịa đi Vũng Tàu năm đó rất an ninh nhưng
xe đò chuyến chót đi Vũng Tàu chạy lúc sáu giờ, nghĩa là giờ đó không còn xe đò
về Vũng Tàu nữa. Cho dù Phong có liều lĩnh chở M về Vũng Tàu cũng không thể được
vì làm sao chở được hai người. Chỉ còn một cách duy nhất là chàng nói với phòng
an ninh cho hai người con gái này ở lại trong phòng của chàng, trong khu cư xá.
Chàng chưa hề thấy một người đàn bà nào dù là vợ một sỹ quan” độc thân tại chỗ”
ở lại trong phòng sỹ quan độc thân cả. Hai người đàn bà này chỉ là bạn của
Phong thì lại càng nhiêu khê hơn nhiều. Không hiểu sao, phòng an ninh lại chấp
nhận đề nghị của chàng một cách dễ dàng. Tối đó chàng thết hai cô nàng một bữa cơm của Câu Lạc Bộ gồm
một tô canh Thái Bình Dương (anh em chúng tôi diễu loại canh này vì thịt cá chẳng
có đã đành mà rau cỏ cũng hiếm lắm cho
nên nước canh trong như nước biển Thái Bình), một đĩa tép nhi đồng rang
muối và một đĩa rau muống xào. Một bữa cơm hết sức thanh đạm!
Khoảng hơn tám giờ Phong và hai cô bạn đã
về phòng để đi ngủ vì ở Câu Lạc Bộ chẳng có gì để giải trí cả! Cũng may ông bạn
ở cùng phòng đi vắng nên trong phòng có ba chiếc ghế bố, vừa đủ cho tất cả mọi
người. Ghế bố của Phong và ghế bố của M kê song song, cạnh nhau. Ghế bố dành
cho cô bạn của M thì kê ngang và cách xa hai ghế bố của Phong và ghế bố của M
khoảng hơn một thước.
Cỡ gần chín giờ, trời đã tối mịt. Phong
nghe thấy tiếng bước chân đi qua, lại trước cửa phòng. Chàng đoán chừng đây là
tiếng bước chân của mấy nhân viên an ninh đi kiểm soát. Thế rồi mọi sự trở nên
yên tĩnh. Trong phòng, cũng như cả khu sĩ quan không còn một tiếng động nào. Cả
M ở ghế bố ở cạnh Phong và cả cô bạn của M ở phía chân ghế bố của chàng đều rất
im lặng. Có lẽ họ đã ngủ rồi. Lối gần mười giờ tối, Phong suy nghĩ rất lung vì
không biết phải làm sao cho đúng. Chàng nghĩ M đến thăm chàng vào giờ giấc như
vậy có thể là đã có một tính toán nào đó mà không tiện nói ra. Giờ giấc xe đò
mà dân địa phương như M làm sao không rõ? Nếu chàng không có một chút hành động,
một chút âu yếm nào với M thì hoá ra đường hư mà bột cũng hư hết sao! Cuối
cùng, thu hết can đảm, chàng dỡ nhẹ chân màn của chàng và chân màn của M và đưa
tay sang tìm M. Chàng đụng vào lưng M. Chàng đưa tay tìm bờ vai M. M nắm tay
chàng bóp nhẹ rồi đặt tay chàng lên ngực mình. Nay nhớ lại, chàng cũng không rõ
bằng cách nào và như thế nào chàng đã có thể nằm chung ghế bố với M êm thấm và
nhanh như vậy... Bây giờ, mỗi khi nghe bài hát “ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”,
có câu :
…Ta nhớ đêm nao lạnh đôi
tay, hơi ấm trao nhau tuổi thơ ngây. Tưởng như... tưởng như….còn đây..., lòng
chàng lại giậy lên một sự nhung nhớ vô bờ bến. Bao giờ Phong mới lại có dịp được
gập lại M đây nhỉ! Biết rằng cả hai cũng đã có tuổi rồi, gặp nhau thì sao đây?
Ao ước bao giờ cũng chỉ là muốn đạt được cái điều mình chưa có, chưa thực hiện
được! M. nhỉ, giá như ngày ấy Phong và M. nói ra được tất cả những thắc mắc, những
trở ngại của cuộc sống mà họ phải đối mặt, có lẽ cuộc đời đã chẳng như vậy đâu!
Phải chăng cuộc đời này có những cái mà người ta gọi là duyên, là nợ, là số phận
cho nên họ đã đi vào một ngả rẽ cay nghiệt. Có thể nào vì hoàn cảnh của M lúc
đó không thể giải quyết được cho nên…
Cái đau đớn và ray rứt nhất của Phong là
sau buổi ấy, M biến mất, làm như nàng chưa hề hiện diện trên cõi đời này. Chàng
đã làm đủ mọi cách kể cả năn nỉ Đại Úy H cũng không tìm gặp được M. Với M chàng đâu có quản ngại gì đâu!
Tại sao nàng lại làm như thế. Quả thật là chàng không hiểu được M.
Cái mất mát kỳ lạ, cái đau đớn day dứt
sâu xa như thế rồi cũng lại qua đi vì cuộc đời cứ vẫn tiếp tục trôi đi và cũng
vì chúng ta, ai cũng phải sống! Nửa năm sau, Phong hoán đổi với một sĩ quan
cùng khoá. Chàng về Trung Tâm H.L.Q.T, còn Trung Úy Thuận thế chỗ chàng ở Trung
Tâm H.L.V.K. Sau đó chàng lập gia đình vì cũng khá lớn tuổi rồi. Cho đến tận
bây giờ, Phong đã gần tám mươi tuổi nhưng lời giải đoán cho sự biến mất của M.
chàng chịu không có câu trả lời và dĩ nhiên chàng làm sao quên được M. Cũng
không rõ số phận là do con người hay ông trời định đoạt.
Người viết xin tặng Phong và M. mấy câu
thơ cho một mối tình, tạm gọi là dang dở.
Mây xanh, xanh cả chân trời
Trên đầu, mây trắng nằm phơi nắng vàng
Giá như trời giúp cho chàng
Thì sau hôm ấy, cô nàng đừng đi
Phải chi với chẳng phải chi
Chuyện bao năm cũ phải chi đừng làm
Nợ duyên, duyên nợ chẳng ham?
Thôi thì đã lỡ, M làm dở dang……
B.T.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét