Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Những đêm giao thừa cũ


Phạm Thăng Long
Bây giờ mới đầu năm dương lịch xứ người. Đì đâu dân chúng cũng còn đang chúc tụng cho thằng lợi năm mới. Riêng tôi và gia đình, họ hàng, bạn bè tha hương, lại đang tính sổ cuối năm sửa soạn đón một cái tết “di cư” khác để “tống cựu nghênh tân”. Tất nhiên, cái lạnh cắt da thịt và cảnh trời đất phủ ngập tuyết trắng, khó có thể làm sống lại hình ảnh mùa xuân quê hương ấm áp, với mai đào nở rực rỡ. Nhưng trong câu chuyện nhắc nhở dĩ vãng lúc trà dư tửu hậu, cái đậm đà của không khí Tết Việt Nam vẫn còn chút dư hương, nhất là sau vài ly rượu đưa đẩy.

Một tối nào đó, sau lúc bạn bè ra về để kịp giờ cúng Giao thừa cho chủ nhà. Nhìn vợ đặt  bàn thờ có bầy con gà luộc cúng thổ địa trước nhà, tôi cũng kính cẩn hạ chai rượu dâu từ bàn thờ nhấp vài ngụm, có chút ngà ngà để thử khai bút đầu năm. Lúc đó mới thấy cái thiêng liêng của mùi hương trầm thoảng từ bàn thờ, nhập cùng hơi rượu đưa mình trở về những đêm trừ tịch ngày còn thơ ấu. Nói theo cảm hứng của nhạc sĩ Cung Tiến, đang thấy lòng mình “vang vang trời vào xuân”. Tất nhiên đó phải là những cái Tết Sài gòn, lúc tôi đã đủ nhận thức và ghi lại được cho đến bây giờ, sau hơn 20 năm. Tết Hà Nội tuy có thật rộn ràng, thiêng liêng qua văn chương của các bậc đàn anh, nhưng với tôi lúc đó còn mặc quần thủng đáy, thì không có chút kỷ niệm gì sâu đậm trong trí nhớ. Ba mươi sáu phố phường chỉ là hình ảnh qua tiểu thuyết của nơi sinh trưởng, kỷ niệm “dắt người yêu đi chợ Tết Hà Nội” hoặc “trao em nụ hôn mùa xuân” chỉ biết dành cho các ông anh tôi thôi!

Những năm cũ đón Tết với gia đình ở Sài gòn, tối Giao thừa thường bắt đầu bằng bữa cơm cúng gia tiên buổi chiều. Họp mặt đầy đủ cả nhà và gia đình ông chú ruột. Bà nội tôi đã loay hoay sửa soạn bàn thờ Phật và Tổ tiên suốt buổi chiều. Mợ tôi (cách gọi mẹ tôi trong gia đình) tíu tít với mấy nồi đồ nấu trong bếp với u già và chị người làm. Bọn anh em tôi đang mải lo trang bị dây pháo đại quang dài, kết thêm những quả pháo đùng ở từng đoạn đều nhau. Cậu tôi (ba tôi) và ông anh cả, sau chuyến vét chợ hoa Nguyễn Huệ chiều 30, đang lo nắn nót sửa từng cành đào, cành mai, đặt bốn chậu cúc bên buồng khách. Rồi bầy đi xếp lại mấy hộp kẹo mứt bánh tây, chai rượu Quinquina con mèo mua từ cửa hàng Thái Thạch ở đường Hai Bà Trưng, và chai rượu dâu nước cất đầu, do bà bác cẩn thận cho người từ Đà Lạt xuống lễ Tết. Hai cô em gái còn đang nâng niu chiếc áo đầm ủi thẳng thắn để diện ngày mồng một, cậu em bận bịu với bàn bầu cua cá cọp để mở sòng hốt bạc cho ba ngày sắp tới.

Bữa cơm cúng buổi tối vừa xong, sau những tiếng cười nói rộn rã, ai nấy lại vào việc của người ấy, để chuẩn bị cho buổi cúng Giao thừa và tiếp khách ngày hôm sau. Riêng bọn tôi, mấy anh trai lớn, được phép vù xe Mobylette đi chơi với bạn vài tiếng buổi tối, kèm theo lời dặn dò nghiêm chỉnh của mợ: “các con đi đâu phải nhớ về trước 11 giờ để kịp đóng cửa nhà rồi cúng Giao thừa. Về trễ cậu la, không cho vào nhà đấy”. Cái tục quen thuộc mà gia đình tôi vẫn theo, đi đâu cả nhà phải về trước giờ Giao thừa để tránh  xông đất. Ngay cả chó mèo cũng bị giữ ở ngoài nếu chạy bậy đi chơi. Cái nghi thức “xông đất đầu năm” trang trọng đó được đề dành đến sáng hôm sau, cho hai cụ Nhật Chương trưởng họ. Bao giờ  hai cụ cũng đi bộ từ khu chợ Tân Định đến nhà tôi  ở trên đường Duy Tân góc Hiền Vương trước tiên, vào sáng mồng một để cho lộc phúc đức của hai cụ, vốn vẫn được kính trọng nhất họ.
Lúc hai cụ đến, tràng pháo  được nổ vang, cả nhà  xếp hàng chờ hai cụ vào từ sân đền buồng khách. Bà nội và cậu mợ tôi  kính cẩn chúc Tết và được cụ ban lộc trước, gồm ba cái phong bao lì xì đỏ, kế đến là tụi tôi, mỗi đứa một tờ giấy bạc mới toanh, ít nhiều tùy theo  thứ tự tuổi tác. Cái nôn nao chờ hai cụ mở hàng đã thật sự bắt đầu từ buổi tối ba mươi hôm trước, lúc mợ tôi, vì là nhà buôn kiêng không xuất tiền vào sáng mùng một, nên có lệ  lì xì cho các con từ 11 giờ tối.

Vì cái tục lệ đó của gia đình vào đêm cuối năm, thêm vào  niềm háo hức chờ món tiền mở hàng lớn nhất do mợ phát, nên bọn chúng tôi ai cũng về nhà đúng giờ hẹn. Mấy ông anh tôi, dù có thấy thời gian ngắn ngủi lúc phải rời nhà đào sớm buổi tối. Hay tôi, dù cũng phải chạy vội khỏi bàn banco ở nhà thằng bạn bên  khu Đa kao, với đống tiền giấy dày cộp ở túi, vì vừa may mắn làm cái hốt được đống banco lúc cuối. Chúng tôi đều có mặt đầy đủ ở sân trước nhà, để xem bà nội và mợ tôi đặt bàn thờ cúng trước sân nhà, bên mùi thơm thoang thoảng của giàn hoa thiên lý và dạ lý hương.

Làm sao bút mực nào tả xiết cái cảnh thiêng liêng đó của đêm Sài gòn cuối năm, lúc trời mát dịu. Mùi thơm của hoa lý quyện với mùi trầm nghi ngút của bó hương cắm trong bát gạo, cạnh con gà mái luộc vàng béo ngậy, để cúng trời đất. Bà và mợ tôi quỳ xuống lễ trên chiếu, khấn những lời thành kính cầu nguyện cho cả gia đình bình yên. Cậu đi làm thăng quan tiến chức, các con ở nhà học hành thành đạt, các đứa con du học xa ở Úc, đi đến nơi về đến chốn, các đứa cháu nội ăn mau chóng lớn. Rồi que diêm của tôi đốt tràng pháo Giao thừa nổ tan, làm bà và mợ tôi giật mình cuống quít đứng dậy bịt tai, che mắt  khói pháo cay. Bà tôi còn mắng yêu lấy lệ: “Mấy đứa rồi phải tội, tao chưa kip lễ xong đã lo đốt pháo làm náo loạn cả nhà!”.

Nhưng rồi ngay sau đó,  những tràng pháo khác của hàng xóm xa gần đều nổ rền, kèm theo tiếng chó sủa sợ hãi, báo hiệu chính thức giờ Giao thừa đã đến. Năm cũ của những bực mình lo âu, hay bôn ba vất vả đã đi qua. Năm mới với nhiều hy vọng tin yêu và những chờ đợi may mắn đang đến. Nhìn xa lên bầu trời, thấy cả mấy ngọn hỏa châu lóe sáng của vùng chiến tranh, lẫn lộn ngay trong cái không khí yên bình thiêng liêng ở thành phố dưới này, tuổi 13 của tôi ngày đó còn đầy những vô tư thơ dại, chưa hằn lên những suy tư trưởng thành như những đứa cháu tôi khoảng mười  năm về sau.

Trong vùng ký ức mơ hồ về những tia lửa lóe sáng trên trời, tôi còn nhớ thái độ của những người lớn ở thành phố lúc đó. Sống hàng ngày với cảnh chiến tranh và chấp nhận nó như một thực tại thản nhiên. Sung sướng hay đau khổ được đón nhận đều đặn như mưa nắng hai mùa của khí hậu miền Nam. Đời sống dồn dập hàng ngày và hoàn cảnh khó khăn lúc đó, không còn cho ai thêm sự suy nghĩ phức tạp nữa. Chỉ có điều chắc chắn là tôi còn ghi nhớ được hình ảnh hân hoan chờ đợi trên nét mặt của những người thân thuộc chung quanh trong giờ phút cuối năm. Có lẽ trong thực tại của cuộc chiến triền miên, niềm đau khổ cũng cần  phải quên đi, bản năng sinh tồn và sức sống dân tộc vẫn còn mang lại tin yêu vào niềm hy vọng đầu năm mỗi lần xuân đến. Hơn 20 năm sau, tôi cảm thấy cái trực giác thuở thơ dại 13 vẫn còn giá trị và tiềm tàng trong kỷ niệm đời mình; vẫn còn thấy thoảng đâu đây mùi hương, khói pháo. Vẫn còn nhớ lúc tranh vui với cậu em từng ngọn pháo đỏ châm ngòi trên tay rồi tung lên trời, giành giật đĩa gà luộc để đem vào bàn thờ trong nhà!

Vào đến nhà thấy bà tôi đã xì xụp lễ lạy, rồi đến cậu mợ và bọn anh em tôi. Sau khi cậu tôi và các anh lớn nhấp chén rượu khai xuân, bọn tôi biết là đã đến giờ xếp hàng để đợi mợ “mở hàng”. Trong lòng hồi hộp đoán số tiền lì xì sắp được, nghĩ lại còn thấy lâng lâng trăm lần những buổi cuối năm chờ tin tăng lương lúc lớn lên đi làm. Mợ cho xong từng đứa, nói là năm nay mợ buôn bán phát tài nên cho các con nhiều hơn năm ngoái, nhưng dặn các con phải cố gắng học hành thành đạt và ngoan ngoãn gấp 5 gấp 10 năm cũ. Đứa nào cũng gật đầu lia lịa, chuyện năm tới “ que sera, sera”, làm sao biết được hả mợ?

Rồi đến lúc lên giường ngủ, lòng quá nôn nao xao xuyến, tiếng pháo còn nổ dai dẳng bên hàng xóm, mong làm sao ngày mai mồng một Tết mau đến. Khoảng 6 giờ sáng , chợt thức dậy vì nghe tiếng mợ đi guốc ra khỏi buồng để vào bếp. Nhìn chung quanh thấy ba đứa em vẫn ngủ,  tôi cũng muốn nằm tiếp, nhưng rồi nôn nao quá không nhắm mắt lại được, tôi cũng chạy vào bếp. Trong đầu vẫn còn nhớ rõ cảnh mợ ngồi thái những miếng chả quế hình chữ thoi, ngồi chờ để ăn các miếng thừa sứt sẹo, hoặc được mợ nhờ nếm các nồi măng, vây, bóng xem đã mặn hay chưa. Tôi vẫn còn nhớ từ thuở bé đã được mợ tín nhiệm trong việc nếm cỗ mỗi lần giỗ tết. Có thể vì vậy mà khi lớn lên tôi có "tâm hồn ăn uống", và có triết lý cùn coi sự ăn uống là cả một nghệ thuật lớn trong đời. Vẫn hay  tự bào chữa và  lý sự lúc bàn về thú vui ăn uống. Có ai hiểu là những thói ham ăn uống đó đã được đan kết từ hoài niệm về một vùng trời quê hương, của bao kỷ niệm ấm cúng gia đình. Nhất là hình ảnh mợ tôi ngồi hàng giờ để cắt hành, cắt cà rốt cho những bát đồ nấu, của một trời mộng mơ thơ ấu không hề in hằn những suy tư tính toán đáng ghét của tuổi trưởng thành sau này?

Tối nay Giao thừa bên xứ Mỹ, ngắm vợ tôi lui cui xếp đồ cúng vào bàn thờ trong nhà, rồi nhìn lên những khung ảnh thờ của các người thân yêu đã khuất, thấy gia đình tôi đã vắng bóng bao người thân yêu, chỉ sau hai mươi mấy cái Tết! Thời gian và không gian đã đổi thay hoàn cảnh rất nhiều, còn lại chăng chỉ là vùng trời kỷ niệm gắn bó mình với một quá khứ không bao giờ mất hẳn trong tâm tư. Nhất là lúc chợt nhìn sang giường, thấy hai đứa con trai nhỏ đang trong giấc ngủ bình yên của bố nó ngày trước, tôi lại càng thấy lòng bồi hồi xúc động.

Bố viết những dòng này cho các con, như ông nội vẫn thường hay kể chuyện Tết ngày xưa cho bố nghe. Chỉ có điều khác là bố đã được sống trong một vài kỷ niệm đó của quê hương! Các con liệu có hy vọng nào được trở về sống trong một cái Tết thanh bình nơi quê nhà để nghĩ đến chuyện Giao thừa bố kể đêm nay trong tâm tư và ngôn ngữ của ông nội và bố không?
                                                      
 x x x

… Thế mà đã hơn ba mươi năm trôi qua, tôi ngày nào nay tóc đã hoa râm, đã về  đón gấn mười mùa xuân ở Sài gòn, nhưng, tôi có chờ đâu, có đợi đâu / mang chi xuân lại gợi thêm sầu / với tôi tất cả như vô nghĩa / tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…*

Phạm Thăng Long,
Cho Tết cũ ở Maryland một năm nào


*Thơ Chế Lan Viên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét