Giữa đêm tháng 2
trời còn thật nóng vì chưa vào mùa mưa, tôi chợt thức dậy vì những tiếng sét và
những giọt mưa nặng hột rơi trên mái nhà. Tôi nhổm dậy bật đèn trông ra cửa sổ,
ngồi bất động một lúc lâu nhìn cơn mưa lớn đổ xuống những mái nhà tranh xiêu
vẹo hay vài ngôi nhà gạch đổ nát ở khu phố trước mặt, trong lòng thảng thốt niềm
vui trẻ thơ thấy cơn mưa đầu mùa của Lomé (thủ đô của xứ Togo thuộc Tây Phi, nơi tôi đang làm việc
ngắn hạn), như món quà chờ đợi đã lâu.
Quả thật trời Lomé
nóng quá, cái nóng thiêu đốt từ vài tháng nay vì trời hạn hán, nỗi mong đợi của
mọi sinh vật là những giọt mưa. Trời nóng và ẩm gây cảm giác hừng hực suốt ngày,
đất đai khô cằn và những bãi ruộng ngô cháy úa vàng vì thiếu nước (bột bắp làm
món thực phẩm chính ở Togo để làm thành những
miếng bánh giống như bánh đúc ngô ăn chung với thức ăn khác, như cơm là món căn bản của xứ mình), hay nhìn thằng
bé chăn đàn cừu gầy cố đi tìm bóng mát của một gốc cây. Đó là những hình ảnh
đợi mưa của xứ nghèo này!
Những giọt mưa
trên vùng lục địa Phi Châu không mang tính chất lãng mạn gây cảm hứng cho các
văn thi sĩ trong một áng văn chương tuyệt tác. Mưa ở đây là phép lạ của Thượng
Đế cho sự sinh tồn, cho miếng ăn hàng ngày của đa số đám người lam lũ trồng ngô
bắp, khoai mì, cho những vườn cà phê hay ca-cao cố đạt mức sản xuất tối thiểu
vì là nguồn sinh lợi xuất khẩu của nhiều xứ Phi.
Mùa mưa chính
vào tháng tư cũng là niềm hạnh phúc vô biên vì sẽ làm giảm cái nóng từ miền lục
địa sa mạc Sahara thổi ra, làm bớt đi những bệnh tật như sốt rét kiết lỵ, những
cơn bệnh hoành hành lúc con người đang bị yếu sức vì cái nóng hàng ngày và sự
lộng hành của đám ruồi muỗi. Số lượng mưa hàng năm là yếu tố chính mức sản xuất nông nghiệp, quyết định sự thành
công hay thất bại của những chính sách kinh tế hay đẹp đề ra trong các tập tài
liệu hoạch định phát triển kinh tế.
Nằm trong vấn đề
chuyên môn của công việc hàng ngày, tôi và một số bạn đồng nghiệp đại diện một
số tổ chức quốc tế ở đây thường hay họp nhau để bàn về các biện pháp kinh tế
tài chính “cố vấn” cho giới hữu trách của quốc gia này.
Ban đầu vài anh
chuyên viên trẻ với mớ kiến thức dầy cộm
chưa kịp tiêu hóa từ các trường đại học Âu Mỹ rất hung hăng với các lý
thuyết cao xa thường được áp dụng trong các nước tiền tiến kỹ nghệ, nhất định
đem ra đề nghị áp dụng với chính phủ địa phương. Người xứ họ thường trợn trừng
mắt ngạc nhiên hoặc phản đối nếu thấy mức đề nghị của các “cố vấn” đi quá đà
đặt thành điều kiện viện trợ hay cho vay trong các dự án phát triển.
Nhưng chỉ sau một
thời gian, chúng tôi đều học chung bài học là mặc dù một số biện pháp thuế khóa
tài chính có thể ích lợi về vài phương
diện điều kiện hóa sự phát triển, yếu tố chính của mức tăng trưởng tổng sản
lượng quốc gia hàng năm vẫn là các điều kiện thiên nhiên, nói giản dị làm mực
nước mưa hàng năm. Với kinh nghiệm mới học từ xứ người, mặc dù vẫn cố gắng
trong các dự đoán dữ kiện kinh tế của công việc hàng ngày, chúng tôi chờ đợi
các cơn mưa đến sớm và đều đặn để biết ẩn số lớn nhất của đời sống kinh tế địa
phương từng năm.
Từ vài tuần nay,
tôi đã băn khoăn hồi hộp nhiều trong
những dịp thảo luận về các chính sách kinh tế với các chuyên viên bản xứ. Để
đối phó với mức lợi tức xuất khẩu giảm sút do sự sụt giảm trầm trọng của giá cả
quốc tế cho các món hàng sản xuất chính như phốt phát để làm phân bón, cà phê,
hay ca cao làm kẹo sô-cô-la, đồng thời
với áp lực của sự trả nợ vẫn lên cao dần mỗi năm của các nước nghèo, một vài tổ
chức kinh tế quốc tế đã đề nghị những chính sách cải cách và đáp ứng kinh tế
nhằm vào những biện pháp khắc khổ để tăng thu và giảm chi.
Đấy là đề nghị
lý thuyết mong đợi, nhưng nếu thiếu mưa và hao hụt mùa màng, mức lợi tức sản
xuất và tiêu thụ đầu người đều thụt xuống dưới mức độ tối thiểu, liệu chương
trình thắt lưng buộc bụng này có áp dụng nổi không và có nghĩa lý gì không?
Trong mối băn khoăn đó, tôi không tự tin lắm trong công việc hàng ngày, thấy có
gì bất ổn trong những lời đề nghị của mình mỗi lúc bàn cãi công việc với giới
hữu trách. Sự lương thiện nghề nghiệp không cho phép mình nhắm mắt đề nghị vu
vơ, khi biết ẩn số chính vẫn là những cơn mưa, những giọt nước sẽ đem lại màu
mỡ phì nhiêu cho đám ruộng khô, đem lại sức sống cho nhóm nông phu hàng ngày cầy bới gieo hạt và kiên nhẫn chờ
đợi.
Vì thế khi cơn
mưa đổ xuống bất ngờ giữa đêm, tôi đã thức dậy với nỗi xôn xao cảm động và sự
bình yên kỳ lạ trong tâm hồn. Tôi không còn cảm giác bỡ ngỡ của người ngoại
cuộc, nỗi lạc lõng của một chuyên viên ngoại quốc thấy mình xa lạ giữa những
người dân địa phương khác màu da tiếng nói, dù cùng chung thân phận nhược tiểu
đang cố vùng lên giữa các thử thách
thiên nhiên hay nhân tạo để ra khỏi vòng chậm tiến.
Ngày xưa lúc còn
nhỏ ở quê nhà, chỉ được sống trong cảnh thành thị với gia đình, hoàn cảnh chiến
tranh loạn lạc ít được về vùng quê, tôi sinh ra và lớn lên trong một nước nông
nghiệp mà hoàn toàn mù tịt không biết gì về đời sống thực sự của miền quê và sự
vật lộn mưu sinh của người nông dân. Tôi không bao giờ biết đến ý nghĩa thiêng
liêng của những giọt mưa, ngoài những vui đùa thơ ấu chạy chơi nghịch ngợm trời mưa hay sau này lúc mới lớn ở tuổi 16-
17 biết tập tành nhìn mưa rơi để làm thơ hay viết văn, theo đòi hình ảnh rất
lãng mạn của các đàn anh với thú nhìn mưa qua khói thuốc lá!
Ngồi đây buổi
sáng nhìn mưa trong bầu trời Phi Châu khi thăm viếng xứ họ, tôi nhớ xót xa
những cơn mưa dài lê thê của Việt Nam. Bây giờ với hoàn cảnh còn khó khăn ở
nhiều vùng nông thôn xứ tôi, và hình ảnh lam lũ của nhiều người còn phải cố
giựt lại mảnh đất của mình để sống, để cày kiếm miếng ăn vất vả, mặc dù lịch sử
quê hương tôi vẫn tự hào là vựa thóc của thế giới. Tất cả trạng huống thống khổ
đó đâu phải hoàn toàn vì thiếu những giọt mưa?
Nhưng tôi vẫn chợt
mong những giọt mưa thân yêu kia của quê người tạm dừng để đưa những đám mây
đen của trời Phi về bên kia vòng địa cầu, gặp lạnh tỏa xuống thành những cơn
mưa lớn cho bờ ruộng lúa cằn cỗi nào đó của quê nhà, ở những nơi mà sự thiếu ăn
chỉ hoàn toàn vì chờ một cơn mưa!
Phạm Đỗ Thăng
Long
Lome, Togo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét