Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Một vài góp nhặt về bệnh tiểu đường loại 1

NGUYỄN DUY VINH

Bệnh tiểu đường loại 1 là một bệnh rất nghiêm trọng. Theo các thống kê tìm được trên mạng, bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ tư trong số những bệnh không truyền nhiễm.

Trước khi đi vào những điểm chính của căn bệnh tôi thu lượm được qua những tài liệu trên mạng hoặc sách mà tôi đã đọc và liệt kê trong mục tham khảo ở cuối bài, tôi xin nói ngay là những gì tôi viết trong bài này không có gì mới cả. Mục đích chính là để giúp các bạn có một tài liệu bằng tiếng Việt, ngắn, dễ đọc và dễ hiểu vì nó được viết bởi một người không phải là bác sĩ ngành Y. Có một quyển sách mà tôi thấy rất đầy đủ, trong đó có những chi tiết quan trọng mà các bạn muốn biết về bệnh tiểu đường loại 1 và những biến chứng của bệnh này, là quyển sách của ông James Hirsch (xin xem mục số [2] trong phần tham khảo cuối bài). Các bạn có thể đặt mua quyển này qua Amazon.ca.

Sự suy thoái của tụy tạng (pancreas) là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường loại 1([1], [2], [3], [4]). Tụy tạng suy thoái và không bào chế được chất insulin cần thiết trong việc giữ quân bình lượng đường huyết trong máu. Insulin là loại hormone có khả năng đưa đường từ máu vào các tế bào của cơ thể để cuối cùng biến đường thành năng lượng.

 Người bị bệnh loại 1 hiện nay không có cách nào khác là phải tự chích (hoặc dùng máy bơm) insulin mỗi ngày vào người và thử nghiệm độ đường huyết thường xuyên tại nhà. Người bệnh ghi kết quả lượng đường huyết (bằng đơn vị mmol/L hay mg/dL, sẽ giải thích thêm ở cuối bài) để theo dõi tình trạng bệnh và thay đổi liều lượng thuốc cũng như chế độ dinh dưỡng và vận động cơ thể theo sự săn sóc và khuyến cáo của bác sĩ chuyên môn.

Cho tới nay chưa có loại thuốc hoặc cách chữa nào chữa dứt được bệnh tiểu đường loại 1. Cách điều trị tối tân và phổ thông nhất hiện nay là cách điều trị bằng phương pháp kiểm soát mức độ đường huyết qua cách tiêm insulin vào cơ thể, cách dinh dưỡng hợp lý và cách vận động thể dục cơ thể mỗi ngày. Một nếp sống kỷ cương sẽ giúp người bệnh tránh hoặc trì hoãn được các biến chứng của bệnh và nhờ đó có thể sống một đời sống bình thường.

Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường (loại 1 hay 2) gồm có :

+ cần đi tiểu nhiều lần
+ hay khát nước
+ hay lên cơn đói
+ sút cân bất thình lình
+ hay cảm thấy mệt mỏi khó chịu
+ mắt nhìn không rõ như bị mờ

Những dấu hiệu của lượng đường huyết thấp (hypoglycemia) mà bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần biết là :

+ mồ hôi toát ra
+ cơ thể (chân tay) run lên
+ tim đập nhanh hơn bình thường
+ đầu óc lẫn lộn không xét đoán tinh anh như lúc bình thường

Người bệnh khi có những dấu hiệu này phải biết tìm cách tăng độ đường huyết bằng cách uống nước trái cây hoặc nhai một cục đường hay một viên kẹo. Bệnh nhân hay có dấu hiệu đường huyết thấp phải luôn có những thức ăn hoặc uống chứa đường bên cạnh mình liệu khi bị lượng đường xuống thấp bất thình lình. Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, bạn có thể bị hôn mê bất tỉnh (coma) và đôi khi có thể chết. Việc thử nghiệm (tự đo) lượng đường huyết nhiều lần mỗi ngày giúp bệnh nhân tránh những cơn đường huyết giảm đột ngột. Và dĩ nhiên là những bệnh nhân này luôn nên đeo trên tay một vòng ID (medical alert) đề rõ có bệnh tiểu đường và đang được điều trị bằng insulin.

Nói đến hormone insulin thì cũng nên nhắc qua người phát minh ra nó là ông Frederick Banting, một khoa học gia người Gia Nã Đại (lúc đó đang nghiên cứu tại thành phố Toronto vào năm 1922), đã tìm ra chất insulin do tụy tạng sản xuất và chứng minh được vai trò của insulin với bệnh tiểu đường. Vai trò này có thể được tóm tắt như sau : thường thì sau một bữa ăn, bộ tiêu hóa của chúng ta sẽ biến những chất carbohydrate thành những phân tử đường (trong đó có glucose) và biến các chất đạm thành amino acids. Những chất glucose và amino acids sẽ được dẫn vào các mạch máu và do đó đường huyết sau bữa ăn thường lên cao. Sự “lên cao” này “báo động” những tế bào đặc biệt trong tụy tạng, gọi là tế bào bêta, để những tế bào này bài tiết chất insulin cũng được đưa vào máu.

Insulin có khả năng đưa glucose vào tất cả những tế bào của cơ thể. Phần lớn những chất đường này sẽ được biến đổi thành năng lượng khi chúng ta làm việc, hoạt động đi lại hoặc làm các động tác thể dục. Phần còn lại sẽ được cất giữ trong lá gan để được sử dụng trong tương lai. Khi lượng đường huyết lên cao nhất, tụy tạng sẽ giảm việc sản xuất insulin.

Sau bữa ăn chừng 2 tới 4 giờ, cả lượng đường huyết và lượng insulin sẽ xuống thấp và thường thì lượng insulin lúc đó sẽ cao hơn lượng đường một chút xíu.

Tụy tạng là một bộ phận của bộ tiêu hóa nằm đằng sau lá gan và bao tử. Ngoài việc bài tiết những dung dịch enzymes cho việc tiêu hóa thức ăn, tụy tạng còn sản xuất insulin và glucagon được đưa thẳng vào máu. Khi lượng đường huyết xuống quá thấp, tụy tạng bài tiết chất glucagon để kích thích gan cho ra thêm glucose vào máu.

Một số các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường hiện nay nghĩ rằng việc cơ thể bệnh nhân không bào chế được insulin là do sự đề kháng của cơ thể (auto-immune, bạn tôi trong nước dùng chữ tính miễn nhiễm) bị suy hoại. Nói một cách khoa học hơn, sự suy hoại này được kiểm chứng bằng những khám phá sau đây :

+ những tế bào bêta trong tụy tạng bị tiêu diệt làm cho sức bào chế insulin của tụy tạng mất hẳn,
+ không có insulin để đưa glucose vào các tế bào, lượng đường huyết sẽ gia tăng, một trạng thái được gọi là hyperglycemia,
+ vì cơ thể không hấp thụ được đường, đường thoát ra qua nước tiểu (từ đó có chữ tiểu đường),
+ những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phát hiện (đã được ghi ở đầu bài).

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết hết những cơ cấu của căn bệnh hiểm nghèo này. Những yếu tố gien (thừa kế) không đủ để giải thích nguyên nhân bệnh. Trong vòng 50 năm vừa qua, số bệnh nhân tiểu đường loại 1 tăng lên rất nhanh, nhất là ở Hoa-Kỳ. Một vài nghiên cứu mới gần đây đưa ra một thuyết thứ hai cho rằng có sự liên hệ mật thiết giữa những bệnh do vi khuẩn gây ra và bệnh tiểu đuờng.

Những biến chứng do bệnh tiểu đường loại 1 gây ra gồm có:

+ bệnh tim và bệnh áp huyết cao
+ bệnh suy thận
+ mất chức năng thần kinh (neuropathy)
+ chân bị nhiễm độc vì máu lưu thông kém
+ thoái hóa võng mạc (retinopathy) và bệnh khiếm thị
+ bệnh trầm cảm (depression)
+ bệnh loãng xương (osteoporosis)

Phương pháp chẩn bệnh phổ biến nhất hiện nay là cách đo đường huyết sau 8 giờ nhịn ăn (FPG). Còn một cách thứ nhì phức tạp hơn được gọi là OGTT (oral glucose tolerance test). Thử nghiệm thông thường cho người bình thường là đo lượng glycosylated hemoglobin còn được gọi là hemoglobin Alc (Hb Alc). Người được chẩn bằng thử nghiệm này không cần phải nhịn ăn.

Cho những bệnh nhân tiểu đường, các máy đo tân tiến hiện nay dùng một tí máu nhỏ từ đầu ngón tay và kết quả hầu như tức khắc. Những máy dùng ở Úc và một số nước Âu Châu cho kết quả lượng đường huyết bằng đơn vị mmol/L trong khi ở Bắc Mỹ thì kết quả là mg/dL. Cách đổi từ đơn vị này sang đơn vị kia rất dễ khi chúng ta biết glucose (hay C6H12O6) nặng 180 mg/mol, do đó 1 mmol/L = 18 mg/dL. Tỉ dụ một người bình thường sẽ đọc thấy kết quả khoảng 5.5 mmol/L nếu dùng máy ở Úc hay 100 mg/dL nếu dùng máy ở Hoa Kỳ.

Những người trong gia đình có người bị bệnh tiểu đường loại 1 phải đọc và tìm hiểu về bệnh này để có thể làm được những việc cấp cứu khi người bệnh lâm vào một trong hai trạng thái đối nghịch cao của lượng đường huyết. Khi lượng đường huyết xuống quá thấp bệnh nhân có thể ngất xỉu và mình có thể cho họ uống nước trái cây hoặc ăn một viên kẹo khi thấy có dấu hiệu khẩn cấp, hoặc chích cho họ một mũi glucagon (glucagon kích thích gan bài tiết ra glucose vào máu). Khi lượng đường huyết lên quá cao, phải giúp bệnh nhân tiêm ngay insulin vào người (loại insulin bệnh nhân vẫn thường dùng).  

Nguyễn Duy Vinh (2013)

Tài liệu tham khảo :
[2] Cheating Destiny: Living With Diabetes, America's Biggest Epidemic , James S. Hirsch (Author), Nov. 2006, Marine Book Publisher
[4] http://ndep.nih.gov/media/NDEP67_4Steps_4c_508.pdf


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét