Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Tạp ghi ngắn: trở về mùa Thu Hoa kỳ


Phạm Thăng Long
1. Năm ngoái tôi viết khi không có mùa thu ở Saigon. Và năm nay trong niềm háo hức, lại thêm chút việc bận, tôi được về hưởng thu trong 2 tuần, trước là Nam Cali rồi sau là Tallahassee một tỉnh nhỏ phía Bắc của Florida.

Mùa thu không rõ rệt hẳn ở Nam Cali dù trời lúc sáng sớm hay buổi chiều có lạnh hơn bình thường. Tôi đi tìm những hàng cây lá vàng hay vài cánh rừng phủ ngập lá phong thì không dễ thấy ở Quận Cam, nơi tôi thăm gia đình và số đông bạn bè CVA cũ. Vẫn lại tưng bừng các quán ăn hay cà phê theo thói quen cùng nhóm bạn, chứ ít thì giờ đi xem cảnh mùa thu (liệu có dám nói Nam Cali không có mùa thu để sẽ bị phản đối ầm ĩ như nói về Saigon năm ngoái?!).

Nhưng về đây trời lạnh luôn có chút thi vị của miền Tây Hoa kỳ, so với mùa hè nóng cháy cả khu rừng hay nhà ở. Chén cà phê thi vị hơn, vì con người lắng dịu hơn lúc thưởng thức hay trao đổi câu chuyện. Thời sự VN tạm yên hẳn vì không còn nhiều để bàn ngoài đời sống kinh tế khó khăn. Thời sự Mỹ thì tạm sôi động với đảng Dân chủ thua lớn trong kỳ bầu cử giữa kỳ Quốc hội. Chỉ xoay quanh việc TT Obama phải chú tâm vào các chính sách nhằm "trả nợ phiếu" cho các nhóm dân ủng hộ và tiếp tục Bảo vệ Obamacare cho người nghèo!

Bay sang đến Tallahassee thì mùa thu rõ hơn nhiều với các cánh rừng phủ đầy lá vàng như tôi mong ước trông thấy và khí hậu lạnh hẳn sang đông. Tôi dậy sớm mỗi ngày lang thang trong các khu nhà đẹp nhưng vắng người của một thành phố chỉ có vài trăm ngàn dân, mà 1/3 là sinh Viên của hai đại học lớn. Tự nhiên thấy hụt hẫng so với cái ồn ào náo nhiệt của Saigon mới rời xa tuần trước. Lòng mình trầm xuống hẳn như sửa soạn cho một khúc quanh mới của đời người. Gần 50 năm trước cũng rời Saigon sang Québec lúc vào thu, trong tâm trạng ngổn ngang của một thanh niên du học ngơ ngác trước cảnh mới người mới. Bây giờ trở lại mùa thu Bắc Mỹ trong tâm trạng xao xuyến thấy lại người cũ cảnh cũ, chỉ có mình là "người mới" trong tâm trạng kẻ "rửa gươm gác kiếm"!

Có thật sự sẽ gác kiếm được không khi tâm trạng còn u hoài nỗi thất vọng của những việc không làm được từ giấc mơ hy vọng thời thơ ấu?

2. Mùa Thu Việt Nam: giấc mơ dân chủ và phát triển.

Nhắc lại ý trên, tôi lại trở về với câu chuyện của Việt Nam khi dự cuộc hội thảo cách đây vài tuần về những ý kiến thay đổi toàn diện nền kinh tế và "cơ chế" để phục hồi giấc mơ phát triển và thực hiện một xã hội dân chủ công bằng hơn.

Tôi nghĩ nhiều về ý này khi nghĩ lại khởi đầu của cuộc Đổi Mới, những năm 1985-87, chúng ta suýt chết đói phải ăn bo bo trong một nước có tiềm năng là vựa thóc thế giới, chỉ vì ngu dốt kiểm soát giá gạo hạn chế sản xuất. Một ngòi bút đưa ra trong chính sách Khoán 10, bãi bỏ việc kiểm soát giá gạo và việc di chuyển gạo giữa các vùng, đã tạo nên cuộc cách mạng kinh tế khủng khiếp, đưa chúng ta lên hàng nhì về xuất cảng gạo chứ đừng nói là đói ăn.

Trong bài về sự tụt hậu của VN, Bộ trưởng Kế hoạch cũng than thở vì VN hết "động lực phát triển", cần thay đổi "cơ chế", ... Tóm tắt là gì? chỉ vì thiếu tự do dân chủ trong guồng máy xã hội chính trị đưa đến nền kinh tế cũng tê liệt thiếu động cơ sản xuất như hiện nay, giáo dục và khoa học bế tắc, mất đi khí cụ phát triển lâu dài.

Ai cũng nói đến năng lực cạnh tranh Quốc gia yếu kém. Nhưng thực tế làm gì thì chưa ai rõ, toàn những lời kêu gọi sáo rỗng trong các hội thảo kể cả trong các tranh luận ở Quốc hội.

Điều muốn góp ý không phải là Chính phủ phải tiêu hàng trăm tỷ đô cho việc thiết lập các khu đặc quyền kinh tế mới kiểu Trung Hoa ngày trước. Vì VN đã hết tiền, Ngân sách nợ cao..., chỉ còn ngòi bút có thể cởi trói thật sự cho nền kinh tế xã hội, đưa ra 6 vùng kinh tế đang mạnh sẵn trong nước là Saigon, HN, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ làm 6 đặc khu cho hưởng các qui chế tự do thật sự để phát triển, nhất là về luật lệ và chế độ giáo dục. Chính phủ có thể tiếp tục đặt ra một cái khung về giáo dục, nhưng chương trình giảng dạy thì cho các vùng tự do, đây là một thí dụ!

Nguyên tắc chung cho cả nước là theo 3 nguyên tắc: chính trị theo nguyên tắc pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân sự. Sáu vùng sẽ cạnh tranh tự do lành mạnh, đóng thuế cho trung ương để tái phân trong các vùng kém phát triển. Sau 3-5 năm sẽ thử thách các vùng khác còn yếu hơn như Phú Quốc, Bình Dương, Vinh, Thái Bình, Tiền Giang hay An Giang, Huế....

Đáng kể nhất là xã hội tự do sẽ đi ra thực sự từ đó, dân chủ sẽ phát triển và nông nghiệp sẽ bộc phát ra khỏi các đè nén bóc lột hiện tại.

Nếu ý tưởng này được thực hiện, đó là môt đột phá cho VN và cho cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay Saigon phát triển mạnh nhất và đóng thuế nhiều nhất để gánh các tỉnh còn lại. Phải tìm ngay một lối ra thay đổi thể chế và cơ chế cho VN để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, một biện pháp đơn giản nhất là cho 6 thành phố lớn ở 3 miền có qui chế cạnh tranh tự do nhất, tháo gỡ các xiềng xích luật lệ, coi như 6 đặc khu phát triển về kinh tế. Chính phủ trung ương chỉ thu thuế từ 6 vùng và tái phân phối cho các vùng khác để thực hiện phát triển đồng đều.

Hy vọng sẽ có bước tiến nhảy vọt cho cả Quốc gia, và cạnh tranh ngay cả về giáo dục cho 6 miền này, từ đó dễ dàng cho hình thành một xã hội dân sự hơn cơ chế kiểm soát cứng nhắc hiện nay làm tê liệt toàn nền kinh tế.

"Lần này ngày rời Việt Nam, với hành trang để lại là mớ kiến thức và kinh nghiệm vài chục năm làm việc nhiều phương trời, tôi cũng mong chúng không bị "vứt sọt rác" như cả một thế hệ trí thức, trong tiếng kêu khẩn thiết cùng lúc của một đất nước tụt hậu nhiều thập niên so với các láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Mùa Thu 2014, Phạm Thăng Long
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét