Hôm nay là mồng 2 Tết Giáp Ngọ ở Hà
nội. Ngồi bên máy vi tính để thăm hỏi và trả lời thư chúc Tết bạn bè từ
Bắc Mỹ, tôi chợt nghĩ ra sẽ viết về vài ngày vừa qua lúc dọn từ Saigon ra sống
ngoài này và cũng đúng dịp dân miền Bắc sửa soạn ăn Tết. Còn mình trở về kỷ
niệm cũ lần chót ăn Tết Hà nội năm 1953, trước
khi đáp chuyến máy bay "di cư" vào Saigon tháng 7/1954. Cho các bạn
đọc trẻ thì đây là chuyện cổ tích, và với vài bạn lớn tuổi thì có thể là
"biết rồi, khổ lắm, nói mãi..."!
Khi tôi đáp máy bay từ Los Angeles qua
Tokyo rồi Hà nội, cơn ốm có sẵn vì phải lật đật xếp đặt nhiều công việc cá nhân
rồi các thay đổi khí hậu đột ngột từ cái nóng Saigon sang cái mát L.A. rồi cái
lạnh Las Vegas và sau cùng mùa đông Hà nội, đã quật ngã tôi lúc đến phi trường
Nội Bài. Chỉ tỉnh dậy được sau vài ngày bị thêm jetlag và lo sắp đặt cho việc
mở văn phòng mới, tôi quay cuồng tiếp trong cuộc sống mới và những lo toan của
riêng mình, khi cả thành phố lại đang dãn bớt công việc để lo cho tuần cuối
năm.
Một chiều xong việc về trễ được ăn
tiệc tiễn ông Táo mới biết đã vào không khí Tết ở nhà. Dân chúng ngoài Bắc sửa
soạn lễ cúng này rất cầu kỳ, các nhà có phương tiện lên phố Hàng Mã sắm các thứ
tiền vàng bạc giả để đốt, các hình thức mê tín còn nặng hơn trong Nam. Hương
nến sắm đủ bộ, nhưng báo chí than vãn tình hình kinh tế khó khăn nên mãi lực
mua sắm yếu hẳn hơn các năm. Đặc biệt các loại hoa rẻ hơn mọi năm vì mọi người
chỉ dồn mua sắm các thứ thiết yếu như quần áo mới và nhất là thức ăn cho 3 ngày
Tết. Báo chí và Tivi tràn ngập những quảng cáo và khẩu hiệu chào đón mùa xuân và
năm mới. Nhưng các thứ này không đủ thay thế các phương tiện (??) mua sắm của mỗi năm, đa số công ty
trong nước làm ăn thua lỗ nên không cho tiền thưởng hậu hĩ như mọi năm, hoặc có
nơi cúp hẳn.
Từ Saigon đường chợ hoa Nguyễn Huệ mở
cửa vào tối 28 Tết có phần rộn rã hơn vì mang lại nét đẹp độc đáo cho thành phố
vốn cũng tất tả suốt năm. Các bức ảnh do bạn bè gửi ra cũng gợi chút bâng
khuâng về nơi mình đã trải qua nhiều cái Tết với gia đình. Xa Saigon để ra Hà
nội mùa xuân năm nay là chuyện bất ngờ không hẹn trước, tôi thấy có lỗi với
thành phố đó và những người bạn chưa kịp chào, nhất là nhóm bạn JB hay uống
chung cà phê mỗi sáng thứ bẩy trong vài năm qua.
Buổi chiều 26 chạy ra khu Kim Ngưu,
một trong nhiều chợ hoa của Hà nội, để mua cây đào và chậu quất về bày trong
phòng khách sạn để tạo chút không khí thưởng xuân. Nhưng các ngôi nhà ấm cúng
của ba mẹ tôi những ngày di cư vào Nam vẫn hiện ra trong ký ức. Những chiều rộn
rã đi chợ Nguyễn Huệ mua hoa hay ra hiệu Thái Thạch sắm mứt bánh với ba tôi vẫn
chưa nhạt nhòa (xin xem một bài khác "Những Đêm Giao Thừa Cũ").
Rồi ngày 30 cũng không chờ mà đến
nhanh, cả hai tuần bận bịu lo việc riêng làm tôi cũng quên bớt chuyện Tết nhất.
Buổi chiều thấy đói lang thang ra khu Cầu Gỗ-Đinh Liệt tìm nơi có xe thịt bò khô
danh tiếng của Ông già Tầu ngày xưa (được ghi lại trong nhiều sách vở cũ) gần Hồ
Gươm (trên con đường hình như ngắn nhất của Hà thành, gọi là đường Hồ Hoàn
Kiếm) để ăn đĩa bò khô chua, cay mà ngoài này lại gọi bằng cái tên nộm đu đủ
bò. Món ăn hình như vẫn như xưa, nhưng sao tôi thấy đĩa đu đủ kém ngon hơn đĩa
khô bò ở khu Chùa Chà trên đường Pasteur Saigon ngày còn ở trường Chu Văn An ra
diễu phố cuối tuần ăn vặt. Tôi không còn cái thú đòi người bán dốc chai dấm tỏi
để lấy vài quả tỏi ngâm cho đĩa của mình.
Tôi ăn trong ý nghĩ hoài niệm ngày xưa
nên không còn thấy ngon. Xong món ăn cũ, tôi thả bộ lang thang quanh Bờ Hồ nơi
thiên hạ tấp nập đi sắm cuối năm, giống như trong Saigon dân chúng đổ xô về khu
Nguyễn Huệ-Lê Lợi chơi Tết. Đi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn nghi ngút
khói hương, vẫn không có cái cảm xúc thiêng liêng của người Hà nội trong giờ
phút giao mùa. Trong tôi vẫn trở lại những kỷ niệm đi lễ chùa Lăng Ông với Bản,
tay bạn thân ruột thịt từ ngày học trường Trần Lục. Từng câu trêu đùa của hắn
về những người bạn gái tuổi mới lớn vừa gặp ban ngày, hay những kỷ niệm đi ăn
nhậu với nhau trong suốt thời mài đũng quần nhà trường vẫn đầy ắp tâm tư.
Buổi tối đến nhanh chờ bữa cúng thiên địa để đón ông bà về.
Mắt tôi lại chợt muốn nhạt nhòa vì hình ảnh bày bàn thờ cúng của bà nội tôi,
của mẹ tôi trán lấm tấm mồ hôi trong bếp với những bát măng bát bóng để kịp giờ
cúng và mời gia đình ông chú ruột đến ăn tối. Và còn con gà luộc để nguyên đầu
cánh cho giờ cúng giao thừa ngoài trời. Ôi cái tất tả của bà và mẹ tôi ngày
trước, và bà chị dâu cả tôi sau này, những người đàn bà đã in đậm dấu trong kỷ
niệm đời tôi sau này, dù ở Mỹ hay lúc về lại Việt Nam.
Gần giờ giao thừa, khi tôi bưng hoa
quả ra cúng chay ngoài trời hôm nay vì không đủ thì giờ luộc gà để cúng, thì
một số đông họ hàng cũng kéo đến căn appartement ở trên tầng 25 của tôi để xem
đốt pháo bông ở khu Bờ Hồ, mà đỡ phải chen lấn vất vả, lại thấy rõ toàn cảnh Hà
nội về đêm. Từ nhiều năm bị cấm đốt pháo, pháo bông là niềm háo hức để thay
thế. Nhưng khi những tia sáng pháo bông lộng lẫy tỏa sáng bầu trời khuya Hà
nội, tôi vẫn tìm riêng một góc trên ban công rộng để tưởng tượng tiếng pháo nổ
to rộn rã và khói pháo mờ mịt ngày xưa của những cái Tết thanh bình miền Nam và
của riêng Saigon. Họ hàng ở chơi đến hơn 1 giờ sáng khá vui, nhưng tôi không
còn được cái không gian xưa cũ khi vào nhà được Ba tôi cho uống cốc rượu ngọt
đầu đời với các anh trai tôi. Và chờ mẹ tôi với những phong bao đỏ...
Sáng mồng 1 Tết, tôi ra phố vắng lặng,
một nét đáng yêu của cả Hà nội và Saigon khi đa số dân chúng về quê ăn Tết, tìm
về ngôi nhà cũ của ba mẹ tôi ở góc Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo. Ngôi nhà kỷ niệm
mà nay đã có "12 hộ" dọn vào. Ngẩn ngơ trước cảnh cũ, tôi chỉ còn
thấy tôi ngày lên 5 tuổi được mẹ mặc cho chiếc áo len trắng và đội cái mũ nồi
len cũng màu trắng, chạy ra vào cái sân vườn rộng, rộn rã với những phong bao
lì xì đỏ...
Phạm Thăng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét