Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Những người bạn đã ra đi

Trong suốt 12 năm học tại đại học Laval, tôi đã có được may mắn quen biết ít nhiều với hầu hết các anh chị em sinh viên của "đại gia đình Laval", đến từ 4 vùng chiến thuật của đất nước Việt Nam Cộng Hòa. Giờ đây tôi xin mượn Đặc San Đất Lạnh Họp Mặt 2017 để ghi lại ít nhiều những kỷ niệm mà tôi đã có được với một số lớn những anh, chị đã ra đi!


Sư cô Thanh Quang, tức chị Trần thị Hoa 
Như có lần tôi đã kể: Vào đầu tháng 9 năm 63, nhóm Colombo chúng tôi đang chờ đợi visa xuất cảnh, nhưng vì thủ đô Saigon lúc ấy đang chờ đợi một cơn "biến động dữ dội" nên bộ nội vụ ngưng cấp visa! Vào một buổi chiều, trong lúc nôn nóng chờ đợi giấy xuất cảnh, tôi cùng anh Phạm Đình Chi đã tìm đến gặp chị Hoa để hỏi thăm tin tức. Cũng may, vài hôm sau chúng tôi đã nhận được visa, và nhóm chúng tôi kể cả các bạn đi Montréal và Sherbrooke đã lên đường.

Chị Hoa
Trong cả nhóm, chị Hoa có dáng dấp một bậc đàn chị, luôn tươi cười điềm đạm. Năm học đầu tiên vì chị Hoa và hai bạn khác học ngành canh nông nên chị học chung với nhóm còn lại có một cours chimie. Một kỷ niệm tôi luôn nhớ mãi: vào mùa nghỉ Noel năm đầu tiên, niên trưởng Bùi văn Rê mới vừa sắm một chiếc xe hơi mới tinh màu trắng, anh Rê đã đề nghị với chị Hoa rủ thêm vài tên trong nhóm làm một cuộc du hành lên Montreal chơi. Lúc ấy hình như xa lộ 20 cũng vừa được xây cất xong. Trong mấy năm học hành tôi chỉ thỉnh thoảng gặp chị trong những họat động của Hội chúng ta, mãi thời gian lâu sau tôi có nghe tin chị Hoa đã xuất gia qui y nơi Chùa Bồ Đề. Chúng ta chắc vẫn còn nhớ, vào lúc thiên tai "sóng thần" tàn phá Thái Lan và Ấn Độ, sư cô Thanh Quang đang hành hương tại một số chùa bên Ấn Độ. Lúc ấy gia đình sư cô cùng bạn bè đã rất lo lắng cho sư cô, cũng may một thời gian ngắn sau sư cô đã bình yên về lại Québec. Sau kỳ Họp Mặt 2007, chúng tôi cùng một vài anh chị khác đã lên chùa Bồ Đề lạy Phật đồng thời cũng để vấn an sư cô sau nhiều năm không gặp. Với thời gian, nụ cười hiền hậu thuở xưa vẫn luôn tươi nở trên khuôn mặt đầy thánh thiện. Những lời chúc Niệm Phật của sư cô trong lúc chia tay tôi luôn ghi khắc.


Anh Võ Ngọc Bá - Anh Phan Công Luận - Anh Trần Văn Dần.
Vào đầu tháng chín năm 63, nhóm Colombo chúng tôi vừa bước xuống sân ga xe lửa Québec, ở khu St-Rock, thì đã được tiếp đón rất nồng hậu bởi một phái đoàn đông đảo các anh chị sang trước, trong đó có anh Võ Ngọc Bá mà tôi đã quen biết trước vì là đồng môn của trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ tho, và anh Phan Công Luận trên tay cầm một cây dù đen.

Võ Ngọc Bá & Phan Công Luận
Anh Bá đã chỉ dẫn cho tôi nhiều kinh nghiệm sống nơi miền Đất Lạnh Tình Nồng. Tôi còn nhớ vào giữa tháng 10 năm ấy, sau khi ăn trưa ở Pollack xong tôi vội trở lại lớp học ở Pav. Vachon. Vừa ra ngoài sân, tôi đã ngước nhìn lên bầu trời để chiêm ngưỡng những bông tuyết đầu mùa, ngay lúc đó anh Bá cũng vừa đi tới, anh cũng thích thú hỏi tôi cảm giác ra sao khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy tuyết rơi...Vậy mà tôi đã không ngờ rằng từ hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi lần nhìn thấy những bông tuyết rơi đầu mùa tôi lại nhớ đến câu hỏi của anh Bá năm nào, và bây giờ thì tuyết rơi tuy vẫn đẹp nhưng có phần lạnh lẽo hơn. Tết năm 64, tôi đã có dịp cùng anh Bá và các đồng môn khác góp phần trong ban hợp ca của anh trưởng ban văn nghệ Lê Khắc Huy. Sau khi ra trường năm 64, anh Bá, một lần nữa đã đi du học tận Toronto. Mãi cho đến hè 67 thì anh về lại Laval, đúng lúc hiền đệ Võ Ngọc Đỉnh của anh vừa mới qua, và cũng từ đó Ban Du Ca đã nhen nhúm thành hình với những buổi "văn nghệ bỏ túi" thật vui nhộn ở appartement của anh Bá. Sau năm 75 thi mọi người một nơi, mãi cho đến lần Họp Mặt năm 97, cũng như những lần Họp Mặt của Hội Cựu Học Sinh Mỹ tho tôi mới có dịp gặp lại anh Bá vài lần.


Trong niên khóa 63-64, anh Luận đã mua một chiếc xe hoa-kỳ thật lớn, và có lẽ nhờ chiếc xe ấy mà anh đã đứng ra lập một "Club Social" hay nói nôm na là một Club "nhảy đầm" vào mỗi tối thứ bảy tại cantine của Pav. Pouliot, mục đích là để cho các sinh viên ngọai quốc như chúng ta có dịp làm quen với những "kiều nữ" người bản xứ. Tôi vẫn còn nhớ câu nói quen thuộc của anh Luận nói với nhóm "lính trẻ" tụi tôi rằng: Các anh nên hăng hái đến Club Social để làm quen với những người đẹp bản xứ để tập nói tiếng Pháp cho dạn dĩ và trôi chảy. Khổ nỗi, tụi tôi, ngoại trừ hai bạn TKThoại và Nguyễn Dương, đâu có đứa nào biết nhảy đầm là gì! Cũng may, lúc ấy chúng tôi đã gặp được "sư phụ" Đỗ văn Đức, một người đã có nhiều kinh nghiệm lịch lãm về nhảy đầm từ lúc còn ở Sài Gòn, anh Đức đã tận tình hướng dẫn chúng tôi, nên chúng tôi đã dám gồng mình bước vô Club Social, và sau đó đến sous-sol Pollack vào những chiều cuối tuần.
Trần Văn Dần



Vào năm 69, lúc ấy tôi đang dạy học ở CEGEP Chicoutimi, tôi lại có dịp gặp lại anh Luận, vừa bắt đầu dạy tại UQAC. Vào đầu thập niên 80 tôi lại được hân hạnh làm đồng nghiệp với anh Luận trong vài năm và tôi đã được hãnh diện lây vì anh Luận rất nổi tiếng trong lảnh vực nghiên cứu. Và trong những năm ấy tôi cũng thường chuyện trò với anh mỗi khi anh đến thăm gia đình cô em gái, nhà rất gần nhà chúng tôi lúc bấy giờ.

Trong khi đa số các sinh viên lúc bấy giờ đều học ở Pouliot hay Vachon, thì anh Trần Văn Dần học bên Agriculture nên tôi ít có dịp gặp anh. Chỉ thỉnh thoảng gặp anh ở Café. Pollack hoặc trong Club Social hay sous-sol Pollack, hoặc trong những kỳ họp mặt thường niên hay vào dịp Tết của Hội chúng ta.


Anh Đỗ Xuân Đài - Bạn Vũ Kiện.
Lúc mới đến Laval tôi đã nghe danh tiếng của anh Đài học rất xuất sắc, lại thêm có một giọng ca cao vút, anh đã từng là một giọng ca 'vàng' của Hội chúng ta vào thời bấy giờ. Vào dịp Tết năm 64 tôi đã được hân hạnh đứng chung với anh và các anh khác trong bản hợp ca Đón Xuân, và đặc biệt là cùng bạn Vũ Kiện thực hiện điệu múa "Trấn thủ lưu đồn",

một điệu vũ dân tộc thịnh hành ở miền Bắc. Anh Đài thủ vai người em gái hậu phương trong chiếc áo tứ thân, bạn Vũ Kiện và tôi đóng vai hai chàng lính thú thời xưa, đầu đội chiếc nón lá che nắng che mưa, lưng đeo một thanh kiếm bằng gỗ trông thật oai! Những anh lính thú đã giãi nắng dầm mưa để trấn giữ biên cương chống giặc xâm lăng từ phương bắc! Nhờ tài đạo diễn chuyên nghiệp của bạn Vũ Kiện, điệu múa đã đạt thành công trong dịp Tết năm ấy. Sau lần hợp tác vui vẻ đó, giữa tôi và anh Vũ Kiện dường như đã tạo được một tình "đồng đội" có thể xem như giống trong quân ngũ vậy. Mỗi lần có dịp gặp nhau chúng tôi vẫn xưng hô mày mày-tao tao và kể cho nhau nghe những chuyện trên trời dưới đất...Vào cuối hè năm 66, tôi đã có dịp cùng với một vài anh chị tham dự "đại hội hè của sinh viên công giáo" được tổ chức tại Boston. Để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ bế mạc đại hội, do một tình cờ tôi được xem một số các anh chị bên ấy tập dượt đúng ngay vở múa "Trấn thủ lưu đồn", và có một vài chi tiết của điệu múa các bạn ấy không nắm vững được. Thế là tôi đã làm tài lanh đem những điều tôi đã học từ bạn Vũ Kiện chỉ lại cho các anh chị ấy. Về sau khi gặp Vũ Kiện tôi đã xin lỗi đã ăn cắp bản quyền của bạn, nhưng bạn đã cười ha ha và khen tôi làm tốt lắm (giống như thể là anh rất bằng lòng tôi đã đem chuông Laval sang đánh vang rền bên đất Mỹ). Sau khi ra trường anh Vũ Kiện đã về Việt Nam làm việc.

Cho đến cuối hè 75, tôi đã có dịp gặp lại bạn Vũ Kiện trong gym của PEPS, lúc ấy Kiện vừa cùng gia đình di tản trở lại Quêbec, Vũ Kiện bảo là sẽ học lại một ngành nghề mới để kiếm sống... Mãi tới lần Họp Mặt Laval năm 97, lúc đang ghi danh tôi gặp lại Vũ Kiện đang đi cùng một anh bạn khác, Kiện vui mừng hỏi tôi "Tâm mày có nhận ra ai đây không?" Tôi đã moi trí nhớ một hồi lâu mới nhận ra là anh Đỗ Xuân Đài, vẫn với nụ cười rất thân thiết bạn bè, và chúng tôi đã hàn huyên bao nhiêu là chuyện xưa và nay. Đó cũng là lần cuối tôi đã được gặp lại hai anh!


Anh Võ Hồ Hải - Anh Tăng văn Trường
Minh & Trường
Cả hai anh cùng thuộc promo 65. Tôi thường có dịp gặp anh Hải ngồi ở cantine (câu lạc bộ của phe ta) Pouliot. Vào mùa đông anh thường hay mặc một par-dessus nỉ xám với cổ áo kéo lên cao, đó là mode của những nam tài tử nổi tiếng của Pháp thời bấy giờ, chẳng hạn như Alain Delon hay JPBelmondo. Thỉnh thỏang cũng gặp anh ở Club Social do anh Phan Công Luận tổ chức, hoặc ở sous-sol Pollack vào tối thứ bảy. Vào năm 76 khi tôi về dạy học lại ở Chicoutimi, tôi được biết anh Hải đã bắt đầu dạy tại CEGEP Jonquière từ đầu thập niên 70 và anh dạy học ngành kỹ thuật 'điện' rất nổi tiếng. Có lần chúng tôi ghé Jonquière để thăm anh và chị Louise, vợ anh, cả hai người có một cuộc sống rất 'nghệ sĩ'. Chị Louise thích đàn piano và vẽ tranh, anh Hải thì luôn phì phà ống điếu thuốc, trông thật nhàn hạ.



Tôi thường gặp anh Tăng văn Trường ở cafeteria Pollack hoặc ở sous-sol Parent cạnh mấy bàn billard, nghe nói anh là một nhân viên thường trực tại đó. Anh Trường được bạn bè phong cho chức "sheriff" giống như trong những phim cao bồi của Mỹ, có lẽ vì anh to lớn người và trông oai vệ lắm. Anh Trường đã từng hăng hái tham gia họat động của Hội chúng ta và anh đã giữ chức vụ hội trưởng trong 2 năm. Sau khi ra trường anh Trường về làm việc cho một hãng ở gần Drummondville nên tôi đã có dịp gặp anh một vài lần khi chúng tôi ghé thăm anh Kỷ chị Hương tại Drummondville.


Anh Nguyễn Hùng Dũng - Anh Huỳnh Hớn Kiệt
Kiệt & Dũng
Vào những năm cuối của thập niên 60 và đầu 70, trong những buổi văn nghệ Tết hay những ngày xã hội, chúng ta đã được thưởng thức những bản nhạc quen thuộc của nhóm Beattle do anh Dũng trình bày, thật hay thật sống động. Anh quả đúng là một hình tượng tiêu biểu của tuổi trẻ thời bấy giờ. Đến những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 khi phong trào thể thao nổi lên sôi động, ngoài sân banh chúng ta đã quen thuộc với giọng hò hét cổ vũ sang sảng của Bầu Dũng. Vào những buổi trưa tại "câu lạc bộ" Pouliot, Bầu Dũng thường vác xe đi mua bánh mì baguette culina ở đường St-Foy về "nuôi dưỡng" những cặp chân "vàng" của đội banh Québec, và ngược lại những cầu thủ đá banh cũng gắng o bế ông Bầu dữ lắm. Vào mùa thu 72 anh Dũng cần phải lấy vài cours đặc biệt tại UQAC, nên Dũng lên "ở trọ" tại apt của tôi và anh Mai Xuân Lương, cũng là một cầu thủ cưng của ông Bầu Dũng. Vào những buổi cuối tuần chúng tôi đã là bạn đồng hành với nhau trên lộ trình Chicoutimi-Québec-Chicoutimi trong suốt niên học đó. Tôi vẫn nhớ hoài dáng dấp thật nghệ sĩ của Dũng, tay ôm đàn guitare và hát những bản nhạc trữ tình nổi tiếng thời ấy, nhất là bản nhạc "Kỷ vật cho em".


Có lần tôi đã viết, vào những năm 67, 68, tất cả những bạn bè yêu chuộng môn bóng chuyền thường tụ tập ở gym của Grand Séminaire để tập dượt. Lúc đó anh Kiệt vừa mới sang và đã gia nhập vô gia đình bóng chuyền. Anh quả đúng là dân Taberd, môn thể thao nào cũng rất giỏi, đá banh, bóng chuyền, tennis, bóng bàn...Kể từ đó đội bóng chuyền Québec cũng đã vươn lên mạnh mẽ, và tôi cũng đã có dịp là đồng đội với Kiệt trong những lần thi đấu về sau. Vào mùa hè năm 73, tôi đã về Laval học thêm. Do một sự tình cờ, Kiệt và tôi đều học cùng chuyên khoa: Kiệt học bên génie chimique còn tôi bên chimie. Và chúng tôi đã học cùng nhau một số cours gradués hoặc tham gia những séminaires. Vào những chiều thứ bảy Kiệt hay rủ tôi qua PEPS đánh tennis, sau đó về nhà Kiệt bên Lemieux, cùng với anh Nguyễn Ngọc Sơn, thưởng thức món "giò heo chấm mắm nêm" do cao thủ đầu bếp Lâm Chí Hồ trổ tài. Quả là một tuyệt chiêu, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hương vị đậm đà đó! Đến cuối hè 75, lúc ấy Kiệt vừa mới sắm một chiếc Mustang màu vàng sáng chói. Vừa đúng lúc đám cưới của tôi và bà xã, Kiệt đã xung phong làm tài xế chở tôi đến Lacerte để rước dâu. Chúng tôi luôn nhớ hoài kỷ niệm rất dễ thương này. Hôm họp mặt tại tư gia anh chị Nguyễn Đình Cường ở Montreal, tôi đã gặp lại chị Bích Nga phu nhân anh Kiệt, và tôi đã nhắc lại những kỷ niệm trân quý ấy.

Chị Liên Hương - Minh Anh

Vào mùa thu 68 chị Liên Hương vừa từ Việt Nam sang và chị ghi tên học ngành dược sĩ. Khoảng thời gian đó Ban Du Ca đã được hình thành và hoạt động khá xôm tụ. Sự xuất hiện của chị Liên Hương đã làm cho một trong hai tay đàn guitare, anh Tô Xuân Kỷ, điên đảo ngất ngây tâm hồn. 
Liên Hương
Cũng may, có lẽ chị Liên Hương cũng đã là một fan hâm mộ Ban Du Ca cho nên dần dần rồi hai anh chị Kỷ-Liên Hương đã cùng nắm tay nhau đi trên con đường hạnh phúc, và đã cùng nhau góp công sức rất nhiều cho những hoạt động của Hội chúng ta vào đầu thập niên 70. Chúng ta vẫn còn nhớ vào đầu năm 72, hai anh chị đã cùng hợp tác với hai đầu bếp tài tử khác để dựng nên quán cơm bình dân phục vụ giúp đỡ những sinh viên trẻ mới sang Laval, đa số cư ngụ ở Parent, bởi vậy nấu cơm xong còn phải free delivery vô tận résidence. Quán ăn có một chiêu đề rất đặc biệt "mai ăn mốt mới trả tiền", còn nếu lỡ mà quên trả thì ông bà chủ quán đành xí xóa cười trừ vậy, trông thặt dễ thương!  Có lần tôi ghé ngang trước cửa Parent đã trông thấy Minh Anh, em chị Liên Hương, khệ nệ bưng một túi những hộp cơm vô phân phát tận các phòng của thực khách, còn anh Kỷ thì ngồi đợi trong chiếc xe Volkswagen familial 'ọp ẹp' được dùng để giao thức ăn. Và cũng có một lần tôi ghé qua phòng anh Mohan có chút chuyện, mới bước vô phòng tôi đã ngộp mắt với một chồng hộp plastics, từ trên bàn học cao lên tới tận plafond! Và có lẽ mấy hộp thức ăn ấy cũng chưa được rửa! Đấy cũng là chuyện thường tình của cuộc sống sinh viên độc thân! Nghe đâu quán ăn kéo dài đến cuối năm 72 thì ngưng hoạt động vì ba lý do: thứ nhứt có lẽ vì nguồn vốn đã cạn dần, thứ hai là ông bà chủ quán cũng như hai đầu bếp đều quá bận rộn, và lý do thứ ba, quan trọng nhứt, tại vì chị Liên Hương sắp cho ra đời cháu Sĩ Tô, vào cuối năm ấy. Trong những năm sau đó, vào những buổi chiều nắng đẹp, chúng tôi và anh chị Kỷ-Hương cùng bé Sĩ Tô thường hay đi picnic ở những trạm nghỉ chân trên xa lộ 20, gần làng St. Nicolas...

Sau năm 76, anh Kỷ chị Hương và Minh Anh cùng lên sinh sống ở Drummondville, còn chúng tôi thì về lại Chicoutimi. Về sau thỉnh thỏang có dịp lên Montréal chơi chúng tôi thường ghé qua thăm hai anh chị. Hình như đến cuối năm 79 thì phải, chúng tôi đã nhận được tin buồn, Minh Anh đã ra đi trong khi còn rất trẻ! Sau khi chúng tôi đổi về Kingston thì có ghé thăm anh chị đôi lần trong những chuyến đi công tác về Québec. Cho đến giữa thập niên 2000 thì hay tin chi Liên Hương lâm trọng bịnh! Chúng tôi đã vội đến thăm chị Hương một lần cuối!


Anh Trần Triệu Quân - Anh Mohan
Vào dịp Tết đầu năm 71, ngoài những màn văn nghệ truyền thống ca, múa, kịch...chúng ta đã được thưởng thức màn biểu diễn võ thuật rất ngoạn mục do anh Trần Triệu Quân cùng một số đệ tử đảm trách. Lúc ấy tôi được biết là Quân vừa mới sang Laval vào mùa thu năm 70. Đến đầu mùa đông năm 72, dưới sự chỉ đạo của BCH của Hội chúng ta, do anh Lê Bách Ba làm hội trưởng, anh Trương Phục Quốc là trưởng ban thể thao,

tôi đã có dịp cùng với anh Quân và rất đông đảo anh chị em thuộc nhiều promo khác nhau, tất cả đã cùng nhau góp sức khuân vác cái ngà voi khổng lồ "Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ kỳ II" tại Québec vào đầu tháng 7 năm 72. Khoảng thời gian đó anh Quân đã mở lớp dạy võ tại PEPS. Cũng nhờ vậy, cộng thêm khả năng thuyết phục khéo léo của anh Quân, ban giám đốc của PEPS đã cho Hội chúng ta mượn (không cần chi một đồng nào) tất cả những phương tiện sẵn có: gym lớn gym nhỏ, sân tennis, hồ bơi, sân đá banh bên ngoài...ngoài ra PEPS còn cung cấp cho chúng ta một số trọng tài gần như chuyên nghiệp cho đa số các bộ môn "olympiques". Tất cả những cố gắng của chúng ta đã đưa đến thành công mỹ mãn cho Đại Hội, và đây cũng là một điểm son trong rất nhiều điểm son của các  hoạt động của Hội chúng ta trong suốt 15 năm trước 75. Sau đó tôi cũng được nghe nhiều huyền thọai về cuộc đời võ nghiệp của anh Quân...Cho đến giữa thập niên 90 thì tôi lại biết chuyện không hay xảy đến cho anh Quân tại Hà Nội! Nhân kỳ Họp Mặt năm 97, trong lúc chờ lấy thức ăn, tôi đứng cạnh anh Quân và tôi đã hỏi đùa anh Quân rằng "có phải anh Quân vừa từ khách sạn 5 sao Hilton Hanoi trở về không?" Và anh Quân đã nở một nụ cười tươi, đầy nét hóm hỉnh. Kỳ Họp Mặt 2007 anh cũng đến tham dự nhưng tôi đã không có dịp trò chuyện cùng anh.
Vũ Kiện, Lộ Công Mười Lăm, Trần Triệu Quân
Kể từ đầu năm 70, vì số lượng hồ sơ xin nhập học Laval rất nhiều, nên kết quả cứu xét hồ sơ khá chậm trễ. Trong khi đó đại học UQAC vừa mới được thành lập cho nên hồ sơ được cứu xét nhanh hơn. Vì vậy vào mùa thu năm ấy, trong số nhiều sinh viên trẻ mới sang Chicoutimi, đặc biệt có bốn chàng "ngự lâm pháo thủ" xuất thân từ trường Taberd Saigon: Mohan, Khiêm, Đức (đạo) và Khôi (vừa được tin Khôi đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 6 vừa qua). Lúc đó tôi và anh Mai Xuân Lương là hai chàng độc thân vui tánh nên đã dang tay dẫn dắt các bạn trẻ. Mỗi lần tôi hay anh Lương có dịp về Laval chơi đều cho các bạn quá giang về thăm bạn bè tại Laval. Hình như qua đến mùa thu năm 71 thì đã có các bạn trẻ đã xin chuyển về lại Laval và cư trú tại Parent. Trong khoảng thời gian chuẩn bị Đại Hội Thể Thao, Mohan luôn sát cánh với tôi và cho tôi nhiều ý kiến rất ích lợi. Dường như Mohan cùng với một số đông thanh niên trai tráng đã lãnh trách nhiệm "bảo vệ trật tự" trong suốt 3 ngày đại hội. Sau đó tôi được biết Mohan lập nghiệp tại Montréal cho đến lúc ra đi.

Đồng môn Lâm Chí Công
Nhi, Công, Bình

Vào mùa đông năm 72, hình như vào lúc cuối tuần nên tôi xuống Québec chơi, anh Võ Ngọc Bá tình cờ gặp tôi nên đã nhờ tôi đến phi trường Ancienne Lorette đón hai đồng hương Mỹ tho, cũng là đồng môn trung học Nguyễn Đình Chiểu: Lâm Chí Công và Nguyễn Trí Hiếu. Khoảng thời gian ấy Hội thể thao Québec đang tập dượt ráo riết để chuẩn bị thi đấu trong kỳ Đại Hội Thể Thao vào đầu tháng 7. Thật là một trùng hợp lý thú, "người lính mới" Lâm Chí Công thật đúng văn võ song toàn, đã tham gia vào nhiều bộ môn thể thao cho Hội chúng ta, đặc biệt là đá banh và bóng chuyền. Tôi còn nhớ, vào những buổi cuối tuần, đội bóng chuyền chúng tôi đã vô PEPS tập dượt ráo riết.
Trong mấy năm liên tiếp tôi đã có dịp đứng chung trong đội với Công. Tôi là đấu thủ lớn tuổi nhứt và Công thì lại trẻ nhứt. Bởi vậy trong những trận đấu gay cấn, Công thường hay "lên tinh thần" tôi...để đạt kết quả tốt. Lần sau cùng vào hè 77 đội bóng chuyền chúng tôi đã tham gia Đại Hội tại Montreal do nhóm Rive Sud tổ chức.

Thay Lời Kết
Trên đây là những kỷ niệm thân thương mà tôi đã có với một số anh, chị đã ra đi, và còn một số các anh, chị khác tôi chưa có dịp quen biết nhiều. Tôi xin cầu nguyện cho tất cả được thong dong nơi Cõi Vĩnh Hằng.

Bùi Văn Tâm (promo 63)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét