Lâm
Vĩnh Thế
Tôi là một người
học Sử, ham thích tìm tòi học hỏi về những gì có liên quan đến lịch sử nước
nhà, đến chuyện xưa tích cũ, đến đền đài miếu mạo. Cả đời tôi mong muốn được đi nhiều nơi, viếng
nhiều di tích lịch sử, và tôi đã may mắn được đi thăm kinh đô cũ của nhà
Nguyễn. Bài viết nầy xin kể hầu chuyện
các bạn chuyến "thượng kinh" đi thăm Kinh đô Huế vào đầu năm 1975 của
tôi. Hai chữ “Thượng Kinh" nầy là
chữ tôi mượn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng để đặt tựa cho quyển
"Thượng Kinh Ký Sự" của ông, viết vào năm Cảnh Hưng thứ 44,
triều vua Lê Hiển Tông, tức năm Quý Mão, 1734, kể lại cuộc du hành của ông từ
Hà Tĩnh về Thăng Long khi ông được Chúa Trịnh Sâm triệu về kinh để chữa bệnh
cho Thế Tử Trịnh Cán. Trong khi viết bài
nầy tôi đã tham khảo rất nhiều hai tài liệu sau đây:
1) Cố Đô Huế:
Lịch-sử, Cổ-tích, Thắng-cảnh / Thái Văn Kiểm biên soạn. Saigon: Nha Văn Hóa, Bộ Quốc Gia Giáo Duc,
1960.
2) Nguyễn Phúc
Tộc Thế Phả: Thủy Tổ Phả, Vương Phả, Đế Phả / Vĩnh Cao ... kính soạn. Huế:
Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1995.
Ngoài ra các bạn
thân, người ở Canada, kẻ ở Hoa Kỳ, cũng đã cung cấp rất nhiều tài liệu về Huế,
Đà Nẵng, và Ngũ Hành Sơn. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn và các soạn
giả nêu trên.
Mục
Đích của Chuyến Đi
Đầu tháng Giêng
dương lịch năm 1975, tôi được đề cử tham gia phái đoàn của Hội Đồng Văn Hóa
Giáo Dục (HĐVHGD) đi ra Huế để khảo sát tình trạng các lăng tẩm hầu báo cáo cho
UNESCO để xin tài trợ cho việc trùng tu các lăng tẩm đó. Lúc đó tôi là Hội Viên và là Chủ Tịch Ủy Ban
Văn Hoá Giáo Dục Đại Chúng của HĐVHGD.
Trưởng phái đoàn là anh Phan Văn Hữu, Giám Đốc Thư Viện Quốc Gia, Hội
Viên và là Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Tồn Di Tích Lịch Sử của HĐVHGD, mà chính tôi
cũng là một thành viên. Người thứ ba
trong phái đoàn là anh Nguyễn Văn Gổ, Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Chi Lăng 2
(Gia Định), cũng là một Hội Viên của HĐVHGD và là Thư Ký của Ủy Ban Bảo Tồn Di
Tích Lịch Sử. Ngưòi thứ tư là một nhân
viên thuộc văn phòng Tổng Quản Trị của HĐVHGD, đi theo phái đoàn để lo các việc
giấy tờ, nơi ăn ở cũng như việc di chuyển của phái đoàn.
Ra
Đà Nẵng
Chúng tôi rời
Saigon từ phi trường Tân Sơn Nhứt bằng phi cơ phản lực của Hàng Không Việt Nam. Sau khoảng hai giờ bay, phi cơ đáp xuống phi
trường Đà Nẵng, vì vào lúc đó phi trường Phú Bài đã không còn sử dụng được
nữa. Đại diện của Tòa Thị Trưởng Đà Nẳng
đã túc trực tại phi trường để đón tiếp Phái đoàn. Chúng tôi lên một chiếc xe hơi Mercedes nhỏ,
kiểu 180, màu đen và được đưa thẳng về Tòa Thị Trưởng. Thị Trưởng Đà Nẳng lúc đó là một vị Đại Tá
Lục Quân, đã tiếp chúng tôi tại Phòng Khánh Tiết của Tòa Thị Trưởng. Buổi tiếp kiến chỉ diễn ra độ nửa giờ, lịch
sự, đúng lễ nghi, nhưng hơi khô khan.
Sau đó chúng tôi được đưa về nghỉ ở một khách sạn lớn của thành phố. Tối
hôm đó Phái đoàn được Giáo sư Phước (tôi không còn nhớ rõ họ của ông là gì
)Trưởng Khu Giáo Dục Vùng I mời dùng cơm tại tư gia của ông. Vào thời gian đó, Bộ Giáo Dục, áp dụng Cải Tổ
Hành Chánh, đã đặt ra chức vụ mới nầy để đứng đầu ngành giáo dục ở bốn vùng
chiến thuật của VNCH. Anh em giáo chức
chúng tôi thường gọi đùa mấy vị đảm nhận chức vụ nầy là "Tư Lệnh"
Giáo Dục của bọn tôi. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ tên hai vị "Tư Lệnh"
nầy mà thôi: ông Phước ở Vùng I, và một người bạn của tôi, ông Đào Khánh Thọ, ở
Vùng 4. Bữa cơm tối hôm đó, ông bà Phước đã đãi chúng tôi nhiều món ăn Huế rất
ngon, trong đó có hai món mà tôi còn nhớ, đó là món bánh lá chả tôm, và món
thịt bò kho mặn ăn với những lát cam tươi.
Sau bữa cơm, bên những tách trà ướp sen tỏa khói thơm dịu, câu chuyện
giữa gia chủ và anh em trong Phái đoàn dã diễn ra một cách thân mật, xoay quanh
các đề tài lịch sử và văn chương đầy thích thú.
Thật là khác hẳn không khí buổi chiều trước đó tại Phòng Khánh Tiết của
Tòa Thị Trưởng Đà Nẵng. Tôi vẫn đinh
ninh sẽ có dịp đáp lại tấm thạnh tình nầy của ông bà Phước nhưng cho đến ngày
hôm nay vẩn chưa được cái cơ hội đó.
Viếng
Ngũ Hành Sơn
Sáng hôm sau
chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Ngũ Hành Sơn, một thắng cảnh của vùng Đà
Nẵng. Ngũ Hành Sơn, mà dân địa phương
thường gọi là Núi Non Nước, là một quần sơn đá vôi, nằm cách Đà Nẵng độ 8 km về
hướng Đông Nam, mà từ trên đỉnh nhìn về phía Bắc có thể thấy được bãi Tiên Sa
nổi tiếng (bãi nầy là một dải đất hẹp nối liền Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà),
gồm nhiều bãi biển rất đẹp, một trong những bãi biển nầy đã được lính Mỹ đặt
tên là China Beach. Từ Đà Nẵng vượt qua cầu Trịnh Minh Thế (mà dân địa phương
vẫn quen gọi theo tên của thời Pháp thuộc là cầu De Lattre, đặt tên theo Đại
Tướng - sau khi chết được truy thăng Thống Chế, Maréchal de France, tức tướng 7
sao, cấp bậc cao cấp nhất của quân đội Pháp, hiện đã hủy bỏ - Jean de Lattre de
Tassigny, có thời gian đã nắm trọn quyền chính trị và quân sự tại Đông Dương)
độ 10 phút là đã vào khu vực Ngũ Hành Sơn.
Gần sát chân núi có nhiều cửa hàng bày bán các sản phẩm làm bằng đá cẩm
thạch đen, trắng như vòng đeo tay, gạt tàn thuốc, hình các con thú...Ngũ Hành
Sơn gồm năm ngọn núi nhỏ đặt tên theo ngũ hành: Kim Sơn (Núi Dùng), Mộc Sơn,
Thủy Sơn (Núi Chùa), Hỏa Sơn (Núi Ông Chài) và Thổ Sơn. Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, một phần Ngũ Hành Sơn
đã bị bắn lấy đá để xây phi trường Đà Nẵng.
Gần như ngọn núi nào cũng có hang động và chùa chiền nên lúc nào cũng có
du khách hoặc khách hành hương đến viếng.
Về chùa thì nổi tiếng nhứt là Chùa Tam Thai trên Thủy Sơn (vì thế Thủy
Sơn được gọi là Núi Chùa). Về động thì
nổi tiếng nhứt là động Huyền Không cũng trên Thủy Sơn. Khi vào viếng động Huyền Không tôi chợt nhớ
tới Thạch Động ở Hà Tiên vì hai động nầy khá giống nhau về kiến trúc địa chất,
với thạch nhũ, và các tượng Phật Bà bày trí bên trong. Rất tiếc thời gian của chúng tôi quá eo hẹp
nên không viếng được hết cả năm ngọn núi nổi tiếng nầy.
Viếng
Bảo Tàng Viện Chàm
Rời Ngũ Hành Sơn,
chúng tôi trở về Đà Nẵng và được đưa đi viếng Bảo Tàng Viện Chàm. Viện nầy nằm ở phía Nam Đà Nẵng, dọc theo bờ
sông Hàn. Viện được Trường Viễn Đông Bác
Cổ thành lập vào năm 1915, trưng bày trên 300 cổ vật thuộc văn hóa Chiêm Thành
trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15, đã đào được từ Quảng Bình vào đến
Bình Định. Cuộc viếng thăm diễn ra quá ngắn ngủi nên tôi không còn nhớ được gì
nhiều. Nghe nói Viện đã bị phá hoại và
nhiều cổ vật đã bị đánh cắp trong những ngày hỗn loạn cuối Tháng Ba 1975. Thật là đáng tiếc.
Ra
Huế: Đèo Hải Vân và Lăng Cô
Sau khi dùng cơm
trưa ở một quán ăn nhỏ, Phái đoàn chúng tôi lên đường (vẫn chiếc Mercedes nhỏ
màu đen đó), vượt đèo Hải Vân để ra Huế.
Quốc Lộ 1 đang vượt qua một trong những phần đất hẹp nhứt của lãnh thổ
Việt Nam (nơi hẹp nhứt là Đồng Hới, Quảng Bình, chỉ có 32 km thôi) nhưng cũng
là một trong những nơi đẹp nhứt. Rời
khỏi Đà Nẵng chẳng bao lâu thì xe đã bắt đầu lên dốc, Quốc Lộ 1 uốn khúc quanh
co, một bên là Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, một bên là Đông Hải xanh mướt
một màu. Đến chân đèo xe phải dừng lại,
nối đuôi vào một đoàn xe dài đang đậu lại phía bên nầy đèo, chờ cho đoàn xe
phía bên kia đèo qua. (Cảnh tượng nầy làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đi dạy
học ở Bến Tre, lúc đó gọi là Kiến Hòa, mỗi khi xe đò đến cầu Bến Lức hay Tân An
thì cũng thường gặp cảnh nầy). Khi đoàn
xe phía bên kia đã qua xong thì đoàn xe phía bên nầy được lệnh lăn bánh, bắt
đầu vượt đèo. Đèo Hải Vân khá cao mà
khoảng đường lại tương đối ngắn nên độ dốc khá lớn. Các xe hàng chở nặng bò lên dốc đèo một cách
chậm chạp, nhìn từ dưới lên mới thấy rõ cái khó khăn nầy. Càng lên cao không khí càng mát lạnh, nhìn
ngược trở xuống chân đèo, đoàn xe sau lưng mình cũng đang từ từ bò lên, ngó
sang phía tay phải là biển cả xanh thẫm mênh mông vô tận, nhìn sang bên trái
thì dốc đá sừng sững, lúc đó chợt cảm nhận ra sự nhỏ bé của con người trước
thiên nhiên. Nghe nói có những ngày lên
đến đỉnh đèo nhìn xuống thì thấy mây ở phía dưới, chắc vì vậy đèo mới mang tên
là Hải Vân. Ngay tại đỉnh đèo có một cơ
sở quân sự, nơi đồn trú của một đơn vị thuộc Sư Đoàn I Bộ Binh, một trong những
nhiệm vụ của đơn vị nầy là điều hành việc giao thông qua đèo. Tại đây có một
bãi đất trống khá rộng, tài xế lái xe chúng tôi vào đậu tại đó để anh em trong
Phái đoàn có dịp xuống xe ngắm cảnh và chụp hình kỷ niệm. Nghỉ lại ở đỉnh đèo Hải Vân độ 10 phút thì
chúng tôi lại lên đường, lần nầy thì là "hạ sơn", xe Mercedes xuống
đèo ào ào rất ngon lành. Đến gần cuối
đèo, từ trên Quốc Lộ 1 nhìn xuống, hiện ra bãi Lăng Cô đẹp một cách lạ lùng. Tôi đã từng được viếng nhiều bãi biển đẹp của
đất nước như Nha Trang, Đại Lãnh, Cà Ná ở Miền Trung, Vũng Tàu, Long Hải, Nước
Ngọt, Bãi Nai (Hà Tiên) ở Miền Nam, nhưng tôi cho rằng Lăng Cô đẹp hơn tất
cả. Một cái đẹp vừa đơn sơ, mộc mạc, lại
vừa quyến rũ, kỳ bí, giống như ta đang đứng nhìn vào một bức tranh thủy
mạc. Bên ngoài là biển xanh rợn một màu
xanh thẫm, vào bên trong một tí là doi cát trắng phau chạy dài tít xa, trên đó
các thuyền đánh cá nằm phơi mình kế tiếp nhau, mũi thuyền hướng ra biển như sẵn
sàng lao mình ra khơi, rồi đến một phá nước màu xanh mướt, nhạt hơn mầu xanh
thẫm của phần biển bên ngoài, sau cùng
là bờ biển cát trắng với rừng dừa bạt ngàn bên trong. Sau khi xuống hết đèo, chúng tôi cho xe ngừng
lại, ngay trong khu vực rừng dừa, vào một quán nhỏ, kêu nước dừa tươi uống giải
khát. Nước dừa rất ngọt, cơm dừa mỏng,
trắng ngần, rất béo. Trong khi đang
thưởng thức ly nước dừa ngon ngọt đó thì một người đàn bà bưng vào một cái
thúng và mời chúng tôi mua cá. Tôi nhìn
vào thúng và thấy một cặp cá đối thật to, dài khoảng 4 hay 5 tấc, thân mình chỗ
lớn nhứt độ bằng bắp chân. Tôi chưa từng
thấy cá đối to như vậy. Rất tiếc bọn tôi
đi công tác đâu có nấu nướng được nên đành phải từ chối không mua.
Rời Lăng Cô non
một giờ đồng hồ thì xe chúng tôi tiến vào thành phố Huế. Xe đưa thẳng Phái đoàn về nghĩ tại cơ sở
trước kia trong thời Đệ Nhứt Cộng Hòa là Toà Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên
Trung Phần, nằm bên bờ sông Hương. Sau
khi sắp xếp đồ đạc xong xuôi, anh em chúng tôi đi ăm cơm tối ở nhà hàng tại
Khách Sạn Hương Giang. Tối hôm đó có Thị
Trưởng Huế, kiêm Tiểu Khu Trưởng Thừa Thiên là Đại Tá Nguyễn Xuân Duệ (nếu tôi
nhớ không lầm) đến thăm xã giao Phái đoàn.
Vài
Nét Lịch Sử Về Huế
Kinh thành Huế,
trong thời các chúa Nguyễn gọi là Phú Xuân, nằm vào khoảng giữa tỉnh Thừa
Thiên. Vào đầu thế kỷ thứ 14, năm 1307,
dưới triều vua Trần Anh Tông, lãnh thổ tỉnh nầy một phần thuộc châu Thuận và
một phần thuộc châu Hóa. Hai châu nầy
chính là châu Ô và châu Lý do vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng làm sính lễ khi
được vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân vào năm 1306. Vua Trần Anh Tông đổi tên châu Ô làm châu
Thuận, và châu Lý làm châu Hóa. Tỉnh
Thừa Thiên bao gồm lãnh thổ của các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà
thuộc châu Thuận, và các huyện Phú Vang, Phú Lộc thuộc châu Hoá. Sang đầu đời Lê, gộp cả hai châu nầy lại và
gọi là lộ Thuận Hóa. Năm 1490 đổi gọi là
xứ Thuận Hóa, và sang đầu thế kỷ 16, niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), lại đổi
gọi là trấn Thuận Hóa. "Chữ Huế tức
là chữ Hóa đọc trạnh ra" (theo sách Cố Đô Huế của tác giả Thái Văn
Kiểm, do Nha Văn Hóa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản tại Saigon, 1960, trang
13).
Giữa thế kỷ thứ
16, năm 1558, Nguyễn Hoàng (sử nhà Nguyễn thường gọi là chúa Tiên) được cử vào
trấn thủ đất Thuận Hóa, mở đầu việc phát triển và bành trướng thế lực của họ
Nguyễn ở Đàng Trong. Tuy nhiên phải đợi đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái (có sách
gọi là Nguyễn Phúc Trăn), tức chúa Nghĩa (có sách gọi là chúa Ngãi), mới thật
sự đóng dinh tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (thuộc phía Đông Nam Kinh thành
Huế hiện nay). Kể từ năm nầy trở đi Phú
Xuân trở thành định đô của các chúa Nguyễn.
Sang thế kỷ thứ 18, thế lực đã đủ mạnh, chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết
định lên ngôi Vương vào năm 1744 tức Vũ Vương (các đời chúa trước chỉ mang tước
Công mà thôi). Chúa chia nước làm 12 dinh, dinh tại Phú Xuân gọi là Chính Dinh,
sau đổi lại gọi là Đô Thành.
Đến năm 1774, vào
đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (tức Định Vương), quân Trịnh, do tướng Hoàng Ngũ
Phúc chỉ huy, chiếm được Phú Xuân. Sau
đó quân Tây Sơn đuổi được quân Trịnh và chiếm Phú Xuân trong khoảng hơn 20
năm. Mãi đến năm 1801 Nguyễn Phúc Ánh
mới chiếm lại được Phú Xuân. Qua năm
sau, 1802, ngài lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, mở đầu cho triều đại
nhà Nguyễn, và dặt kinh đô tại đây.
Kinh thành Huế
khởi xây từ năm 1805 đến năm 1824 mới hoàn thành. Thành xây theo kiểu Vauban, gần như vuông
vức, mỗi cạnh dài khoảng 2,5 km. Tường
thành cao 6m, dày 20m, xây toàn bằng gạch.
Chung quanh thành có hào rộng hơn 22m và sâu khoảng 4m. Ở góc Đông Bắc, phía ngoài thành có xây thêm
một thành phụ nhỏ, tên là Thái Bình Đài, đời Minh Mạng, năm 1836, đổi tên, gọi
là Trấn Bình Đài, dân chúng thường gọi là đồn Mang Cá. Trên mặt thành, ở cả bốn phía, đều có xây
pháo dài, mỗi phía 6, tổng cộng là 24 pháo đài.
Kinh thành Huế có
tất cả 10 cửa chính:
1) Cửa Chính Bắc,
tục gọi là cửa Hău
2) Cửa Tây Bắc,
tục gọi là cửa An Hòa
3) Cửa Chính Tây
4) Cửa Tây Nam,
tục gọi là cửa Hữu
5) Cửa Chính Nam,
tục gọi là cửa Nhà Đồ
6) Cửa Quảng Đức
7) Cửa Thể Nhơn,
tục gọi là cửa Ngăn
8) Cửa Đông Nam,
tục gọi là cửa Thượng Tứ
9) Cửa Chính
Đông, tục gọi là cửa Đông Ba
10) Cửa Đông Bắc,
tục gọi là cửa Kẻ Trài
Tất cả 10 cửa
chính nầy đều có 3 tầng, cao khoảng 16m, và đều có vọng lâu. Ngoài 10 cửa chính nấy, còn có một cửa phụ
thông với Trấn Bình Đài, gọi là Trấn Bình Môn.
Ngoài ra, phía Nam Trấn Bình Đài cũng có một cửa thông ra bên ngoài
thành gọi là cửa Trường Định, tục gọi là cửa Trít.
Ở phía trong Kinh
thành, vào khoảng giữa phía Nam là Hoàng thành.
Hoàng thành cũng tương đối vuông vức, mỗi cạnh dài trên 600m. Mỗi mặt
của Hoàng thành đều có một cửa: phía trước là Ngọ Môn, bên trái là cửa Hiển
Nhân, bên phải là cửa Chương Đức, và phía sau là cửa Hòa Bình. Ngày xưa, Ngọ Môn chỉ mở khi nào có Vua ngự
ra. Bên trong Hoàng thành tập trung các cung, điện và miếu. Cung là nơi hoàng gia sinh sống và tiêu
khiển, như Cung Trường Thọ là nơi ở của Hoàng Thái Hậu, Cung Trường Ninh (đời
Khải Định đổi lại gọi là Cung Trường Sanh) là nơi hoàng gia dạo chơi tiêu
khiển. Điện Thái Hòa là nơi vua thiết
đại triều vào các ngày sóc vọng. Miếu là
nơi thờ tự. Thái Miếu thờ các chúa
Nguyễn, và các công thần thời các chúa.
Triệu Miếu thờ tổ của nhà Nguyễn là Nguyễn Kim. Thế Miếu thờ các vua nhà Nguyễn, từ Gia Long
cho đến Khải Định. Hưng Miếu là nơi thờ
song thân của Vua Gia Long. Phía sau
Điện Thái Hòa có một sân rộng lót đá, cuối sân có một lần thành nữa, đó là Tử
Cấm Thành, nơi vua ở. Chu vi Tử Cấm
Thành khoảng 1,2km, mỗi cạnh dài trên dưới 300m, tường thành cao 3,7m và dày
khoảng 0,7m. Bên trong Tử Cấm Thành có
nhiều cung điện, vườn hoa, lầu tạ, và có Điện Cần Chánh, nơi vua thiết thường
triều, sau Điện Cần Chánh là Điện Càn Thành chính là cung vua ở.
Đi
Thăm Hoàng Thành
Sáng hôm sau Phái
đoàn được đưa vào Viện Bảo Tàng nằm bên trong Thành Nội để gặp ông Giám Đốc
Viện. Ông Giám Đốc là một người thuộc
Hoàng tộc, khoảng trên 50 tuổi, người tầm thước nhưng rất nhanh nhẹn, và hiểu
biết rất nhiều về Huế. Rất tiếc tôi
không còn nhớ tên ông, chỉ còn nhớ ông có cho biết ông là cháu nội vua Thiệu
Trị, và tên của ông mang chữ Ưng.
Xin mở dấu ngoặc
ở đây để nói về bài thơ Đế hệ của vua Minh Mạng. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, việc nội trị và
ngoại giao đều tương đối đã ổn định, nên vua chú trọng nhiều đến việc trong
dòng họ. Ngay sau khi lên ngôi, năm
1820, ngài cho lập Tôn Nhân Phủ để trông
coi các việc trong Hoàng tộc. Qua năm sau,1821, ngài cho khởi đầu việc biên
soạn Ngọc Điệp chép tiểu sử các vua, và sau đó lại cho soạn các Hoàng Tử Phả,
Hoàng Nữ Phả, và Tông Phả. Năm 1824, khi
Ngọc Điệp làm xong thì ngài đặt lệ 6 năm tu sửa Ngọc Điệp một lần, 3 năm tu sửa
Tôn thất phổ (sách chép về các người thuộc các phiên hệ của nhà vua) một lần.
Ngài lại ban ngự chế đế hệ kim sách định 20 chữ thuộc bộ Nhật để chọn làm tên
cho các vua đời sau, và cũng ban Đế hệ thi và Phiên hệ thi dùng để đặt tên mà
định thân sơ các nhánh trong họ. Sau đây
là bài Đế hệ thi, dùng để đặt tên cho con cháu của chính vua Minh Mạng (Phiên
hệ thi dùng để đặt tên con cháu của các anh em của vua Minh Mạng):
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương
Thế Thụy Quốc Gia Xương
Họ nhà Nguyễn là
Nguyễn Phúc, tên sẽ là tên kép, chữ đầu của tên kép nầy lấy ra từ bài Đế hệ thi
kể trên. Do đó các con của vua Minh Mạng
đều có tên là Nguyễn Phúc Miên ..., thí dụ như Hoàng tử trưởng sau lên ngôi là
vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông, Hoàng tử thứ 10 là Nguyễn Phúc
Miên Thẩm, tức Tùng Thiện Vương, Hoàng tử thứ 11 là Nguyễn Phúc Miên Trinh, tức
Tuy Lý Vương. Xin đóng dấu ngoặc lại ở
đây. (Để biết thêm chi tiết về cách đặt
tên nầy, xin đọc bài Cách Đặt Tên Con Cháu Của Dòng Họ Nguyễn
Phúc của Lâm Vĩnh Thế, tạp
chí Thế Kỷ 21, số 195 (Tháng 7/2005), tr.
68-75)
Nơi đầu tiên
chúng tôi đi viếng là Hoàng thành. Trước
Ngọ Môn, gần đường cái, hai bên vẫn còn hai bia "Khuynh cái" (Nghiêng
nón) và "Hạ Mã" (Xuống ngựa), nhưng Ngọ Môn, trên có Lầu Ngũ Phụng,
nơi ngày xưa vua ngồi duyệt lãm trong những dịp khánh tiết, đã bị thiệt hại
nặng nề trong vụ Tết Mậu Thân, vẫn chưa được sửa lại. Vào bên trong Ngọ Môn là một hồ sen lớn gọi
là hồ Thái Dịch có cầu đá dài bắc ngang gọi là cầu Trung Đạo. Bên kia đầu cầu là một sân đá rất rộng, nơi
xưa thiết đại triều nghi. Sân có hai
bậc, bậc trên dành cho các quan từ tam phẩm trở lên tới nhứt phẩm, bậc dưới
dành cho các quan từ tứ phẩm trở xuống cho tới cửu phẩm. Các quan văn võ, tùy theo phẩm trật, xếp hàng
tại sân nầy, văn bên tả, võ bên hữu. Tiếp
với sân chầu là Điện Thái Hòa, nền cao 2,32m, chính tịch 5 gian 2 chái, tiền
tịch 7 gian 2 chái, cột sơn son, vẽ rồng vàng.
Phía trong điện là ngự tọa, ngai để trên 3 tầng bệ. Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng cho chúng tôi biết
ngày xưa trong điện có trần thiết rất nhiều kim chi ngọc diệp nhưng lúc chúng
tôi viếng thì bên trong điện hoàn toàn trống trơn, chỉ còn cái ngai. Bước ra trước điện, nhìn xuống sân chầu rộng
mênh mông, nhưng vắng ngắt, lòng tôi không khỏi bùi ngùi vì cảnh phế hưng, chợt
nhớ đến hai câu thơ chữ Hán của cụ Chu Mạnh Trinh:
Tịch-mịch tiên-triều
cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm
mà ông Nguyễn Tường Phượng
đã dịch như sau:
Cung miếu triều xưa đâu
vắng ngắt
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu.
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu.
Các bạn nào có
xem phim "The Last Emperor" (cảnh lễ đăng quang của Phổ Nghi
lúc mới 3 tuổi, với sân chầu đầy các quan văn võ mặc đủ các sắc áo, quỳ lạy,
tung hô Vạn Tuế, Vạn Vạn Tuế) thì có thể
hình dung ra được cảnh sân chầu nầy, chỉ có điều là sân chầu trước Điện Thái
Hòa của Huế nhỏ hơn sân chầu trong Hoàng thành Bắc Kinh trong phim rất nhiều.
Sau đó chúng tôi
đến thăm Thế Miếu, nằm ở phía hữu của Điện Thái Hòa. Như đã nói ở trên, Thế Miếu là nơi thờ các vị
vua nhà Nguyễn, từ vua Gia Long cho đến vua Khải Định. Điều đặc biệt về Thế Miếu là 9 cái đỉnh đồng
bày tại trước sân của Thế Miếu. Mỗi đỉnh
tượng trưng cho một đời vua, và cũng dùng miếu hiệu các vua để đặt tên cho các
đỉnh. Do đó cửu đỉnh có tên như sau:
- Cao đỉnh: Thế Tổ Cao
Hoàng Đế, tức vua Gia Long
- Nhơn đỉnh: Thánh Tổ
Nhơn Hoàng Đế, tức vua Minh Mạng
- Chương đỉnh: Hiến Tổ
Chương Hoàng Đế, tức vua Thiệu Trị
- Anh đỉnh: Dực Tông Anh
Hoàng Đế, tức vua Tự Đức
- Nghị đỉnh: Giản Tông
Nghị Hoàng Đế, tức vua Kiến Phúc
- Thuần đỉnh: Cảnh Tông
Thuần Hoàng Đế, tức vua Đồng Khánh
- Tuyên đỉnh: Hoằng Tông
Tuyên Hoàng Đế, tức vua Khải Định
- Dũ đỉnh
- Huyền đỉnh
Cũng như bài Đế
hệ thi dự định đặt tên cho 20 đời vua, cửu đỉnh cũng được làm ra, với hình
dáng, trọng lượng, và tên đặt, đều muốn biểu hiệu cho sự lâu dài bền vững của
triều đại. Nhưng lịch sử đã chứng minh
là khát vọng đó không bao giờ thành tựu được.
Bài Đế hệ thi chỉ đến được chữ Bảo. Hoàng tử trưởng của vua Bảo Đại
(Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) là Nguyễn Phúc Bảo Long. Đối với cửu đỉnh thì hai đỉnh chót, Dũ đỉnh
và Huyền đỉnh, đành chịu cảnh không biết tượng trưng cho vua nào.
Trừ Điện Thái Hòa
và Thế Miếu ra, phần lớn cung điện, lâu đài, đình tạ trong Hoàng thành đều đã
bị tiêu hủy trong thời kháng chiến chống Pháp, nay chỉ còn trơ lại các nền
nhà. Chúng tôi có đến thăm Hồ Tịnh Tâm,
quang cảnh thật tiêu điều, đâu còn hồ sen, chỉ thấy rau muống, nhà thủy tạ thì
một phần mái đã mất, mặt ván thì bể lủng nhiều nơi. Ngoài ra lại còn cảnh nhà cửa của dân chúng
cất bừa lên trong Thành Nội, nhà gạch cũng có, nhà ván cũng có, nhiều khi ngay
bên cạnh những di tích đã đổ nát của các công trình kiến trúc từ mấy trăm năm
trước.
Đi
Thăm Các Lăng Tẩm
Lăng tẩm là nơi
chôn cất các vị vua. Huế có tất cả 8
lăng: Lăng Gia Long (Thiên Thụ Lăng), Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng), Lăng Thiệu
Trị (Xương Lăng), Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng), Lăng Dục Đức (An Lăng), Lăng Kiến Phúc
(Bồi Lăng), Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng), và Lăng Khải Định (Ứng Lăng). Tất cả đều xây cất ở phía Tây Huế, hai bên bờ
sông Hương. Phái đoàn chúng tôi chỉ
viếng thăm được 4 lăng lớn là Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức và
Lăng Khải Định. Lăng Gia Long ở xa quá,
vấn đề an ninh không bảo đảm, nên đành phải bỏ qua.
Tuy diện tích mỗi
lăng rộng hẹp khác nhau, nhưng cách sắp đặt đều tương tự. Chung quanh hoặc trước mặt bao giờ cũng có hồ
sen, bờ hồ trồng cây cảnh. Trước ngõ vào
lăng là hai trụ biểu xây bằng gạch rất cao, đánh dấu địa điểm của lăng, để cho
dân chúng từ đằng xa đã biết mà tránh đi.
Kế tiếp là một sân rộng lát gạch có dựng các tượng đá hình voi, ngựa, và
các quan văn võ, quân lính. Sân nầy gọi
là Bái đình, tượng trưng cho sân chầu.
Cuối Bái đình là một toà nhà trong có dựng bia đá ghi lại tiểu sử cùng
công đức của nhà vua, gọi là Bi đình.
Tiếp đến là một điện thờ thần khám và thần vị của vua, cùng các đồ dùng
thường ngày của vua, gọi là Tẩm điện.
Sau Tẩm điện, ở hai bên là các nhà cho các bà và quân lính hầu hạ ở, gọi
là Tả Hữu Tùng viện. Sau hết là một chỗ,
có khi đắp thành một giả sơn nhỏ, giữ rất bí mật, có tường bao quanh và có cửa
bằng đồng khoá kỹ, là nơi an táng thi hài của vua, gọi là Bảo thành.
Ngày
Thứ Nhứt: Thăm Hiếu Lăng và Xương Lăng
Trong 4 lăng mà
Phái đoàn đến viếng thăm thì lăng Minh Mạng là xa nhất và lớn nhất. Khi đến gần địa điểm của lăng, phái đoàn phải
bỏ xe lại bên bờ sông Hương, và dùng đò qua sông. Sông Hương ở đoạn nầy nước trong xanh, nhìn
thấy đáy toàn cát trắng, thật là đẹp.
Qua sông rồi phải đi bộ một khoảng khá xa mới vào tới khu vực của Hiếu
Lăng. Có thể nói Hiếu Lăng là bề thế
nhất trong các lăng, chung quanh xây thành kín cả, bên trong cây cối um tùm,
lâu đài đình tạ xây rải rác khắp nôi. Bái
đình có hai hàng tượng đá: 2 voi, 2 ngựa, và 10 tượng quan. Trong Bái đình có bia Thánh Đức Thần Công bằng
cẩm thạch do vua Thiệu Trị dựng năm 1842, kể công đức của vua Minh Mạng. Bảo thành rất lớn, chu vi 248m, cửa xây bằng
cẩm thạch, cánh cửa bằng đồng, trước cửa có bệ cao 36 cấp. Toàn bộ Hiếu Lăng toát lên vẻ nghiêm chĩnh,
uy vũ của vua Minh Mạng.
Rời Hiếu Lăng,
chúng tôi lại qua đò, lên xe qua viếng thăm Lăng Thiệu Trị. Lăng nầy nằm bên hữu ngạn sông Hương, xây
trên núi Thuận Đạo, trong hai năm 1847 và 1848, và được vua Tự Đức dâng tên
lăng gọi là Xương Lăng. Qua khỏi hai trụ
biểu, ta tiến vào hồ Ngưng Thúy, có 3 cầu đá bắc qua, qua khỏi cầu là Bi đình
trong có bia do vua Tự Đức dựng năm 1848 để ghi công đức của vua cha. Ngoài bi đình là Bái đình gồm 2 tượng voi, 2
tượng ngựa, và 6 tượng quan. Ngang với
Bi đình về phía bên trái có điện Biểu Đức, chính là Tẩm điện. Đằng sau điện Biểu Đức có Tả Tùng viện và Hữu
Tùng viện. Trong cùng lăng là Bảo thành
nằm bên trong một cái núi giả. Một sự
tình cờ là ngay hôm chúng tôi viếng lăng lại đúng vào một ngày giỗ, nên Phái
đoàn lại được dịp chứng kiến cảnh Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng đích thân đứng chủ
tế. Buổi tế tương đối đơn giản với một
cái bàn nhỏ trên có đặt các thức ăn, hoa quả, nhang đèn, được đặt ngay trước
cổng vào Bảo thành. Ông Giám Đốc làm lễ
xong, rồi giao lại cho các bà coi sóc lăng cúng tiếp. Tôi không còn nhớ giỗ đó là giỗ ai, nhưng
chắc không phải là giỗ của vua Thiệu Trị được, vì như đã nói ở đầu bài, chúng
tôi ra Huế là đầu tháng giêng dương lịch, mà theo quyển Nguyễn Phúc Tộc Thế
Phả, vua Thiệu Trị băng hà ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (nhằm ngày 4 tháng 11
năm 1847 dương lịch). Toàn bộ Xương Lăng
cũng giúp cho người viếng cảm nhận ra cái phong thái điềm đạm, hiền hòa của vua
Thiệu Trị.
Ngày
Thứ Nhì: Thăm Khiêm Lăng và Ứng Lăng
Lăng vua Tự Đức
xây bên hữu ngạn sông Hương, cách Huế chừng 5km, thuộc địa phận huyện Hương
Trà. Lăng nầy có nhiều điều khác với hai
lăng Minh Mạng và Thiệu Trị. Lăng khởi
xây năm 1864 và xong năm 1867 khi vua Tự Đức vẫn còn trị vì. Ngài thường ngự gíá lên thăm lăng và ở nghỉ
lại đây nên lăng vừa là lăng, vừa là cung.
Ngoài các phần mà lăng nào cũng có như trụ biểu, bái đình, bi đình, tẩm
điện, và bảo thành, lăng Tự Đức còn có cả một sân bắn, một rạp hát, nhà thủy
tạ. Tôi còn nhớ khi vào viếng rạp hát
đó, tôi nhìn lên thấy trần nhà có khảm các vật sáng lấp loáng, trông như là ta
nhìn lên bầu trời đầy tinh tú. Một điều
khác biệt nữa so với các lăng khác là tên Khiêm Lăng do chính nhà vua đặt và
tất cả cung, điện, hồ, tạ trong Khiêm Lăng đều có tên bắt đầu bằng chữ
Khiêm. Tẩm điện gọi là điện Hòa
Khiêm. Trước cung vua ở có hồ lớn gọi là
Khiêm-hồ, giữa hồ có đảo gọi là Khiêm-đảo, trên đảo dựng ba cái đình là đình
Nhã Khiêm, đình Tiêu Khiêm và đình Lạc Khiêm.
Ngoài ra, bia trong bi đình cũng do chính nhà vua dựng lúc còn trị vì,
và bài văn khắc trên bia cũng do chính ngài ngự chế. Điều nầy có thể gây nhiều ngộ nhận và gièm
pha, vì ngài dùng chữ Khiêm để đặt tên cho lăng tẩm của mình, nhưng lại tỏ ra
chẳng có khiêm nhường chút nào, tự mình viết bài văn bia để ghi lại công đức
của mình. Ta phải hiểu rằng đây là một
ngoại lệ. Trước hết là vì ngài không có
con, thứ hai là vì trong thời gian trị vì của ngài đã xảy ra nhiều điều không
may, như vụ Hồng Bảo (anh ruột của ngài muốn giành lại ngôi vua, bị kết tội và
chết trong ngục), giặc Chày Vôi (nhân việc xây Khiêm Lăng gây nhiều vất vả cho
quân sĩ, anh em họ Đoàn lấy việc tôn phù Ưng Đạo, con trưởng của Hồng Bảo, xúi
dục quân sĩ nổi loạn), và nhất là việc Pháp xâm chiếm lãnh thổ nước ta. Ngài muốn cho đời sau hiểu được tấm lòng của
ngài đối với đất nước. Khác hẳn với Lăng
Minh Mạng, Lăng Tự Đức gợi cho ta cái cảm giác man mác, lâng lâng, nhẹ nhàng do
phong cảnh hữu tình, thích hợp cho một con người văn học như ngài.
Lăng Khải Định,
thuộc huyện Hương Thủy, khởi xây năm Khải Định thứ 5 (1920) và xong năm Bảo Đại
thứ 6 (1931). Đây là lăng duy nhứt xây
trong thế kỷ 20 nên khác các lăng kia khá rõ nét, ngay cả vật liệu cũng không
phải thuần bằng đá và gạch, mà dùng cả bê tông cốt sắt. Lăng xây trên một diện tích tương đối nhỏ hẹp
so với các lăng đã kể trên. Lăng lại xây
dựa lưng vào một ngọn đồi cao, nên ngay từ cổng vào du khách đã phải leo lên
nhiều bậc cấp khá dốc. Lên hết các bậc
đó là vào Bái đình với hai hàng tượng đá voi, ngựa và thị vệ. Tiếp theo đó là Bi đình, hai bên là hai trụ
biểu. Trong Tẩm điện, ngoài thần khám và
thần vị của vua như các lăng khác, còn có cả tượng đồng tạc hình vua. Trên bàn thờ có để các vật vua dùng thường
ngày, đặc biệt nhất là bình xịt nước hoa.
Một nét đặc thù nữa là mộ của vua cũng xây ngay trong Tẩm điện. Ngoài ra Lăng Khải Định là lăng duy nhứt có
lối trang trí tường, cột, đầu hồi bằng miểng chén. Ứng Lăng cho thấy rõ ràng vua Khải Định là
một vị vua đã chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp.
Trong suốt hai
ngày đi thăm các lăng, anh em trong Phái đoàn, nhứt là anh Hữu, Trưởng Phái
đoàn, đã ghi chép rất cẩn thận những gì đã quan sát được để về Saigon làm báo
cáo lên cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Chủ Tịch HĐVHGD. Tôi không còn nhớ rõ chi tiết bản báo cáo đó,
nhưng nói chung, nếu tôi nhớ không lầm, anh em chúng tôi đặc biệt quan tâm
nhiều nhứt đến tình trạng của Lăng Tự Đức, và có đề nghị cụ thể về việc trùng
tu cho lăng nầy. Rất tiếc công việc
chúng tôi làm xảy ra vào thời điểm sắp kết thúc của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi hoàn toàn không rõ số phận của bản tường
trình đó sau ngày 30-4-1975.
Những
Chuyện Bên Lề Chuyến Đi
Ngoài công tác
chính là khảo sát tình trạng các lăng tẩm như đã trình bày bên trên, anh em
trong Phái đoàn còn được hưởng một buổi văn nghệ đặc biệt do sự dàn xếp của ông
Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.
Rất tiếc tôi không còn nhớ tên ông Giám Đốc, nhưng còn nhớ khá rõ dáng
vóc của ông ấy, chiều cao trung bình, độ 1,68m, dáng hơi gầy, gương mặt rất
thanh tú, nho nhã, tuổi chưa tới 40.
Chúng tôi quen nhau qua mấy lần họp khoáng đại của HĐVHGD vì ông cũng là
một Hội Viên. Điều làm tôi nhớ nhiều
nhứt về ông là sự hiểu biết và sự say mê nghiên cứu của ông về mối tương quan
giữa ngũ hành và ngũ cung, giữa ngũ hành và ngũ tạng, giữa âm nhạc và trị liệu,
giữa mầu sắc và trị liệu, v.v.
Buổi văn nghệ đặc
biệt nầy diễn ra tại sân khấu của Trường Quốc Gia Âm Nhạc cũng nằm trong Thành
Nội. Khán giả chỉ gồm có 5 người: 3 anh
em trong Phái đoàn chúng tôi, Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng, và Ông Giám Đốc
Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Chương trình
biểu diễn chỉ gồm có 3 tiết mục. Tiết
mục thứ nhứt là một số bài hợp tấu cổ nhạc do Ban Nhạc Đại Nội trình bày.
Ban nhạc chỉ gồm độ 10 hay 12 nhạc công, sử dụng các loại nhạc khí cổ
của ta, tuổi trung bình của các nhạc công, theo sự ước tính chủ quan của tôi,
chắc phải tròm trèm 60. Nhìn các cụ
trình tấu, lòng tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi nghĩ về một thời vang bóng đã
qua, mấy mươi năm về trước các cụ chỉ trình tấu cho vua thưởng thức, bây giờ
vua không còn, cung điện không còn, lòng các cụ chắc nhiều đau xót. Tiết mục thứ hai là màn vũ hoa đăng do Ban Vũ
Đại Nội trình diễn. Màn nầy vui mắt hơn
vì đa số các vũ công là các cô gái trẻ, mặc y phục mầu sắc loè loẹt. Mỗi cô cầm hai đĩa đèn trên lòng hai bàn tay,
xoay tròn, uốn éo thân hình nhưng vẫn giữ vững được hai đĩa đèn. Tiết mục kết
thúc với màn các vũ công đứng chồng lên nhau thành hình tháp. Màn chót thì rất vui, đó là múa sư tử. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức màn
vũ cổ truyền nầy. Phải nhìn nhận đây là
một màn vũ rất đặc sắc, với một kết thúc vô cùng ngoạn mục và bất ngờ: sư tử
cái cho ra đời một sư tử con.
Ban ngày anh em
trong Phái đoàn luôn luôn đi chung với nhau nhưng ban đêm thì mạnh ai nấy
đi. Tôi có một số bạn bè tại Huế và các
bạn nầy đã chịu khó "phụ trách" tôi trong suốt thời gian ba ngày ở
Huế của tôi. Buổi chiều ngày đầu tiên, anh Phan Hoàng Quý, làm việc cho Thư
viện Đại học Huế, mang Honda C-50 đến đón tôi và đưa tôi đến nhà anh Tôn Thất
Viễn Bào, cũng làm việc cho Thư Viện Đại Học Huế. Ba anh em chúng tôi cùng đi học về ngành Thư
Viện Học tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 70, anh Bào học ở University of Western
Michigan, Kalamazoo, Michigan, anh Quý ở Case Western Reserve ở Cleveland,
Ohio, và tôi học ở Syracuse University, Syracuse, New York. Anh Quý là người sinh trưởng ở Phan Thiết
nhưng làm việc ở Huế cũng khá lâu. Anh
Bào là người sinh trưởng tại Huế, gốc hoàng tộc, thuộc Phòng Định Viễn, tức là
nhánh hậu duệ của Định Viễn Quận Vương Nguyễn Phúc Bính, con thứ 6 của Vua Gia
Long, và là em của vua Minh Mạng. Bài
Phiên hệ thi của gia đình anh Bào là như sau:
Tinh Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiễm Cách Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Cát Đa
Liên Trung Tập Cát Đa
Vậy anh Bào chính
là thế hệ thứ tư sau Định Viễn Quận Vương.
Nhà anh Bào là một biệt thự rất lớn, trước nhà có sân rộng, trồng đủ
loại cây cảnh rất đẹp. Một chập sau thì
một anh bạn người Huế nữa cưởi Honda C-50 đến nhập bọn với chúng tôi, anh
Nguyễn Cửu Sà, cũng làm việc tại Thư viện Đại học Huế. Anh Sà lúc đó là Chủ Tịch Chi hội Thư Viện
Việt Nam tại Huế. Bốn anh em chúng tôi
cùng nhau đi ăn cơm tối tại quán Âm Phủ.
Quán Âm Phủ lúc đó đã có tiếng ở Huế, khách đông nên mở rộng, địa điểm
là một ngôi nhà có sân rộng, nhiều cây cối.
Thật ra tên Âm Phủ là do dân Huế đặt cho quán chớ thật ra quán không
thấy treo bảng hiệu chi cả. Người ta gọi
quán là quán Âm Phủ vì chỉ bán về đêm mà thôi.
Đêm đó chúng tôi ăn món "bánh ướt thịt nướng" rất ngon. Cách ăn thì cũng giống như người Saigon ăn
món "bánh hỏi thịt nướng", cũng dùng rau xà lách cuốn với rau sống,
chỉ khác hai điều: bánh ướt thay cho bánh hỏi, và chấm tương (loại tương ăn nem
nướng) thay vì chấm nước mắm ớt. Ngoài
ra trong các thứ linh tinh cuốn chung với rau sống có mấy lát trái vả, tạo thêm
một hương vị rất đặc biệt.
Đêm thứ nhì ở
Huế, anh Bào bận công việc nên chỉ có anh Quý, anh Sà và tôi đi ăn cơm tối
chung. Cũng như đêm trước, nói là ăn cơm
mà thật ra lại ăn bánh nữa. Lần nầy thì
ăn bánh khoái. Địa điểm là một tiệm ăn
mang bảng hiệu Thượng Tứ vì nằm gần cửa Thượng Tứ. Bánh khoái, như nhiều bạn đã biết, mang dáng
dấp của bánh xèo Saigon, nhưng nhỏ hơn, bánh đổ dày hơn, hình tròn chớ không
phải hình bán nguyệt, và nhưng bên trong ngoài tôm thịt, đậu xanh, còn có cả
lòng gà. Bánh ăn cũng cuốn với xà lách
rau sống và chấm nước mắm tỏi ớt. Tiệm
Thượng Tứ nầy chuyên bán bánh khoái nên làm rất ngon. Sau khi ăn xong, trời cũng chưa tối lắm chúng
tôi cho xe Honda chạy dọc bờ sông Hương về hướng Tây để lên viếng chùa Thiên
Mụ. Đây là ngôi chùa xưa nhất của Huế,
nằm trên một cái gò cao, thuộc huyện Hương Trà, do chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng
vào đầu thế kỷ thứ 17. Chùa đã được
trùng tu rất nhiều lần trong thời gian gần 300 năm qua. Chùa có hai di tích nổi tiếng, đó là tháp
Phúc Duyên, cao 7 tầng (21m), do vua Thiệu Trị xây vào năm 1844, và cái chuông
lớn, nặng 3285 cân ta, do chúa Nguyễn Phúc Chu (tức Quốc Chúa) cho đúc vào năm
1710, và thân làm bài văn cho khắc vào chuông.
Đứng trước sân chùa Thiên Mụ, ngay bên dưới tháp Phúc Duyên, nhìn xuống
sông Hương, nhứt là vào buổi hoàng hôn, quang cảnh thật đẹp. Vua Thiệu Trị đã liệt cảnh chùa Thiên Mụ vào
hàng thứ 14 trong số 20 cảnh đẹp của kinh thành, và làm bài thơ vịnh
"Thiên Mụ Chung Thanh". Và
trong dân gian, ai mà chẳng biết đến hai câu thơ:
Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Trở về Huế, hai
anh Quý và Sà đưa tôi sang Vĩ Dạ ăn chè, nhờ vậy tôi được biết thêm một điều
giống nhau nữa giữa người Huế và người Saigon.
Đó là cái thói quen dễ thương: ban đêm, khoảng 8, 9 giờ, thì đi ăn chè,
rồi về nhà ngủ mới ngon. Tôi nghĩ cái
thói quen nầy rất hay và hợp khoa học, không ăn món mặn vì sẽ nặng bụng, khó
ngủ, ăn chè vừa nhẹ, nhưng dằn bụng vừa đủ, dễ ngủ, vừa có chất ngọt, tạo
"energy" cần thiết cho cơ thể.
Đêm đó chúng tôi vào một quán nhỏ, dường như chẳng có bảng hiệu gì cả,
nhưng có sân và cây cối, chủ nhân để bàn và ghế nhỏ dưới các gốc cây, trên mỗi
bàn có để một đèn dầu nhỏ leo lét, nếu bạn đi cùng người yêu vào quán nầy, bạn
có thể thấy khung cảnh nầy là lãng mạn, riêng tôi thì cảm giác của tôi đêm đó
là buồn cười vì tôi chợt có một so sánh và nói thầm trong bụng "chính quán
nầy mới đáng có tên quán Âm Phủ đây".
Chúng tôi gọi mấy chén chè bắp, ăn cũng tạm được. Rất tiếc tôi sang Vĩ Dạ vào ban đêm, và không
có cơ hội trở lại nữa, hôm sau đã bay trở về Saigon, nên không thấy được nét
quyến rũ của thôn nhỏ nầy. Tên của thôn,Vĩ Dạ, đã được một nhà thơ lớn của thế
kỷ 19, Hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, Nguyễn Phúc Miên Trinh, Tuy Lý Vương,
dùng làm bút hiệu và đặt tên cho tập thơ của ông, Vĩ Dạ Hợp Tập. (Theo 2 tài
liệu: 1. Việt Nam Danh Nhân Từ Điển / Nguyễn Huyền Anh. In lần thứ ba. Saigon: Khai Trí, 1972. Tr. 519.
- 2. Tuyển Tập Thơ Văn Huế -
Bình Trị Thiên / Trần Thanh Đạm, Hoàng Nhân biên soạn. TPCHM: Nhà Xuất Bản TPHCM, 1991. Tr. 201.
Tuy nhiên, sách Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, tr. 293-295, lại ghi
hiệu của ông là Vi Dã, và tên tập thơ của ông là Vi Dã Hợp Tập. Vấn đề nầy xin để các nhà nghiên cứu văn học
thời Nhà Nguyễn giải quyết). Và cái đẹp
của thôn đã được Hàn MặcTử mô tả trong bài "Đây Thôn Vĩ-Giạ":
Sao anh không về chơi
thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng
mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh
như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
...........
Thay
Lờ i Kết
Tôi ra Huế chỉ có
3 ngày, phần lớn thì giờ dành cho công tác, vì đó là mục tiêu của chuyến đi. Thành ra thật lòng mà nói, tôi biết về các
lăng tẩm nhiều hơn là về cái thành phố nhỏ bé, thơ mộng nầy. Tôi đắm chìm trong cái thế giới của những
người đã khuất (các vị vua nhà Nguyễn) qua các câu chuyện kể của Ông Giám Đốc
Viện Bảo Tàng, một hậu duệ của các vị đó, và qua các cung miếu triều xưa nay
vắng ngắt đó. Lòng tôi rung cảm với
những di tích, di vật của người xưa còn để lại.
Tôi xúc động khi ngồi nhìn cảnh trình tấu của các nhạc công già nua
trong Ban Nhạc Đại Nội. Tôi đã không có
đủ thì giờ tìm hiểu cái đẹp và cái quyến rũ thật sự của thành phố cổ kính
nầy. Tôi đã không có được cái nhìn thơ
mộng của:
Gió cầu vương áo nàng
tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành
chiếc nón thơ.
.......
.......
mà chỉ thấy:
Vàng xây ngọc dựng đền
vương bá
Một ánh tàn xuân nỗi mỏng manh.
Một ánh tàn xuân nỗi mỏng manh.
(Trích bài thơ "Trong
Đôi Mắt Huế" của thi sĩ Đông Hồ sáng tác nhân dịp thăm Huế năm 1939).
Lâm Vĩnh Thế
Lâm Vĩnh Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét