Vương Trí Nhàn
Trích đăng từ www.viet-studies.info
Với tôi, Thạch Lam (1910-1942) là ngòi bút của một đất nước buồn bã và của những vẻ đẹp nay đã bị đánh mất. Bởi vậy , -- giống như một nghịch lý -- ông thường trở lại trong tâm trí vào những ngày vui. Nhân dịp tết âm lịch Mậu Tí, xin gửi tới bạn đọc Viet-studies một chùm bài viết ngắn về Thạch Lam, tôi viết từ hơn chục năm trước và đã in vào một tập sách cũ mang tên Chuyện cũ văn chương (Hà Nội, NXB Văn học, 2001).
MỘT NGƯỜI HÀ NỘI LỊCH LÃM
Sự tiết chế, sự điềm đạm vốn là một đặc điểm thấy rõ ở văn chương cũng
như con người Thạch Lam.
Biết điều đó, người ta sẽ không ngạc nhiên, khi nghe ông kể rằng ông
thường đón Tết một cách không mấy vồ vập, đúng hơn là đơn sơ thanh đạm. “Tết
của nhà nghệ sĩ vốn giản dị... một chai rượu mùi, một gói kẹo, một gói thuốc
lá, thế là đủ. Chẳng phải vì nghệ sĩ không ước ao hơn, nhưng vì nghệ sĩ vốn
nghèo”. Có điều, trong khi đứng tách riêng ra không chịu đua đả với mọi
người về những tiện nghi vật chất, thì nhà văn ấy lại vẫn mở rộng lòng đón Tết,
và cũng đủ hồi hộp rung động trước cảnh xuân sang.
Qua văn ông, người ta đọc ra những cảm giác thiêng liêng mà có lẽ người
Việt nào cũng trải qua, cái thiêng liêng nảy sinh trước tiên do bắt gặp những
vận động tự nhiên của trời đất, nhưng lại càng thiêng liêng vì được cùng với
người thân sống lại những phong tục tập quán đã được cộng đồng dân tộc hình
thành qua ngàn năm lịch sử.
Những chiếc bánh chưng hay là nét đẹp của phong tục
Những ai từng đọc Hà Nội băm sáu phố phường hẳn nhớ
những tinh tế của ngòi bút nhà văn trong việc ghi lại các món ẩm thực hình
thành của người dân thường Hà Nội. Trong khi quan sát mọi người chuẩn bị đón
Tết, Thạch Lam cũng không quên nhắc lại những phong tục có tự ngàn đời, như
việc gói bánh chưng chẳng hạn.
“Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy đặn, màu xanh như mạ non, gạo
nhiễn ra như bông tuyết và giữ trong lòng bao nhiêu quý báu của miếng ngon:
lượt đậu mịn và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc
mềm lấm tấm hạt tiêu. Và thoang thoảng một một chút mùi cà cuống, gắt như cô
gái chua, sắc như mũi kim lạnh ”.
Trong những đoạn văn như thế, người ta không chỉ thấy sự thành thạo
trong chuyện ăn uống, mà còn bắt gặp sự nhạy cảm riêng của tác giả trước cái
quan niệm hàm chứa đằng sau các món ăn: Với người Hà Nội thanh lịch, mọi chuyện
không được phép qua loa lấy lệ, hoặc xô bồ tuỳ tiện thế nào cũng được, mà phải
kỹ lưỡng thận trọng, tuân theo những luật lệ nghiêm khắc và chắc chắn, bao giờ
cũng gửi vào đấy một ý niệm về vẻ đẹp.
Từ đấy, toát ra cái tinh thần của một nền văn hoá độc đáo mà theo tác
giả, nếu không bảo nhau giữ gìn, ta sẽ đánh mất.
Phố xá với những sắc thái đa dạng
Sau khi tự nhận rằng chỉ chuẩn bị cho Tết ở mức tối thiểu, Thạch Lam kể:
“Thế rồi hai tay bỏ trong túi áo - và cầu trời cho
thời tiết hơi rét và hơi mưa bụi, tôi lẫn trong đám đông xuôi ngược trên hai bên
hè phố”. Nói cách khác, niềm vui của ông là được đi ngắm cảnh thiên hạ đón
Tết. Trong tầm nhìn của ông, có cây cảnh phố xá, lại có đủ loại mặt người. Trầm
lặng và như muốn lẫn đi giữa chung quanh, song con người ông vẫn có sức bao
dung rất lớn.
Qua những truyện ngắn như Cô hàng xén, ta biết rằng Thạch
Lam rất hay nói tới sự nhẫn nại, sự hy sinh. Thì ngay khi đi trên đường phố
nhộn nhịp, ông cũng không quên điều đó.
“Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà
vội vàng thế? Về chậm sợ me mắng hay sao? Áo quần không kịp trang điểm, mái tóc
không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái! Giờ
này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ
già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đàm đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi
guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.
Với tư cách tác giả Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Thạch
Lam dành ít dòng để nói về Tết của người nghèo:
“...Ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé
đội mũ bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt,
thấy cả cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.
Và đây nữa, một nét Tết lạ của Hà Nội, dưới con mắt Thạch Lam:
“Đêm 29 Tết, vào giờ trước giao thừa... Có ai lên trước chợ Đồng
Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những
cành đào xấu xí, ít hoa; những bát thuỷ tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người
này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời
và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên
đường, bao nhiêu bàn chân giày xéo (...). Để trang điểm cho những căn buồng
tiều tuỵ, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu
xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông
đợi”.
Một nét thần thái
Rồi bao nhiêu chuẩn bị đã xong, điều mọi người háo hức chờ đợi, mùng
một, mùng hai, những ngày Tết thực thụ đã tới với bức tranh thiên nhiên thoảng
qua một chút xao động lẫn những cảnh tượng sinh hoạt như ngàn đời vẫn vậy.
Thạch Lam không nói gì khác những điều ai cũng biết, ấy vậy mà đọc ít dòng ghi
chép của ông, người ta vẫn cảm thấy như tất cả vừa được nhận ra lần đầu.
“Qua bãi cát rộng, con sông ngày Tết từ từ trôi mấy bông hoa nát
không biết ở đâu về. Đây Tết rải rải khắp ven bờ. Một cái bến vài con thuyền
đỗ, thế là cũng có khói hương cũng có hoa đào và xác pháo (...)
Ngoài trời lại mưa bụi. Xuân có vẻ đè nén, bao bọc và dằng dai:
Ngõ trúc lùn tùn tun ngọn trúc
Mưa xuân lún phún lụn ngày xuân.
Không hiểu tại sao hai câu thơ không nhớ của ai ấy thật đúng cái cảm
giác tôi có lúc mùa xuân”.
Một góc chợ hoa Hồ Hoàn Kiếm |
Câu
chuyện về những ngày Tết dưới con mắt Thạch Lam tới đây đã có thể dừng lại.
Song có một điều lớp người đi sau không khỏi vương vấn: Hình như nhân nói về
một ngày lễ cổ truyền, Thạch Lam vừa động chạm tới một cái gì lớn hơn thuộc về
thần thái của sinh hoạt cộng đồng, nghĩa là những yếu tố trường tồn trong thời
gian. Và ai người muốn thử cắt nghĩa tại sao đến nay nhiều bạn đọc còn rất
thích văn Thạch Lam, có lẽ phần nào tìm được
câu giải đáp: Lớn lên trong cảnh
đất nước bị thực dân thống trị, song lại tiếp nhận được một cách nhuần nhị nền
văn hoá Pháp, Thạch Lam (cũng như nhiều đồng nghiệp đương thời) đã biết hướng
toàn bộ tâm tình vào việc yêu mến, tìm hiểu, khám phá cốt cách dân tộc. Mà cái
cách trở về với dân tộc của Thạch Lam thì chân thành và cảm động. Ở đây mọi
tình cảm không ồn ào song lại rất thấm thía, càng hiểu cái nghèo túng chật vật
của hoàn cảnh người ta cảm thấy nặng lòng với đất nước đã nuôi nấng mình lớn
lên. Đó là cách nhìn, là tấm lòng của những trí thức chân chính.
MỘT SỐ BÁO TẾT
Trong thời kỳ hưng thịnh của mình Tự lực Văn đoàn có
hai cơ quan ngôn luận là Phong Hoá và Ngày Nay. Phong
Hoá xuất bản sớm hơn mang tính cách mở đường, nhiều khi ngả sang đấu
tranh gay gắt trong khi Ngày Nay được hình thành muộn hơn và
do đó, đằm hơn, chín hơn.
Tên tuổi Thạch Lam đã xuất hiện trên Phong Hoá nhưng
với Ngày Nay mới thật là cuộc trình diện đầy đủ. Ở đây, có
thời gian ông làm thư ký toà soạn, lo việc sắp xếp bài vở và thực sự đã mang
lại cho tờ báo một sắc thái riêng: sắc thái của một ấn phẩm chuyên về nghệ
thuật.
Công việc chuẩn bị cho những số báo Tết càng cho thấy rõ điều đó.
Nhìn vào Ngày Nay số 198, số Tết 1940, trước tiên chúng
ta bắt gặp mấy lời rào đón mà dù Thạch Lam không ký tên, ta cũng đoán ra chỉ
ông mới viết như thế.
Ông thận trọng giới thiệu bức tranh phụ bản mang tên Dưới hoa do
Trần Văn Cẩn vẽ, cho thấy rằng đây là “một bức vẽ có giá trị, những nét uyển
chuyển hợp với các màu nhã và êm dịu”, bởi lẽ, qua những hình ảnh được phác
hoạ “hai thiếu nữ, tóc còn buông xoã, mình hơi gầy vì còn non trẻ đứng tựa
dưới cành hoa phù dung” người ta có được “một cảm giác mát mẻ và tươi
sáng”.
Ông dừng lại kỹ hơn ở bức tranh dùng làm phụ bản cho báo, bức Ba
thiếu nữ của Tô Ngọc Vân. Nói về một tác phẩm mà như Thạch Lam gọi ra
cái thần của người nghệ sĩ (cố nhiên đây là Tô Ngọc Vân trước 1945): “trong
nét bút và màu sắc của hoạ sĩ này, có phảng phất một đằm thắm xác thịt, một tình
yêu các hình thể nõn nà vừa đến độ nẩy nở. Một vài đường nhịp nhàng và hoạt
động, sự hoà hợp của vài màu tươi thắm, thế là hoạ sĩ đủ khiến chúng ta có một
cảm giác hơi say mê và ân ái. Và nhận thấy cùng một lúc cái nghệ thuật chắc
chắn và cái thông minh ý nhị của hoạ sĩ”.
Tiếp đó, Thạch Lam trình bày qua về cách sắp xếp bài vở, về những khó
khăn trên các phương tiện in ấn mà toà soạn đã phải tìm cách vượt qua để mang
lại cho tờ báo một tính cách hoàn hảo.
Đọc những dòng này, ai người có lúc vào trong hậu trường bếp núc của
việc làm báo Tết, ắt hẳn cảm thấy được thông cảm: ra cái sự làm báo Tết, thời
nào cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài viết ở số Tết ấy, Thạch
Lam lấy câu cách ngôn Ả -rập sau đây làm đề từ:
Hưởng, đấy là khôn ngoan;
Khiến hưởng, đấy là đức hạnh.
Đặt vào hoàn cảnh của số báo, câu này có nghĩa: làm cho người khác vui,
chuẩn bị những món thức ăn tinh thần ngon lành thanh sạch cho bạn đọc thân yêu,
đấy là đạo đức của người làm báo. Ở chỗ này, mỗi người cầm bút giống như nhiều
nhân vật phụ nữ trong văn Thạch Lam, những người chi chút kỹ càng, lấy sự tận
tuỵ hy sinh làm lẽ sống của chính mình.
Chẳng những đứng ra đạo diễn chung cả số báo, mà nhiều lần, khi làm báo
Tết, Thạch Lam cũng đã góp vào đấy những bài viết riêng. Có khi ông viết về tục
đi hái lộc, tục gói bánh chưng, có khi ông trình bày những suy nghĩ riêng về
những bức tranh Đông Hồ - vốn là một “tài sản” của vùng Kinh Bắc xưa. Có khi
đơn giản hơn mà cũng trực tiếp hơn, ông trình bày những suy nghĩ của mình về
mấy ngày Tết. Có vẻ như ông muốn chia sẻ với chúng ta một ít tâm tình và gợi ý:
nên hiểu nên sống mấy ngày Tết ra sao.
Bài viết Nghệ thuật ăn Tết tiếp sau đây là một trong
những trường hợp đó.
Tuy ngắn, song Nghệ thuật ăn Tết được viết chặt chẽ,
súc tích và mang đầy đủ ý vị riêng vốn có ở ngòi bút Thạch Lam, một ngòi bút
thiên về cảm giác và thường có những xúc động giàu chất thơ.
Xin lưu ý thêm là trên văn bản còn có cả mấy cái vi nhét nho
nhỏ kèm vào bài và cũng là của chính Thạch Lam.
NGHỆ THUẬT ĂN TẾT
Hưởng,
đấy là khôn ngoan;
Khiến
hưởng, đấy là đức hạnh.
(Cách
ngôn Ả-rập)
Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại - người ta
thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc
âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi. Nhất những Tết ngày còn nhỏ... Lúc ấy, cùng
với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa,
cái tuổi mà người ta nhận là “vô tư lự”, ngây thơ và
sung sướng.
Nhưng nỗi nhớ tiếc ấy chẳng ích lợi gì, mà lại ngăn chúng ta không toàn
hưởng được thời khắc hiện giờ. Đậm đà, mạnh mẽ hơn bao nhiêu là sự hưởng thụ
ngay hiện tại, thêm vào cái thú hưởng những giờ vui, cái thú vô song của sự
mình biết mình đương hưởng.
Ngày còn ít tuổi, tôi không hiểu biết được cái thú uống trà. Chén trà thơm
lúc đó như sao bằng được những mộng đẹp tôi đang mơ tưởng trong lòng. Bây giờ
tôi đã có biết rồi - và thỉnh thoảng một buổi sớm hay trưa,
nâng chén trà lên để nhìn qua hương khói. Hưởng hương vị chén trà thì ít, nhưng
hưởng cái thú ở đời, và nhất là hưởng cái giờ khắc nghỉ ngơi, nhàn nhã, mà tự
mình cho phép (người ta chỉ có thể hưởng được cái khoái lạc của nghỉ
ngơi, khi biết cái nghệ thuật nghỉ ngơi cũng như biết cái nghệ thuật làm việc).
Tôi hiểu là vô ích và điên dại cuộc theo đuổi mộng ảo không cùng, việc
lần để ngày lại ngày hạnh phúc. Tôi hiểu rằng hoa nở sớm nay cũng tươi đẹp
chẳng kém hoa nở ngày mai, thời tiết xuân nay êm dịp hơn xuân bao giờ hết, và
trời trong cùng ánh nắng kia hiện giờ đã đẹp vô ngần...
Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết
nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ.
Đêm giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao”[1] là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi
thơm thuỷ tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít đủ lên cao.
Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần,
trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh. Tiếc thương như gia vị và mong
mỏi như làm ấm nóng cái thú vô cùng.
Rượu sánh trong cốc pha lê trong trộn mùi khói pháo với hương thuỷ tiên.
Tiếng pháo nổ vui từ nhà nọ sang nhà kia, liên tiếp, đi mãi vào trong đêm để
làm vang động bầu không khí xuân của khắp cả các gia đình. Đó là tiếng hiệu
lệnh của sự thông đồng chung hưởng.
*
* *
Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu
năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc
rắn: gạo mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra
như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn: mỡ phần, chỗ
giọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng
có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường
với đậu phải biến với nhau mà thôi.
Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và
mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và ròn
như pháo xuân! Đó là tất cả hương vị của cái tết Annam, ngày nay và ngày xưa.
*
* *
Sáng mồng một, chúng ta uống rượu và ăn mứt. Rượu hẳn là phải rượu tây:
những thứ vang cũ ngọt như Porto, nồng chua nhưVermouth,
hay say như Cognac. Uống những thứ ấy thích hơn liqueurs.
Nhưng sao ta không có rượu ngon của ta? Tiếc vì bây giờ cái gì của người mình
cũng vụng về và giả dối. Còn đâu thứ rượu cau có tiếng ở Hoàng Mai, thứ rượu
cúc nổi danh ở tỉnh Bắc? Cái hào nhoáng, cái lộng lẫy bề ngoài đã thay cái chân
thực, cái cẩn thận của người xưa. Đơn sơ và cẩu thả đã cướp chỗ của tốt bền, ở
tất cả những sản phẩm của nước mình.
*
* *
Mứt ngày trước cũng ngon và khéo léo hơn mứt bây giờ. May gần đây, sự
làm đã khá. Đã có mứt sen Cự Hương, mứt khoai Việt Hương, vị cũng nhã, mà trình
bày lại sạch sẽ, tinh tươm. Đem làm quà ngày Tết kể cũng tạm được.
Mứt phải đủ ngũ vị: ngọt, bùi, đậm, béo và cay. Thứ mứt gừng cay là quý
nhất. Chỉ tiếc thay mứt gừng ngoài Bắc thô và mạnh quá. Tôi ước ao được một
ngành mứt gừng ở trong Trung - mứt gừng của Huế, làm bằng
mầm gừng non và cả nhánh, trong như ngọc và cay mềm dịu cũng như con gái Huế.
*
* *
Thế rồi đi du xuân ngày mồng một, nhìn cây nêu phấp phới trước các nhà,
tiếng khánh sành reo theo gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu: quần áo mới của
bầy trẻ, xác pháo đỏ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy
dán trên cổng, và màu củ cẩm (hay cánh sen) trên những tranh tết – nhất là cái
màu tím mát ấy, màu của đất nước Annam, của thời xưa chân thật mà không bao giờ
nhìn tôi không thương nhớ ngậm ngùi...
Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi
chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới - tất cả cái
gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn
nữa?
*
* *
Cho nên ngày Tết, tôi
mong các bạn cùng vui vẻ tươi sáng như ánh mùa xuân, trong khi lần giở những
trang của tập báo vì các bạn này.
CẢM XÚC VỀ ĐẤT NƯỚC
Đọc Hà Nội băm sáu phố phường, người đọc đã có dịp cùng với
Thạch Lam sống và lắng nghe nhịp sống của một vùng đô thị thuở thanh bình.
Trước đó, đọc những truyện ngắn như Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu
mùa, Nhà mẹ Lê... chúng ta đã thấy nhà văn này mang nặng những tâm
tình riêng và có một sự trân trọng riêng với những hồn quê mộc mạc.
Nhưng Thạch Lam - nhà văn với một vốn liếng văn hoá vững chắc, cây
bút có cốt cách trí thức điển hình - còn đi xa hơn thế. Trong mấy năm cuối đời,
ông thường để cho cảm hứng trang trải tới những khu vực tưởng như trừu tượng
hơn, mà lại là nơi cô kết mọi tình cảm của chúng ta - ông hay nói tới đất nước.
Con đường riêng được ông lựa chọn, là nói về nghệ thuật dân tộc. Trong
những dịp tết, ông kể chuyện về những bức tranh Đông Hồ với “những màu tuy
tươi thắm mà cổ xưa, màu cánh sen, màu xanh lá mạ, là bài ca hát của người và
vật truyền nhau trên đồng ruộng”. Còn như đọc bài viết dưới đây, chúng ta
sẽ được cùng ông trở lại với những tiếng hát dân gian - những điệu xẩm.
Ông phác ra khung cảnh ở đó người ta nghe hát. Ông chăm chú đọc ra những
điều người ta trông chờ và gửi gắm qua các điệu hát.
Và nhất là ông tìm cách ghi lại những cung bậc tình cảm của mọi người -
cả người hát lẫn người nghe - trong cái cảnh diễn dân dã đó.
Nhà văn muốn thử làm một công việc khó khăn và hấp dẫn là mang lại cho
tâm hồn dân tộc một hình hài, một khuôn khổ. Câu văn ông có chỗ lúng túng, ngập
ngừng như chính ông cũng chưa biết làm sao ghi cho chính xác cái trạng huống
của tâm tình. Mặc! Ông vẫn cảm thấy phải nói ra bằng được những nỗi niềm bấy
lâu đã nấu nung trong lòng mình. Cái hồn của đất nước được Thạch Lam gọi ra
bằng những lời lẽ riêng. Ông đã nhuộm cho cảnh vật, cánh đồng, con đường, cây
đa, bến nước.... một sắc thái riêng - sắc thái Thạch Lam.
Giờ đây, người ta có thể nghĩ khác về đất nước, so với những điều Thạch
Lam đã nghĩ gần sáu chục năm trước. Nhưng lòng yêu đất nước của ông, thì tưởng
như nói đi nói lại bao nhiêu cũng không đủ.
DỌC ĐƯỜNG
Một con đường dài dưới sáng trăng. Hai bên dãy nhà lá thấp, mái tranh cũ
như lẩn vào màu trời. Một cây đa lớn trong bóng tối thấp thoáng ánh trắng của
vài chiếc bình vôi.
Đấy là một phố chợ nhỏ miền hạ du, một cảnh rất quen mắt ở chốn bùn lầy
nước đọng. Trong các căn nhà lụp xụp và tối tăm ấy, sống những gia đình nho nhỏ
Annam[2], những người nghèo
hèn mà đời kiếm ăn thật là eo hẹp và chật vật. Những đêm sáng trăng này, họ vui
vẻ. Tâm hồn giản dị của họ chịu ảnh hưởng của thời tiết một cách mật thiết,
không tự biết. Cái vui của họ dễ đến, nhưng mà cũng dễ đi - và tiếng
cười của họ có khi nổi lên vô tư lự.
Họ xúm quanh lại ngồi nghe một đám xẩm già, đánh cây đàn bầu gỗ mọt, và
ca hát những bài hát tự nghìn xưa vẫn lưu truyền trong dân gian, ai cũng thuộc
nhớ, mà lần nào họ cũng vẫn muốn nghe. Những bài hát thương tiếc cái tình tuyệt
vọng của anh chài lưới Trương Chi, ngậm ngùi cái tình bằng hữu của Lưu Bình
Dương Lễ, hay tán thưởng lòng can đảm của Thạch Sanh. Muốn cảm động được đám
người mộc mạc ấy, những tính tình kia cũng phải thu về giản dị và cổ sơ - những
tính tình mới có của người bước vào vòng lễ nghĩa, của những tâm hồn chất phác
như những tâm hồn vẫn giữ chất phác kia.
Qua cảm động, đến vui cười, chế nhạo và giễu cợt. Những bài vè quê mùa,
những câu đố hóm hỉnh, những bài ca hơi chút đĩ thoã và trai lơ. Đánh tam cúc, Đi
hái chè, Lấy chồng già, chồng trẻ... bao nhiêu tiếng cười thẳng thắn và
hồn nhiên nổi lên khuyến khích và điểm vị cho câu hát. Và cái tiếng cười cợt
trong câu hát ấy, hơi đơn sơ và thành thật, láu lỉnh như nháy mắt với người bên
cạnh, giễu cợt có khi cay chua nhưng mà không ác ý, có đôi chút triết lý rộng
lượng với những hèn yếu của người đời - đó là tiếng cười cợt Annam, của luỹ
tre, của ruộng lúa. Lên đến cao nguyên, vùng rừng vùng núi, tiếng cười câu hát
ấy đã thêm một chút man mác, rộng rãi nhớ thương, thêm một chút buồn xa xôi và
tưởng nhớ.
*
* *
Ai là người cúi xuống góp nhặt và thưởng thức những bông hoa trong nội
cỏ đất nhà ấy, giữ lấy mùi hương thơm mát mẻ và kín đáo, từ xưa vẫn thấm nhuần
cảnh vật quanh ta?
*
* *
Một chuyến đò ngang, một xó chợ, một đầu đường... chỗ nào có dăm ba
người nghe là có đám xẩm xoan lên tiếng. (Dễ thử đến có khi chẳng có ai nghe
nữa, mà một ông cụ xẩm cũng vẫn gẩy đàn và ca hát, đôi mắt đưa lên như cố hình
dung những bóng người tưởng tượng, và lắng tai nghe chờ đợi không biết đến bao
giờ một tiếng đồng trên chậu thau). Cái giọng hát xẩm thật là một giọng hát đặc
Annam. Hay là tôi tưởng thế, bởi vì mỗi lần nghe cái giọng hát buồn buồn, tầm
thường và quê mùa ấy, là mỗi lần tôi thấy như đè nén, quằn quại trên tâm hồn
tôi, cái tâm hồn hèn mọn và nhẫn nại của giống nòi - của cả đồng
ruộng nghèo nàn và bạc bẽo phủ sương chiều. Tôi không muốn một bài ca hùng hồn,
hăng hái, đầy những công việc xuất thế, anh hùng, bởi vì không phải thật là như
thế. Tôi nhận ra cái hèn mọn, nghèo nàn kia, nhận một sự buồn mà người ta phải
chịu vậy, nhưng mà tôi yêu mến, thiết tha cái linh hồn thật của đất nước ấy, là
linh hồn của tôi, có những ràng buộc chặt chẽ, những rung động thẳng ngay đến
bên trong. Cái giọng hát quê mùa, không có gì là cao quý nhẫn nại, không có gì
là siêu việt, là cái giọng hát đã làm cảm động những người cùng giống với tôi,
những người sống chật vật, khó khăn, nhưng mà vẫn vui vẻ, vẫn tin trời, không
ghen ghét mà cũng chẳng thù hằn ai. Trên manh chiếu rách giải ngay mặt đất đó,
đã diễn ra bao nhiêu lần cái cảnh sinh hoạt của người bình dân Annam. Tiếng
đàn, nhị một điệu nhắc đi nhắc lại, quen thuộc và êm ả, như trên cánh
đồng lúa, ngày lại ngày, năm rồi qua năm khác, đem lại cũng chừng ấy công việc,
chừng ấy vui buồn.
Đường, chợ chúng ta sẽ vắng lạnh, nếu không còn giọng ca hát nữa.
*
* *
Làn khói rắc buổi chiều ở đầu làng, vì không có gió đưa, nên là là sát
mặt đất để lẩn vào dải sương mù bắt đầu rơi xuống cánh đồng. Tiếng ếch nhái
xanh rờn trên ruộng mạ. Và bóng người dãi qua cái quán gạch giữa cánh đồng, cái
quán gạch giờ này trơ vơ và lạnh lẽo.
Bạn có nhận thấy cứ đến buổi chiều sương phủ, những làng mạc xa xa hình
như thu bé lại, thấp xuống, thấp xuống để lẫn với đất ruộng, còn cánh đồng mênh
mang bóng tối thì từ từ dâng lên ngang với chân trời? Giờ khắc ấy, ở đâu ra mà
khắp cả, trên dưới và khắp bốn phương, hình như tiết ra ở cảnh vật, ở cây cỏ, ở
ruộng nương, một nỗi buồn thấm thía, không đâu, một nỗi buồn vừa chán nản vừa
chua xót, khiến người ta bỗng dưng thấy lạnh lẽo, thấy lẻ loi? Tranh giành,
chiến đấu bấy giờ thấy vô ích và quá sức yếu ớt của mình. Phải dễ dãi, phải
thân mật, để được gần gụi người khác cho thêm ấm cúng.
Đó là cái mạch buồn riêng của đất nước nhà, âm thầm như dòng suối dưới nội
cỏ, cái mạch buồn hiu hắt chảy trong sông, hay xa xôi theo dải đê đến tận chân
trời. Cảnh của ta tuy nhiều nơi thật là đơn sơ, bằng phẳng, nhưng có vẻ riêng
biệt cám dỗ chúng ta. Chúng ta tha thiết mến yêu có lẽ vì cảnh vật như một tấm
gương, và chúng ta thấy chiếu vào trong đó hình ảnh và tâm hồn của chính chúng
ta.
Chúng ta nghèo nàn, nhưng chúng ta biết sự nghèo nàn ấy.
*
* *
Dọc đường cái quan, ngày xưa, còn có chiếc cầu dịp đá, và bóng đưa của
những cái cáng xanh. Những ngày rực rỡ, còn có võng lọng tưng bừng của một ông
nghè về vinh quy, với cô gái quê má lúm răng đen, gọn mình trong chiếc võng, âu
yếm nhìn ông tân khoa, chồng ta, và do công ta thức khuya dậy sớm hái dâu dệt
lụa để chàng ăn học.
Bây giờ những cái đó đã mất rồi, mà trên đường, chúng ta chưa có cái gì
khác thay vào. Chúng ta đi, hai bàn tay trắng.
Văn bản
trích từ tuần báo Chủ nhật, số ra 16/11/1940 (Chủ Nhật là cơ quan của Tự lực Văn đoàn ra
đời sau khi Ngày Nay bị đóng cửa nhưng cũng chỉ
tồn tại một thời gian ngắn).
MỘT CÁCH TÌM VỀ DÂN TỘC
Khi nói đến thời tiền chiến, nhiều người chỉ nghĩ đó là thời kỳ xã hội
ta “Âu hoá”, hội nhập với thế giới hiện đại. Thế nhưng những năm tiền chiến -
và nhìn rộng ra, cả mấy chục năm đầu thế kỷ XX - cũng chính là thời gian mà,
được sự gợi ý của Âu hóa, ý thức dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các
nhà trí thức chia nhau gánh vác những công việc một dân tộc muốn tự hiểu mình,
tự biết mình, bắt buộc phải làm: Viết lại lịch sử. Sưu tầm thơ văn cũ. Nghiên
cứu về tục ngữ ca dao, về tranh dân gian, về ca trù. Bàn lại về Cung
oán, về Truyện Kiều v.v... Việc gì cũng được làm một
cách thận trọng. Riêng các nhà văn nhà thơ cũng đóng góp vào việc này theo cái
cách của riêng mình. Có người viết truyện theo lối tiểu thuyết hoá các sự kiện,
các nhân vật đã sống cách đây vài thế kỷ. Có người ghi lại những nếp sống cổ
truyền đang dần mai một. Có người đưa vào thơ mình cái hồn thơ dân gian duyên
dáng, trữ tình...
Có thể nói trong suốt trường kỳ lịch sử, chưa bao giờ sáng tác văn
chương lại trở nên gần gũi với đời sống bình thường của xứ sở như lúc này.
So với một số đồng nghiệp trong Tự lực Văn đoàn, trên đường
trở về với dân tộc, có vẻ như Thạch Lam không có nhiều may mắn trời cho. Ông
không có cái vốn dân gian bền chặt như Tú Mỡ, cũng không biết chữ Hán và thuộc
nhiều sử sách cũ như Khái Hưng. Trong khi một người như Nhất Linh còn có lúc
viết một thứ văn nghiêng hẳn về quy phạm cũ (Nho phong, Người quay tơi)
thì Thạch Lam, ngay từ lúc xuất hiện, đã bộc lộ một cốt cách Tây học không giấu
vào đâu đuợc. Chỉ cần quan sát kỹ câu văn của Thạch Lam, người ta có thể nhận
ra sự gần gũi của ông với nền văn chương tiếng Pháp rõ rệt đến độ nào.
Nhưng Thạch Lam là một nghệ sĩ bẩm sinh, hơn thế nữa, một nghệ sĩ được
đào luyện chắc chắn về văn hoá. Một người gọi là thấm nhuần văn hoá thực thụ,
một trí thức chân chính, dù lớn lên trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ nặng lòng với
cái dân tộc đã sinh ra mình, cũng muốn trở về với cội nguồn, và có những xúc
động sâu xa trước đời sống quê hương, nhất là khi quê hương đó đã phải chịu
đựng nhiều đau khổ.
Và chúng ta, nếu chăm chú đọc lại Thạch Lam, sẽ thấy một vương vấn
thường xuyên về dân tộc, như một ám ảnh. Ông để tâm suy nghĩ về quê hương, làng
xóm, những người lao động nghèo túng vất vả, những nét phong cảnh như ngưng
đọng tự bao đời. Và ông viết về những nét đẹp của quê hương như trong bài Tranh
Tết mà sau đây bạn đọc sẽ đọc.
Với cái nhìn ngả sang xã hội học, trước tiên Thạch Lam tìm thấy ở những
bức tranh tết (ở đây là tranh Đông Hồ) một ý nghĩa nhân sinh rõ rệt. Ông yêu nhất
ở tranh ,cũng như ở cuộc đời thường, cái vẻ mộc mạc. Ông ân cần nhận ra rằng
giữa người làm tranh và những người dân thường chẳng có sự khác biệt là bao,
nhờ thế các tranh có được cái vẻ sống thật, nó là cái thi vị riêng mà chỉ các
tác phẩm dân gian mới có. Còn như cái việc phần lớn các tác phẩm ấy mang tính
cách khuyết danh, lại được ông xem như một nét đẹp; “Trong sự giấu tên kín
tiếng của các nghệ sĩ xưa ấy, có một cao quý và trong sạch đáng yêu”.
Song nói vậy, không có nghĩa là Thạch Lam chỉ biết có mơ mộng. Trong một
bức tranh quen thuộc như Đám cưới chuột, ông ghi nhận một triết lý
dân gian: nhẫn nhục chịu đựng, thích ứng để sống. Người ta cảm thấy khi viết
những lời bình luận về bức tranh này, ở Thạch Lam vừa thoáng qua một nụ cười
vui, tự hào , vừa có một nỗi âm thầm đau xót, thông cảm.
Cái khó của một nhà văn khi viết về hội hoạ là phải diễn tả phải diễn ra
bằng lời những điều nhà nghệ sĩ đã miêu tả bằng đường nét và màu sắc. Cũng là
một điều dễ hiểu khi Thạch Lam đôi lúc tỏ ra lúng túng, và chắc chắn ông không
bằng lòng với mình. Có điều, chỉ qua mấy câu bàn kỹ vào giá trị nghệ thuật của
tranh dân gian, Thạch Lam vẫn tự chứng tỏ là ông hiểu khá kỹ về nghề vẽ và nhất
là có một mỹ cảm tinh tế. Ông xa lạ với những gì vụng về, giả dối, lộn xộn. Ông
thích những giá trị lâu bền. Khi Thạch Lam viết rằng “cái nghệ thuật
phải tự nhiên và thật” thì đó không phải là nhận xét riêng của ông về tranh
dân gian: đấy cũng là những tiêu chí nghệ thuật mà nhà văn này theo đuổi và đã
có dịp bộc lộ qua các sáng tác.
Trong cái mỹ cảm tinh tế ấy của Thạch Lam, người đọc hôm nay nhận ra một
phần quan niệm về cái đẹp của ông cha ta, của người Việt chúng ta nói chung. Và
như vậy, đã có thể nói là trên con đường tìm về dân tộc, Thạch Lam (với cái vốn
văn hoá Tây phương như đã nói ở trên) cuối cùng vẫn là một trong những người
tới đích sớm.
TRANH TẾT
Những tranh ngày Tết người ta bán nơi nhà quê kẻ chợ. Đó là những tranh
khắc gỗ, do mấy làng làm. Tranh vẽ nhiều cảnh, tất cả cuộc sinh hoạt của thôn
xóm Annam, những bà mẹ và trẻ em thường gọi là “tranh gà lợn”.
Đó là những tranh rất cổ của ta.
Những bản gỗ của các tranh ấy không rõ có từ bao giờ, và do ai vẽ. Trong
sự giấu tên kín tiếng của các nghệ sĩ xưa ấy có một cao quý và trong sạch đáng
yêu. Đó hẳn là những người bình dân vẫn sống chung lộn với những người khác
trên đồng ruộng, cùng sống một cuộc đời, cùng làm những công việc im lặng và
khó nhọc. Họ không biết họ là nghệ sĩ, và có lẽ, nếu không có một trường hợp
nào đó, một kích thích gì đột nhiên, họ suốt đời không bao giờ vẽ cả.
Những người đó vẽ với tất cả tâm hồn của họ. Vẽ đối với họ tức là sống
lại ngay chính cái đời họ sống. Những cảnh đồng ruộng, các công việc cày cấy,
những cảnh trong gia đình hay ở sân sau, được hoạ trên giấy một cách rất linh
động và đúng nét. Cái khoa học dáng điệu của họ - nếu có thể
gọi được thế, một sự tự nhiên, không xếp đặt trước - thật là
lạ lùng. Dáng điệu của người cày ruộng, người quạt thóc v.v... như sống thật.
Tất cả cái thi vị, một mạc và đơn sơ của đồng ruộng, phô diễn trên giấy. Những
gia súc, vì họ sống gần gụi và thân mật với chúng, trong nét hoạ cũng trở nên
thân mật như thực. Cả đến các gia thần, ông Táo Quân, ông Thổ Công, cũng chỉ là
những người cùng sống chung dưới một nóc, có liên lạc mật thiết đến cuộc đời
của người.
*
* *
Những nghệ sĩ Annam của thôn quê đó còn cả cái giễu cợt khôi hài ý tứ và chân
thật nữa. Trong bức tranh “Đám cưới chuột”, hay “Ông
đồ ếch và học trò” có thấm thía một cái duyên vui và rộng lượng.
Những người giản dị ấy không mất lòng kính trọng của họ đối với mọi việc. Cái
roi mây trong tay ông đồ hay cái hoả lò để quạt nước cho thầy biểu hiện tất cả
cái tinh thần cốt yếu của buổi học, cùng một lúc với cái khôi hài thân mật của
người vẽ.
Trong cảnh “đám cưới chuột” tôi thấy sự mềm dẻo
và, quen đi, dai dẳng của cuộc sống. Bao nhiêu triết lý trong việc dâng biếu cá
cho chú mèo! Tất nhiên là muốn được an hưởng thì phải đút lót; trước khi đám
cưới đi, người ta đã trù tính rồi. Mới đầu còn là sợ hãi bắt buộc, rồi sau mãi,
biết đâu lại không thành quen đi, và lấy làm sung sướng và vui vẻ nữa. “Ngài” sẵn
lòng nhận cá, thế là ơn huệ rồi.
*
* *
Tôi muốn dừng lại lâu hơn ở những cảm tưởng mà các tranh tết ấy đã dậy
trong trí tôi. Không phả là hoạ sĩ, tôi e sự phán đoán về màu, nét của tôi
không đủ đúng đắn. Những bức tranh mộc mạc ấy, ngày tết, trang hoàng cho vách
đất, cửa phên ở thôn quê, chỉ là hình cảnh của cái đời ấy. Những màu tuy tươi
thắm mà cổ xưa, màu cánh sen, màu xanh lá mạ, là bài ca hát của người và vật
truyền nhau trên đồng ruộng: cái gì tựa như một tục lệ hằng năm nhắc lại, mà
không vì thế mất vẻ đáng yêu.
Tôi ước ao những tranh ấy cứ còn mãi. Những bản gỗ ấy bây giờ còn ở làng
Hồ (Bắc Ninh). Hình như còn vài làng nữa, tôi không nhớ tên. Những màu sắc đều
lấy trong thảo mộc cả. Bởi vậy không có cái sắc lánh và lạnh rắn của kim loại,
vẫn dịu và mát tuy rất tươi. Màu đen rất ấm cúng, êm như nhung, và màu trắng
thì ánh như xà cừ.
Mấy năm gần đây, đã có thấy các chợ bày những tranh lối mới, vẽ những
cảnh bây giờ. Nhưng vụng về và giả dối, thật rõ cái không trật tự, sự lẫn lộn
của các giá trị ở buổi này. Không phải ai cũng có thể vẽ được những tranh đẹp
như cũ. Phải cần một hoạ sĩ mà tâm hồn cảm thẳng ngay với cảnh vật của đất
nước, không cần đến sự môi giới của trí thông mình. Cái nghệ thuật phải tự
nhiên và thật.
Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí mấy năm trước đây có khắc vài bản gỗ mà hoạ sĩ gọi
nhũn nhặn là một “cuộc thí nghiệm”. Với tôi, sự thí nghiệm
ấy đã thành công đầy đủ rồi. Trong mấy bức chụp đây, người ta thấy rõ hoạ sĩ đã
đi đúng đường. Dáng điệu và các nét thật linh hoạt và phơi phới. Tôi không thể
nói hết được cái giá trị cao về nghệ thuật.
Một hương vị cổ kính và mãi mãi hiện ra trong các tranh ấy. Cử chỉ của
cô bé đội lá sen trên đầu để che mưa có tính cách gì bình dân và Annam lắm. Và
cây bàng lá thu che bóng cho chị hàng rươi tự bao nhiêu năm trở lại.
*
* *
Những tranh Tết kia là hình ảnh bằng màu sắc của cuộc sống Annam, cũng
như những câu ca dao là hình ảnh thơ điệu. Hai nghệ thuật cùng một nguồn và
nghệ sĩ nọ có khi là nghệ sĩ kia. Sống cùng một màu đất và cùng một gió mùa, họ
lưu truyền cái gì là sâu sắc, bền chặt và tinh tuý nhất trong tâm hồn chung của
dân gian, yên tĩnh hay biến đổi, nhưng biểu lộ trong tất cả trạng thái có khi
rất nhỏ nhặt của cuộc đời.
XXX*
*Bài
viết trên đây của Thạch Lam được viết ra đầu xuân 1941. Năm đó, cả Phong Hoá, Ngày Nay đều đã đình bản, tờ Chủ nhật ra được mấy số cũng
bị rút giấy phép, nhóm Tự lực không còn báo trong tay, đành phải tổ chức một đầu sách gọi là Sách tết Đời nay. Lạ một điều là trong cuốn sách 48 trang khổ to
như báo ấy, các tác giả Thế Lữ, Khái Hưng đều không ký tên thật của mình sau
các bài viết. Và Thạch Lam cũng vậy. Chúng tôi chỉ căn cứ vào giọng văn và nội
dung bài viết mà khôi phục lại tên tác giả.
[2] Để giữ nguyên màu sắc lịch
sử của tác phẩm, chúng tôi giữ nguyên những chữ như Annam (mà không thay bằng
Việt Nam). Song các lỗi chính tả thì đã chữa, để phù hợp với chính tả tiếng
Việt hiện hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét