Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

23 Tháng chạp


Mỹ Hào
- Allo!

- Tám hả, em đây, con Chín.

- Khỏi cần giới thiệu, Tám biết rồi. Sao bữa nay phone Tám trễ vậy? Ngày mai được nghỉ à?

- Đâu có, ngày mai em vẫn đi làm như bình thường. Nhưng mà có chuyện này em phải mắng vốn Tám liền bữa nay. Để đến ngày mai sợ nguội, em quên.

- Chuyện gì nữa đây? Không biết tôi đã làm chuyện gì đụng chạm tới cô em của tôi đây? Giọng chị tôi pha chút diễu cợt.

Tôi hắng giọng cho ra vẻ nghiêm trọng:

- Em đã nhờ Tám rồi mà Tám chẳng nhớ gì hết trơn. Em nhờ Tám, cuối năm có cúng kiếng, ăn chay ăn mặn gì thì Tám nhớ nhắc em. Vậy mà năm nay gần 23 tháng chạp rồi mà Tám chẳng thèm nhắc em đưa Ông Bà Táo, với đón Ông Bà gì hết trơn. Tám im ru làm xém chút xíu là năm nay Ông Bà Táo trong nhà em không được về trời. Cũng may là hồi chiều ghé chợ, chị bán hàng hỏi em có đưa Ông Bà Táo thì nhớ mua bánh, mứt. 

- Chín tưởng Tám là tiên giáng trần chắc. Chuyện gì cũng nhớ, chuyện gì cũng biết. Lúc Ba dặn sao không chịu lấy giấy viết ra ghi, bây giờ không nhớ rồi đổ thừa Tám. Nhớ ngày xưa Ba mình hay nói : “ Qua đến bên này, phong tục ngày Tết nếu không ghi lại, dần dần mấy đứa sẽ quên hết! ”. Bây giờ Tám mới thấy Ba nói không sai chút nào. Cũng may là hồi đó Tám chịu khó ghi lại, không có ngồi chơi cắn hạt dưa như người ta.

- Hồi đó em không thèm ghi là tại vì em có Tám. Lấy chồng rồi thì nhà em có bà Nội mấy đứa nhỏ. Tám biết không, phong tục ngày lễ, ngày tết Bà Nội của tụi nhỏ nhớ thuộc lòng. Ngày rằm, ngày chay, kiêng cử gì bà Nội tụi nhỏ nhớ không sai. Trong nhà mà có giỗ hay mỗi năm chuẩn bị đón Tết là bà Nội tụi nhỏ lo hết. Bà Nội mấy đứa sai mua bánh, mứt, hoa, quả thì em đi mua bánh, mứt, hoa, quả. Bà Nội mấy đứa nói nấu xôi, chè thì em nấu xôi, chè. Bà Nội mấy đứa phán: “Mùng một ăn chạy” là cả nhà… hic… hic… ăn chay.

- Ăn chay ngon mà! Tại sao phải hic… hic… ăn chay?

- Bật mí với Tám luôn nè! Ngoài bà Nội mấy đứa ra, cả nhà em ai cũng sợ… ăn chay. (Cũng may là mỗi năm hứa với mẹ chỉ ăn duy nhất có ngày mùng một Tết). Phần còn lại là cúng kiếng, giỗ chạp, đưa tiễn, đón rước gì gì… thì Bà Nội mấy đứa lo hết nên em đâu cần phải nhớ. Bây giờ bà Nội mấy đứa không còn nữa em mới nhờ đến Tám vậy mà Tám cũng móc mỏ, dằn xéo em nghe thấy tội nghiệp em ghê! Tám thấy em hiền rồi Tám lấn tới ăn hiếp em.

- Ối trời đất ơi! Ngó xuống mà coi em con nó hiền! Nửa đêm phone tới nhà đòi mắng vốn mà tự nhận là mình hiền, bị ăn hiếp.

Nghe giọng hoảng hốt, đượm màu ta thán của chị làm tôi không khỏi bật cười. Tôi nhồi luôn câu tiếp theo nghe có vẻ như hăm dọa nhưng cũng thiệt là tội nghiệp:

- Tám làm gì mà kêu trời dữ vậy! Em nhịn tám đó nhe! Đừng thấy em mồ côi rồi ăn hiếp em nhe!

Tôi nghe chị cười lớn bên kia đầu dây nhưng vẫn không quên hỏi lại tôi giọng đầy thắc mắc:

- Con nhỏ nầy ngộ ghê!? Tám với Chín cùng Ba Má sanh ra. Chín mà mồ côi chắc Tám khỏi ha!

Ờ ha! Chị nói đúng. Tôi và chị cùng ba má sinh ra tôi đâu thể nào dùng câu nói này để nói với chị. Tôi lộn, thường thường thì câu này tôi dùng để đối phó với ông xã của tôi.

Ngày xưa lúc mẹ chồng tôi còn sống, mỗi lần giận anh, cãi không lại thì tôi dùng cái chiêu này để đối phó với anh. Tôi chỉ cần rươm rướm chút nước mắt, buông ra câu nói vừa rồi một cách nhẹ hìu: “Thấy người ta mồ côi rồi lấn tới ăn hiếp!” thì chắc chắn 100% là ông xã tôi đầu hàng. Anh đầu hàng cái rụp, đầu hàng vô điều kiện. Hèn chi mà người ta hay nói đàn ông giàu lòng trắc ẩn, sợ nhứt là nước mắt đàn bà… đẹp!!!???. (Ouf, chẳng ai khen tôi đẹp cả. Đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi thôi, xin đừng cười tôi!). Nhưng mà tôi nghĩ chắc chắn tất cả những phụ nữ trên trái đất này đều tự thấy là mình đẹp! Ai mà nói “Em là con gái trời bắt xấu!” là khiêm tốn… dõm, là… là… xạo ke. Nếu không thì đích thị cái người vừa nói cái câu ấy là một đấng mày râu. (Xì! Nói thương người ta không được rồi quay ra nói người ta xấu!!!???). Ngày xưa, đại thi hào Nguyễn Du còn phải ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ. Ông đã viết: “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông. Theo tôi thì tất cả phụ nữ đều đẹp (Ha… ha… trong đó có tôi!).

Bây giờ mẹ không còn nữa. Đã lâu rồi tôi đã không còn cơ hội dùng câu nói này để giành phần thắng. Đột nhiên hôm nay tôi lại nói ra, nhưng mà lại nói với chị Tám của tôi. Nhưng lỡ nói rồi đâu rút lại được nên tôi sửa liền. (Tự biết sửa sai cũng là một đức tánh tốt chứ bộ):

- Tám chỉ mồ côi ba má thôi nhưng em thì còn ghê gớm hơn, em mồ côi luôn… ba mẹ chồng.

- Con nhỏ này lắc léo. Thôi đi đừng đụng đến ba má chồng của Tám. Người có tuổi người ta ngại nhắc mấy chuyện này lắm. Còn nữa ông “chằng” của Tám, ổng mà nghe mình nói đến sự “Trường thọ” của Ba Má ổng là ổng la chói lói trời đất luôn.

- A…ha… Bắt gặp quả tang, Tám sợ chồng la! Tôi la lớn.

Tiếng bà chị tôi cười lớn ở bên kia đầu dây:

- Đàn bà mà “la” chồng mới đáng sợ, còn Tám sợ chồng “la” thì gọi là… vợ hiền, vợ nhu mì, vợ dễ thương. Thôi không có giỡn nữa lấy giấy viết ra ghi đi, sang năm đừng hỏi nữa nghe.

- Tám nói đi, em thâu băng luôn.

- Con nhỏ này! Nghe nè, 23 tháng chạp cúng đưa ông bà Táo về trời, 30 tháng chạp đón ông bà về ăn tết với mình thì nhớ đón luôn Ông Bà Táo về.

- Nghe có hai câu mà sao có vẻ nhiêu khê, khó làm vậy! Cúng đưa Ông Bà Táo về trời là sao? Cúng làm sao? Cúng cái gì? Vái ra sao? Tám nói rõ ràng chi tiết chút được không?

- Qua tới bên này rồi, mỗi lần giỗ chạp cúng kiếng phải đốt vàng mã rất là phiền phức nên cái vụ đưa Ông Bà Táo về trời phải đốt cò bay, ngựa chạy… được miễn. Kẹo thèo lèo, cứt chuột, trứng chim… nhập cảng qua tới bên này cũng cứng ngắc. Ăn không cẩn thận sẽ phải đi gặp nha sĩ cho nên cũng được… miễn luôn.

- Ê!… ê!… Nhắc đến chuyện kẹo thèo lèo, cứt chuột, trứng chim… Tám còn nhớ hồi nhỏ không?  Em nhớ hồi còn nhỏ, năm nào cũng vậy, sau khi đưa Ông Bà Táo về trời xong thế nào cũng nghe anh Bảy mình mét bà Nội là hai đứa mình chia kẹo không đồng đều. Ảnh nói kẹo đậu phọng, kẹo mè đen đâu không thấy ảnh toàn bị ăn mấy viên kẹo đường màu hường, màu trắng thôi. 

- Nhớ chứ sao không! Ông đó là vua ăn vặt. Chuyên môn giành ăn với em gái. Bữa nay trễ rồi. Ngày mai Tám phone ổng, hỏi ổng còn muốn ăn kẹo thèo lèo, cứt chuột, trứng chim nữa không, Tám tặng luôn cho ổng… một thùng.

- Bảo đảm với Tám là ổng sẽ nói “NO!”. Rồi thì ổng sẽ “hát” cho Tám nghe bài “Tâm sự người gác hải đăng”.

- Bộ có bài hát đó sao?

- Tám chưa biết hả? Anh Bảy mình bây giờ canh sức khỏe còn hơn là mấy ông gác hải đăng, cả ngày phập phồng lo sợ tàu lạ xâm nhập hải phận. Không biết ổng kiếm đâu ra mấy cái thống kê quái quỷ mà nói chuyện với em ổng cứ hù : “ Tụi bây ăn ngọt cho lắm vào, thống kê cho biết 80% người Việt Nam có nguy cơ bị… tiểu đường ”. 

- Nhiều dữ vậy sao!!!???

- Đã nói là không biết ổng lượm được ở đâu ra mà! Chưa hết đâu, rồi ổng sẽ chỉ cho Tám 1001 phương pháp để sống vui, sống dai, sống dài, sống khỏe. Trong đó, cách thứ nhứt là đừng… ăn ngọt. 

- Hơi đâu mà nghe ổng. Ăn gì cũng sợ thì chỉ có nước uống nước lã để sống thôi. 

- Chính xác! Em cũng nghĩ giống Tám. Bởi vậy, em đã mượn hai câu thơ của Nhà thơ Xuân Diệu để tặng lại cho ổng. Thơ đàng hoàng à nhe! Tám nghe nè :

Đời không ăn uống đời vô vị
Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa

Tám thấy em giỏi ghê chưa?

- Giỏi con khỉ khô! Thơ tình lãng mạn, vừa trữ tình, ướt át, lại gợi cảm xúc của người ta tự nhiên đem ra sửa lại nghe sặc mùi ăn uống.

- Tám đâu cần phản ứng mạnh dữ vậy! Em chỉ sửa có hai chữ thôi để cho hợp tình, hợp cảnh, hợp ý em muốn nói. Em sửa có chút xíu cho thích hợp với không gian và thời gian cũng như chủ đề mình đang bàn cãi. Bảo đảm với Tám là hai chữ mà em sửa chỉ có em biết, Tám biết, anh Bảy biết, trời biết, đất biết thôi sẽ chẳng có ma nào biết ngoài Nhà thơ Xuân Diệu. Không chừng bây giờ Nhà thơ mà còn sống, ổng cũng sẽ khen em biết dùng thơ ổng để làm triết lý sống.

- Không cãi lại Chín. Nói lại chuyện cúng đưa Ông Bà Táo nè. Các loại bánh mứt Chín thích ăn gì thì mua về cúng, trước cúng sau ăn.  

- Cúng món gì cũng được hả?

- NO! phải cúng chay. Một đĩatrái cây, bánh mứt tùy ý, 3 đĩa xôi , 3 chén chè, 3 tách trà. Ngày 23 tháng chạp sau khi lau dọn bếp sạch sẽ thì bày đồ cúng. Chín thắp 3 cây nhang rồi vái. 

- Tám vái sao? Chỉ em luôn đi!

- Bỏ tiền vô túi của Chín nè. Theo truyền thuyết thì Ông Bà Táo là người giữ lửa trong nhà của mình. Gia đình có đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào một phần là nhờ Ông Bà Táo phù hộ. Mỗi năm ngày 23 tháng chạp ông bà Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế chuyện xảy ra trong gia đình nguyên một năm. Nếu gia đình nào sống có đạo đức thì sẽ được Ông Bà Táo tiếp tục phù hộ cho gia đạo được bình an, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn. Ngược lại thì gia đình sẽ bị xào xáo, cơm không lành, canh không ngọt … Hồi nhỏ Tám nghe kể như vậy không biết có thiệt không. Tin hay không tuỳ ý Chín đi ha! Nói tóm lại Chín muốn vái gì thì vái, xin gì thì xin.  

- Em hiểu rồi, gì chứ xin xỏ là nghề của nàng mà. Nói tóm lại là em sẽ ca bài còn cá. Con cá sống vì nước, không có nước thì con cá không lội được phải không? 

- Con nhỏ này! Chuyện cúng kiếng đừng có giỡn, đại khái là như vậy. Tiếng chị tôi cười vui vẻ từ bên kia đầu dây. Thôi đi ngủ đi đừng làm phiền Tám nữa.

- Còn lâu mới làm phiền Tám à nhe! Nãy giờ nói chuyện với em, em thấy Tám cười quá chừng luôn. Không nói chuyện với em làm sao mà Tám được cười vui như vậy chứ. Em chính là người đã đem đến niềm vui cho Tám. Không cám ơn em thì thôi còn nói em phiền.

- Ờ…ờ…, Cám ơn rất nhiều “ Bà tiên hạnh phúc” của em.  

- Không có chi, Tám ngủ ngon! 

- Ê! ... ê!… khoan đã.

- Chuyện gì nữa? Hồi nãy ai nói em phiền, kêu em đi ngủ.

- Chỉ dặn Chín là cuối năm đón ông bà về ăn tết nhớ đón ông bà Táo về luôn.

- Em nhớ rồi. Bye Tám!

Gác phone xuống, đột nhiên chợt thấy lòng chùng xuống một nỗi buồn. Một cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc khó mà giải thích len nhẹ vào hồn. Chỉ còn vài hôm nữa thôi là đã bước sang năm mới. Thời điểm này mà được ở bên Việt Nam chắc là vui lắm! Tết ở bên mình thật tưng bừng, háo hức và vui nhộn. Tết đến thật rộn ràng. Tết được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Tết ở ngoài đường và Tết vào tận trong nhà.

Trong ký ức của tôi, Tết là những đêm thức khuya phụ mấy chị làm bánh, mứt. Tết là những ngày phụ mấy anh quét vôi mới, lau chùi cửa sổ. Tết là hình ảnh của một buổi sớm mai ngồi bên cạnh phụ Ba chùi bóng bát nhang, chân đèn. Tết là những buổi đi chợ đêm cùng Má và mấy chị. Những buổi đi chợ đêm mà bao giờ cũng được kết thúc bằng những tô bún măng vịt nóng hổi, vàng ngậy nước béo, thơm thơm mùi hành lá, rau răm trong cái se se lạnh của bầu trời vào khuya ... Nghe sao nhớ quá không khí của những ngày giáp Tết!

Ở Montréal này thì Tết chẳng có gì khác biệt. Tết đến thật im lìm, nhẹ nhàng gần như bị lãng quên. Tết bị khỏa lấp bởi công việc, cuộc sống và cái giá lạnh ở nơi đây. Tết đó, nhưng cũng sáng đi làm, chiều về cơm nước, nghĩ ngơi rồi ngày mai lại tiếp tục… đi làm. Một ngày như mọi ngày.

Cuộc sống nơi xứ người, hoàn cảnh không gian và thời gian không cho phép nên những phong tục Tết cổ truyền ở bên này phần nào đã bị bỏ quên. Tết nơi đây cũng có nhiều loại bánh mứt được bao bọc, gói ghém trong những chiếc hộp xinh xắn, bắt mắt. Tết nơi đây cũng có mai vàng, pháo đỏ, bánh chưng xanh… Nhưng có lẽ hương vị cũng như không khí Tết sẽ chẳng bao giờ được tìm kiếm và bắt gặp như những cái Tết xưa ở quê nhà. Những cái Tết của ngày xưa còn bé…

Thế là lại thêm một năm nữa tôi sẽ đón Tết ở Montréal này. Thôi thì, tôi xin chúc cho riêng tôi và cho tất cả những ai sẽ phải ăn Tết xa xứ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều hạnh phúc với những hiển hiện nhỏ bé của Tết ở xứ người và thật tuyệt vời với những kỷ niệm vui khó quên của những cái Tết đã qua ở quê nhà.

Mỹ Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét