Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Tại sao mùa thu lá phong đổi màu?


Đó là thắc mắc chung của mọi người khi nhìn những cánh lá phong (érable, maple leaf)  về mùa thu trở màu từ xanh biếc sang màu vàng và đỏ. Nếu xưa kia cổ nhân mình bảo, nhìn một chiếc lá ngô đồng rụng mọi người biết mùa thu đến. Thì nay, chúng ta đang hiện diện trên phần đất mang lá cờ tượng trưng bằng cánh lá phong và riêng với tỉnh Québec bao trùm những cây phong này chúng ta có thể nói khác đi là:
Érable nhất diệp lạc

Thiên hạ cọng tri thu

Tôi xin sưu tầm bài trích đăng của ông Gilles Provost về những giải thích của giáo sư André Cailloux, nguyên giáo sư sinh vật học tại Université de Montréal.
Theo giáo sư, sắc màu rực rỡ của những cánh lá phong về mùa thu là do gộp bởi hai hiện tượng: một, của chung tất cả loại lá; hai, của riêng lá phong.

Trường hợp chung, ở tất cả các lá đều chứa không những chất diệp lục tố (Chlorophyle) sắc xanh biếc mà còn những sắc tố vàng như Carotene và Xanthophylle. Những chất này thường bị che lấp bởi sắc xanh của diệp lục tố. Về mùa thu, chất diệp lục tố biến mất và sắc tố vàng xuất hiện.
Trường hợp lá phong, chất đường chứa trong nhựa là nguyên nhân biến màu lá. Khi lá ngừng dinh dưỡng bằng nhựa cây thì chất đường này gây nên sự phân tích thành phần lá. Lúc ấy bắt đầu xuất hiện những phẩm vật có màu đỏ như chất Anthocyane và những chất không tên khác.

Lại nữa, tính chất đổi màu còn tùy theo độ acide môi trường cây sinh sống. Ở môi trường nhiều acide, lá đổi màu đỏ đậm nhưng ở môi trường kiềm (alcalin) lại đổi sang màu tím than. Điều này giải thích sự xuất hiện các màu trung gian tùy theo trường hợp riêng của mỗi loại lá.
Lại theo giáo sư, những sắc tố sở dĩ được thành lập dễ dàng là nhờ những đêm mát trời và những ngày có nắng, trường hợp này làm tăng sắc màu lá.

Điều nữa, nguyên nhân gây nên những thay đổi về biến hóa ở lá cây và sự xuất hiện màu sắc mùa thu không phải do nhiệt độ mà chính là do sự thu ngắn ngày lại. Quả vậy, trong lá có một sắc tố tên Photochrome, chất này được chiều nắng sinh ra một vài kích thích tố. Khi ngày thu lại, lượng kích thích tố không đủ và sự biến đổi bắt đầu. Biến đổi chính là sự xuất hiện tấm mộc thiêm ở cuống lá, nơi này là chỗ lá sẽ đứt lìa với cành cây. Tấm  mộc này ngăn chặn  chất nhựa lưu thông trong ống dẫn đến lá. Khi dinh dưỡng bị ngưng, lá cây tiêu hóa những chất dự trữ riêng để rồi tự phân tích và khô héo. Thường thường chất diệp lục tố là một trong những thành phần đầu tiên bị hủy trước vì đây là chất sống của lá cây. Đến khi chất này bị ngưng, những khoáng chất cốt yếu không còn được dự sẵn nữa,  ngay cả những nguyên tử Mg và N, hai nguyên tố cấu tạo thành phân tử diệp lục tố.
Những cây không đổi màu cùng một lúc, đó là trường hợp thông thường khi có nhiều thay đổi khác biệt. Điều này tùy thuộc tính chất của đất, của nhiệt độ và ánh sáng.Thường, giáo sư nhấn mạnh, nếu một cây úa màu sớm chứng tỏ cây bị bệnh và do lá cây không nhận đủ chất dinh dưỡng. Lúc này có những thay đổi vì lá cây tự chế ra chất Anthocyane ngay từ mùa xuân hay trong mùa hè.

Sau cùng, giáo sư cho biết những nơi có mùa thu đẹp ở tỉnh Québec như: Les Cantons de l’Est, La Maurice, Les Laurentides, La Gatineau, La région de Charlevoix et Le Pontiac-Témiscamingue, La Gaspésie et Le Lac St-Jean.

Phạm Thị Thanh
Sưu tầm và phỏng dịch vào mùa thu năm 1972
Chú thích: Bài này tôi viết và đăng trên đặc san Đất Lạnh mùa thu 1972 dưới bút hiệu Mê Linh.  Sau khi hỏi ý  bbt, được các anh cho biết là nội dung bài vẫn còn... hợp thời trang, nhưng nên “hiện đại hóa” cho thích hợp với Đất Lạnh 2014. Tôi đã đọc cho Google nó đánh máy lại bài rồi sau đó sửa đổi chấm câu cho chỉnh đốn lại. Thời gian thì đã qua đi 42 năm, dòng đời đã nhiều thay đổi, nhưng mùa thu thì vẫn thế.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét