Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Tết đầu tiên nơi miền Đất Lạnh


Mùa đông năm này số với mùa đông của 50 năm trước có gì khác hơn không? Vạn vật thiên nhiên thì cũng vậy thôi, cũng vẫn là tuyết rơi, xen kẽ với những trận mưa đá. Năm này qua năm khác, vạn vật vẫn như thế mà lặp đi lặp lại, chỉ có con người nơi xứ lạnh thì cứ mỗi khi mùa đông sắp đến là cảm thấy co-ro cúm-rúm thêm, bâng khuâng hơn. Đôi khi tôi lại ao ước được như các bạn bè đang sống ở những miền nắng ấm như: Cali, Texas, Floride, hay xa tít tận Melbourne, Úc Châu. Nhưng đành chịu vậy thôi vì tôi đã trót chọn miền Đất Lạnh này làm quê hương thứ hai, nhưng nghĩ cho cùng cũng tại vì miền Đất Lạnh đã có ý chọn tôi làm một công dân mới Mùa đông năm nào cũng vậy, cứ sang tháng giêng là tôi tìm cách trốn lánh bằng cách say sưa theo dõi trực tiếp truyền hình những trận tennis của giải Australian Open đang diễn ra nơi miền nắng nóng xa tít tận bên Melbourne.

Tôi còn nhớ có những hôm nhiệt độ lên gần 40oC, thực là quá sức nóng! Tôi nghĩ là tôi không muốn đổi cái lạnh -25oC ở nơi này với cái nóng như thiêu ở bên đó. Thêm một lý đó khác nữa:  cái không khí lạnh lẽo nhưng rất nên thơ ở nơi đây luôn níu kéo tâm tư tôi tìm về với quá khứ tuổi xanh của một thời xa xưa trong khung trường đại học Laval.

Thuở xa xưa ấy, trong khoảng hai tuần lễ nghỉ hè của dịp Giáng Sinh, cư xá đại học Laval thực sự vắng vẻ, tựa như chùa Bà Đanh vậy, chỉ lưa thưa vài mươi sinh viên Mít chúng ta cộng thêm một số ít sinh viên Lào, Cao Miên, hoặc Phi Châu.

Chính cái khung cảnh thanh vắng nên thơ đó đã tạo nên nguồn cảm hứng cho các anh các chị lo viết lách chuẩn bị cho tờ đặc san Đất Lạnh, sẽ được phát hành vào dịp Tết, đồng thời cũng lo tập dượt chuẩn bị cho buổi văn nghệ Mừng Xuân, được tổ chức thật linh-đình ở sous-sol Pollack.

Hai công việc chuẩn bị đại quy mô này được kéo dài trong suốt tháng giêng (dương lịch) cho đến ngày Tết đến. Cũng may là khoảng thời gian trong tháng giêng này chúng ta chưa bận rộn lo học chuẩn bị cho các kỳ thi tam-cá-nguyệt của terme mùa đông.

Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ ba trong số những tiếc mục văn nghệ của kỳ Tết năm 1964: tiết mục Múa Nón thật yểu-điệu-lả-lướt do bốn chị trình diễn trong những chiếc áo dài trang nhã, màn hợp ca hai bài Ly Rượu Mừng và Đón Xuân với màn đặc biệt đôi tay đàn Mandoline-guitare giữa ba anh Võ Ngọc Bá - Lộ Công Mười Lăm - Võ Bá Lộc, về phần ca sĩ gồm các anh Đỗ Xuân Đài, một giọng ca tenor cao vút của Hội sinh viên thời bấy giờ, anh Lê Khắc Huy, anh Trần Khánh Thoại và người viết bài nầy. Tiết mục thứ ba cũng rất vui; đó là màn vũ Trấn Thủ Lưu Đồn do anh Vũ Kiện vừa làm diễn viên vừa làm đạo diễn vừa kiêm luôn ca sĩ để thâu băng magnetophone bài dân ca Trấn Thủ Lưu Đồn rất nổi tiếng của Miền Bắc. Để hoàn thành màn vũ này anh Vũ Kiện đã mời được anh Đỗ Xuân Đài thủ vai người con gái hậu phương với chiếc áo tứ-thân màu nâu, trong khi đó đạo diễn Vũ Kiện và người viết bài nầy thủ vài hai anh lính trấn thủ trẻ trung trong bộ đồng phục màu xanh,  đầu đội chiếc nón lá khổ hẹp (cũng may không phải là mấy cái nón cối thời nay!), vai người lính thú mang một thành gươm rất oai phong. Cả ba chúng tôi đã cùng múa máy nhịp nhàng theo đúng nhịp điệu của bài ca Trần Thủ. Tất cả điệu múa lời ca đều muốn diễn tả tâm trạng của hai anh chàng lính thú thời xưa luôn mang nặng trọng trách bảo vệ, gìn giữ biên cương xa xôi tận Cao Bằng - Lạng Sơn, chống giặc ngọai xâm từ phương Bắc!! Do một sự tình cờ, vào cuối hè năm 66, trong dịp tham gia trại hè của hội sinh viên công giáo Bắc Mỹ được tổ chức tại thành phố Boston, tôi đã có dịp đem kiến thức tôi đã học lóm được từ anh Vũ Kiện, để bổ sung thêm cho các anh chị sinh viên bên Mỹ đang lo tập dượt màn vũ dân tộc này.

Và cũng lại là một tình cờ nữa: hôm kỳ Họp Mặt Sinh Viên Liên Trường tại Québec vào tháng tám 2013, trong buổi tiếp tân hôm tối thứ sáu, tôi đã gặp anh chị Đỗ Trọng Quyên từ Toronto đến, anh Quyên là một người bạn cùng promo và cùng ngành học với anh Đỗ Xuân Đài, và anh Quyên cũng là một nhiếp ảnh gia rất nổi tiếng thời bấy giờ. Trong câu chuyện anh Quyên đã tình cờ nhắc tới màn vũ Trấn Thủ Lưu Đồn năm xưa, và anh Quyên đã gởi tặng tôi mấy tấm hình lưu niệm anh vẫn còn giữ. Xin cảm ơn anh Quyên đã còn lưu giữ những tấm hình “vượt thời gian” này.
Nhắc lại những kỷ niệm của cái Tết đâu tiên nơi miền Đất Lạnh, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ tới những người bạn năm xưa đã ra đi, đặc biệt là sự cô Thanh Quang, anh Võ Ngọc Bá, anh Đỗ Xuân Đài và nhà thơ Vũ Kiện.        

Bùi văn Tâm, promo 63

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét