Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Nhân ngày 30 tháng 04 sắp đến, xin tản mạn về lòng tham

Nguyễn Duy Vinh
Lòng tham con người vô đáy. Tính tham ngự trị trong tâm thức loài người không chừa một ai. Nó lớn hay bé tùy vào những điều kiện và hoàn cảnh có thể làm cho nó bùng dậy hoặc không tạo cơ hội cho nó phát sinh. Và chúng ta tham nhiều thứ lắm. Tham tiền và của cải (tài), tham sắc đẹp (ái dục), tham danh, tham ăn (thực) và thích ngủ nhiều (thụy). Tâm lý học cận đại liệt tính tham vào loại rối loạn nhân cách (personality disorder) mạnh có khả năng làm người ta mất khôn và hành động ích kỷ (tức là chỉ biết nghĩ đến mình). Nói chung lòng tham có mặt không kỳ thị bất cứ ai và nó cũng không phân biệt một chủng tộc nào.

Những năm sống ở Phi Châu, tôi có đọc, nghiên cứu [1] và biết khá rõ ràng là đa số những vị lãnh đạo chính quyền, các ông bộ trưởng các ngành, những nhân viên cao cấp các cơ quan, nhất là các cơ quan thuộc ngành cảnh sát công an, là những người hay bị vướng lụy nhiều nhất vào những vụ án tham nhũng lớn của những xứ Phi Châu nghèo nàn. Những tài liệu tôi đọc được nói nhiều về tình trạng tham nhũng trầm trọng ở các nước thuộc vùng nói tiếng Pháp như Cameroun, Sénégal, Côte d’Ivoire, République Démocratique du Congo, République Centre-africaine v.v…

Dần dà tôi cũng đọc, nghiên cứu và biết thêm một điều nữa là ở những nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà các nhà lãnh đạo thường vỗ ngực là đã thực hiện được những cuộc cách mạng giải phóng giai cấp, cũng không khá hơn. Những đảng viên cao cấp của các bộ ngành, các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước là những người có máu tham không thua gì các ông lớn của mấy xứ Phi Châu khốn khổ.

Hồi đó tôi cứ nghĩ lòng tham của con người là do sự nghèo khổ sinh ra. Tôi liên kết sự nghèo khổ ở những nước Phi Châu và con người sinh ra ở đó.

Sinh ra và lớn lên ở Phi Châu nghèo khổ đói rách nên khi có quyền và cơ hội trong tay, con người Phi Châu dễ phát sinh lòng tham thúc đẩy họ vơ vét và chiếm đoạt thật nhiều của cải cho chính họ và cho gia đình họ. Các quan chức Phi Châu ăn cắp những số tiền khổng lồ [1] của nhà nước. Các ông lớn Phi Châu tham nhũng sống trong những dinh thự lộng lẫy được bao bọc chung quanh bởi những khu vườn rộng thênh thang.

Rồi tôi liên kết sự tàn phá của những trận chiến thảm khốc ở Việt Nam với con người sinh ra ở xứ này. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam vào những năm có giặc giã triền miên, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn nên khi có quyền và có cơ hội trong tay, con người Việt Nam cũng dễ phát sinh lòng tham thúc đẩy họ, nhất là những quan chức cao cấp ở Việt Nam, nhúng tay vào những vụ vơ vét tiền bạc của cải, xâm chiếm đất đai nhà cửa không thua gì các ông lớn Phi Châu.

Gần đây cách suy nghĩ của tôi đã bị lung lay. Dù tôi vẫn còn tin nghèo khổ là một trong những nguyên nhân quan trọng làm phát sinh lòng tham con người, những vụ án tham nhũng gần đây ở Canada cho tôi thấy nghèo khổ không còn là một điều kiện tất yếu nữa vì đã có những người sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, trong sự sung túc vật chất của xứ Canada giàu có, vẫn có thể là những người có lòng tham vô đáy, không thua gì con người của những xứ khốn khổ ở Á Châu và Phi Châu.

Trong lúc tôi viết những giòng chữ này, hiện giờ có bốn thượng nghị sĩ của thượng viện Canada đang bị pháp luật điều tra và sắp bị đưa ra tòa vì đã gian lận tiền nhà nước. Số tiền gian lận đi từ 40 ngàn đô la cho đến hơn 300 ngàn đô la. Riêng ở tỉnh bang Québec thì người dân hầu như mỗi ngày đang được xem những buổi chất vấn trên tivi, trực tiếp truyền hình, giữa các luật sư công tố viện của Ủy Ban Điều Tra Charbonneau và những nhân viên cao cấp của các nghiệp đoàn, các công ty tư nhân và các ban quản lý hai thành phố Montréal và Laval. Những tiết lộ qua cuộc chất vấn lấy khẩu cung này cho thấy toàn bộ guồng máy hành chánh cấp cao của 2 thành phố Montréal và Laval đã bị nhiều con sâu tham nhũng ăn ruỗng. Sau những tiết lộ động trời này, ông thị trưởng Montréal đã phải từ chức còn ông thị trưởng Laval đã bị sở an ninh Québec điều tra và cáo buộc. Ngoài ra còn có rất nhiều nhân viên cao cấp của hai tòa đô chính lớn nhất nhì Québec này cũng đang bị điều tra và cáo buộc. Việc ăn ruỗng guồng máy quản lý nhà cầm quyền hai thành phố này có sự tham dự của các quan chức lãnh đạo các nghiệp đoàn công nhân (Fond des Travailleurs du Québec) cũng như sự len lỏi vào tận gốc guồng máy quản lý thành phố bởi những nhóm xã hội đen Mafia Ý nổi tiếng ở Montréal và nhóm Hell’s Angels. Cả nước Canada hiện nay tiếp tục theo dõi những tiết lộ nóng hổi qua cuộc thẩm vấn của Ủy Ban Charbonneau vẫn được trực tiếp truyền hình mỗi ngày.

Trước đó vài năm, đã có vụ án tham nhũng xảy ra dưới thời ông Jean Chrétien làm thủ tướng với những vụ chuyển tiền bất hợp pháp từ các hợp đồng tài trợ được ký kết nhờ vào sự quen biết cá nhân hoặc qua sự móc nối chính trị từ Đảng Tự Do (Liberal Party) cũng là đảng cầm quyền lúc bấy giờ. Rất nhiều quan chức chính phủ liên bang và doanh nhân ngành quảng cáo đi tù. Vụ án tham nhũng này đã là một trong những nguyên nhân chính đưa đến sự từ chức của ông Jean Chrétien năm 2003 và sự thất bại chua cay của Đảng Tự Do sau cuộc bầu cử chính phủ liên bang năm 2004.

Tôi đưa ra những so sánh vừa kể không ngoài mục đích thuyết phục độc giả là lòng tham con người có mặt ở xứ nghèo cũng như ở xứ giàu. Lòng tham đó có mặt và ngự trị ở bất cứ người nào cho dù người đó có một quá khứ lương thiện và một đời sống vật chất đầy đủ nhất. Khi có cơ hội tốt và có quyền lực trong tay, lòng tham vô đáy đó vẫn có thể biểu hiện và hoành hành tác yêu tác quái.

Nói tóm lại lòng tham là một tâm hành (mental formation) bẩm sinh có mặt từ lúc con người sinh ra. Lòng tham đứng đầu trong các tâm bất thiện lớn. Con người ta dù có thánh thiện cách mấy, trong những lúc yếu lòng và gặp hoàn cảnh thuận tiện, vẫn có thể bị lòng tham sai sử và dắt đi biền biệt trên những con đường tối tăm. Diệt được lòng tham không dễ. Diệt được hoặc chuyển hóa tính tham đòi hỏi một chương trình giáo dục chú trọng đến việc giảng dạy các học sinh về cách sống ngay thẳng từ bé. Những người mắc phải bệnh rối loạn nhân cách loại tự yêu mình (narcissistic personality disorder) cần phải được điều trị. Sống xa lánh được những cám dỗ trần tục cũng là một cách để lòng tham không có cơ hội phát sinh. Đây là một đề tài lớn và tôi không đủ thẩm quyền để bình giải về đề tài này. Và tôi mong mỏi được học hỏi thêm ở những nhà giáo, những tu sĩ cũng như những nhà tâm lý học.

Riêng về việc tham tiền tham của thì chúng ta, những người Việt Nam, đã được chứng kiến hoặc sống qua rất nhiều với những tình huống oan trái trên đất nước yêu thương của chúng ta sau ngày 30 tháng 04 năm 1975. Ngày này là ngày “bên thắng cuộc” từ miền Bắc tràn xuống chiếm đóng miền Nam. Quyển sách của Huy Đức [3] có nói đến cảnh những người bộ đội thu nhặt chở về quê quán miền Bắc VN rất nhiều hàng hóa do họ mua được hoặc tịch thu. Rồi đến những chiến dịch lấy nhà lấy đất của những người trong Nam đã bỏ nhà vượt biên hoặc bị bắt đi những trại cải tạo (có thể gọi là trại tù cải tạo, chữ này Huy Đức tránh không dùng) hay những vùng kinh tế mới. Chỉ trong vòng vài năm, bên thắng cuộc trở thành những chủ nhân ông mới. Với quyền lực trong tay và khi cơ hội tốt đến, lòng tham của họ đã bùng lên, nạn tham nhũng bắt đầu có mặt khắp nơi trên giải đất Việt Nam, ở khắp các cơ quan, các ngành. Sau khi đè đầu đè cổ dân miền Nam với những chính sách ác nghiệt như tù cải tạo, đi vùng kinh tế mới, đổi tiền, đánh tư sản mại bản, v.v…, những người mang tiếng đem “giải phóng” đến cho miền Nam, những người mang tiếng đem “tự do độc lập hạnh phúc” đến cho dân Việt Nam ngày nay trở thành giai cấp mới ăn trên ngồi chốc và họ cũng tham tiền không thua gì những người mà họ muốn “giải phóng”. Họ là những ông quan trong các bộ ngành, họ là những giám đốc, những bộ trưởng... Họ là những nhóm lợi ích, những đại gia với những dinh thự hoành tráng hoặc những tướng tá cao cấp ngành công an. Lương của một bộ trưởng Việt Nam hiện nay khoảng 10 triệu đồng một tháng, thế mà mỗi căn nhà mấy ông này cất cho gia đình, cho bố mẹ, và ngay cả cho bồ nhí là những căn hộ đồ sộ đáng giá cả trăm tỉ đồng Việt Nam. Mấy quan chức lớn này chắc chắn phải có cách khác để làm ra tiền vì số lương của họ không thế nào đủ để xây những căn nhà đẹp lộng lẫy như thế.

Riêng cho những ai muốn biết thêm một góc nhìn của cuộc hành trình phía “bên thua cuộc” sau ngày 30 tháng 04 thì tôi khuyên nên đọc quyển “Đến Bờ Tự Do – Quà tặng những người tị nạn Việt Nam, Cao Mên và Lào của người dân thành phố Ottawa” [2]. Một quyển sách trình bày trang nhã dầy hơn 98 trang bởi tác giả Brian Buckley được xuất bản năm 2008 tả lại Dự Án 4000, một dự án được đề xuất để cứu trợ 4000 thuyền nhân mà đa số là người Việt Nam do chính người dân thành phố Ottawa bảo lãnh và tự nguyện đóng góp về tài chánh. Dự án nhân đạo này, được khởi xướng, xúc tiến, và điều hành bởi bà Marion Dewar, cựu thị trưởng thành phố Ottawa nay đã qua đời, đã là bước đầu rất lớn tạo nên một ảnh hưởng đáng kể trên chính sách giúp người tị nạn của nước Canada. Nước này dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ Tướng Joe Clark đã thực hiện một cuộc cứu trợ vô cùng to tát, nhận vào Canada hơn 60 ngàn thuyền nhân Việt Nam trong những năm sau ngày 30 tháng 04 năm 1975. Gần 90 % những người này là những thuyền nhân đã đến được các đảo ở Mã Lai, Nam Dương, và Phi Luật Tân, v.v…Số còn lại đến từ những trại tị nạn Thái Lan và Hồng Kông hoặc đi chính thức do thân nhân bảo lãnh.

Những cuộc ra đi hãi hùng của làn sóng thuyền nhân sau năm 1975 đã được ngòi bút sắc bén của ông Buckley kể lại với thật nhiều chi tiết đau thương. Những chuyến đi vô cùng khó khăn trên những chiếc thuyền mong manh. Những cơn bão trên đại dương mênh mông. Những cuộc tấn công tàn bạo của quân cướp biển Thái Lan. Một cuộc hành trình đầy gian khổ. Thấm thoát thế mà 39 năm đã trôi qua.

Và ngày nay nhìn lại số phận người Việt Nam qua những trang giấy đầy máu và nước mắt đó của quyển Đến Bờ Tự Do, không ai trong chúng ta là không bùi ngùi thương xót đến tất cả những người xấu số đã bỏ mình trong cuộc chiến Bắc Nam tương tàn hoặc đã vùi thây trên bước đường vượt biên tìm tự do đầy gian truân.

Thế nhưng cũng có những người phía bên thua cuộc quên đi quá khứ rất nhanh. Gần đây khi đọc những tin tức trên mạng liên quan đến những ca sĩ Việt Nam nổi tiếng ở hải ngoại về nước trình diễn, chúng ta có quyền đặt vài câu hỏi hoặc lên tiếng về những sinh hoạt này. Tôi nghĩ hoặc là con người Việt Nam chúng ta dễ quên quá khứ khổ đau và cũng dễ tha thứ cho những người đã làm khổ mình, hoặc là các ca sĩ hải ngoại đó về Việt Nam trình diễn vì những lý do riêng tư, và có thể họ cũng có những lý do rất chính đáng. Và dù cho những buổi trình diễn đó có chính đáng đến đâu chăng nữa, tác giả bài này vẫn thấy nó có tác dụng va chạm và thiếu tôn trọng không ít thì nhiều những người đã khuất sau cuộc chiến tương tàn, sau những chuyến vượt biên đầy gian nan.

Theo một vài nguồn tin trong nước những số tiền cachet của những “sô” trình diễn của các ca sĩ VN hải ngoại này khá cao. Số tiền về Việt Nam hát một lần có thể bằng tiền đi “sô” cả năm ở hải ngoại. Đồng tiền có thể đã làm chủ động cho những buổi trình diễn này.

Phần đông số người “bên thua cuộc” ra đi tìm được tự do, họ đã tìm được một món quà vô cùng quý giá, nhưng ngược lại họ phải làm việc rất vất vả trong khi học hỏi hội nhập vào đời sống mới nơi xứ lạ quê người. Tôi nghĩ cho một số ca sĩ VN ở hải ngoại mà tôi ngưỡng mộ chắc khó làm giàu được nếu chỉ sống và hát ở hải ngoại. Tấm ảnh chụp các quan chức “bên thắng cuộc” ngồi hàng đầu trong những buổi “sô” mà người hát là những ca sĩ VN về từ Mỹ, Canada hoặc Âu Châu là một tấm ảnh trớ trêu chứa đầy thảm cảnh của một quá khứ đầy nước mắt. Đúng là đồng tiền chỉ huy mọi thứ. Nào là tiền viện trợ của những nước tân tiến giúp VN qua hệ thống FDA, nào là tiền Việt kiều gửi về nước giúp người thân hoặc do chính họ về buôn bán làm việc trong nước. Nào là tiền cướp được của người dân qua các vụ cưỡng chế nhà cửa đất đai. Rồi đến tiền ăn cắp hay “mượn tạm” bởi những nhân viên tín dụng ngân hàng. Tiền từ những cách làm giàu bất lương và thô bỉ. Đúng là tiền rừng bạc bể…

Dĩ nhiên bạn sẽ bảo tôi là chúng ta phải quên đi quá khứ khổ đau và hướng về một tương lai hạnh phúc và sáng lạn hơn. Bạn sẽ bảo tôi là chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho nhau và cộng tác với nhau để xây dựng một nước Việt Nam mới hùng mạnh hơn xưa. Những điều này rất đúng và cũng rất lý tưởng. Lý tưởng này nghe thì rất hay nhưng không dễ thực hiện. Thực hiện được lý tưởng này đòi hỏi rất nhiều thiện chí của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay phải là những người có tâm huyết thật sự muốn giải quyết thật lòng viêc hòa hợp hòa giải dân tộc thì mới mong có “ngày đoàn viên”. Họ phải là những người có lòng vì quê hương dân tộc và phải biết nghe tiếng nói của người dân. Nếu họ chỉ vì lòng tham, không muốn mất đi cái ngai vàng mình vừa chiếm được và cứ tiếp tục ôm khư khư vào một chủ nghĩa cũ rích và lỗi thời Mác Lê, cứ ôm khư khư vào một quá khứ mà họ cho là vàng son qua những cuộc chiến thắng đẫm máu, đến một lúc nào đó họ sẽ phải ôm lấy thất vọng chua cay.

Nhìn tình cảnh nước VN hiện nay, có ai dám vỗ ngực nói là đã hết bất công? Chỉ cần bấm vào những liên kết trên mạng Internet, ai cũng có thể đọc và nhìn thấy được hoàn cảnh cũng như những hình ảnh của người dân buôn thúng bán bưng bên cạnh những căn biệt thự lộng lẫy của các quan chức VN. Đồng thời người chịu khó theo dõi hình ảnh trên mạng mỗi ngày cũng sẽ thấy những cảnh công an lộng quyền đánh đập giam cầm những người lên tiếng về nhân quyền hay đàn áp những người bày tỏ lòng yêu nước sau các vụ chiếm đất chiếm đảo bởi Trung Quốc. Những vụ cướp và giết người kinh hoàng xảy ra nhan nhản mỗi ngày trong các thành phố lớn ở Việt Nam. Những vụ đại án tham nhũng với những số tiền tham nhũng lên đến cả nghìn tỉ đồng VN. Trong khi đó, người dân trong nước đa số vẫn còn phải phấn đấu chật vật để mưu sinh, bên cạnh cuộc sống đế vương của những đại gia.

Chúng tôi tự hỏi một xã hội như thế có là một xã hội tốt cho VN và những người nắm vận mệnh dân tộc có chắc là họ đang đi (định hướng) đúng đường ? Câu trả lời còn tùy vào sự thức tỉnh, sự hiểu biết (dân trí) và lòng cương trực dũng cảm của mỗi người Việt Nam. Mỗi người Việt Nam dù là đang sống trong nước (và đang bị kềm kẹp) hay là đang tha phương cầu thực ở hải ngoại (và được nhiều tự do) phải tự đặt những câu hỏi về tương lai xứ sở Việt Nam. Khi nào những ca sĩ VN nổi tiếng ở hải ngoại biết dõng dạc từ chối không về hát một cách chính thức ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại là chúng ta đã bắt đầu có những câu trả lời. Khi nào nhà cầm quyền Việt Nam biết trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm vì họ có tiếng nói bất đồng chính kiến là chúng ta bắt đầu có những tia hy vọng. Khi nào nhà cầm quyền biết thực thi pháp quyền công minh trừng trị đúng cách những nhân viên công an lộng quyền là chúng ta bắt đầu thấy những tia sáng ở cuối đường hầm.

Có người đùa thật cay độc là : bạn ơi ánh sáng mà bạn thấy ở cuối đường hầm đó chẳng qua là đèn rọi của một chiếc xe lửa tốc hành khác đang đổ ập về phía bạn đó thôi, bạn đừng tưởng bở.

Thế là không còn gì để nói nữa. Chỉ có Trời kíu (cứu) (chép thơ Nguyễn Bính).

Nguyễn Duy Vinh (Douala, Cameroun)

[1] http://boxitvn.blogspot.com.au/2012/01/au-nam-rong-tan-man-ve-hai-chu-tham.html
[2] Gift of Freedom – How Ottawa welcomed the Vietnamese, Cambodian, and Laotian refugees, Brian Buckley, General Store Publishing House, Canada, 2008
[3] Quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét